Thái Nguyên phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu đặc trưng

11:00' - 19/10/2023
BNEWS Thái Nguyên cũng đã phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, lợi thế của của tỉnh đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng để đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

Nhằm đạt mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành trung tâm thương mại cấp vùng, trung tâm giao thương và kinh tế của khu vực trung du và miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tăng bình quân 13%/năm. Giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân từ 7%/năm trở lên. Số doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử đạt 50%...

Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu này, tỉnh Thái Nguyên tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các dự án trọng điểm; các dự án lớn có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong giai đoạn 2021-2025, tạo cơ sở phát triển giao thương kinh tế trong tỉnh và vùng miền.

Cùng đó, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phù hợp với đặc điểm, điều kiện, thói quen mua sắm, sinh hoạt, tiêu dùng của người hân dân ở mỗi địa phương; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác, quản lý chợ, chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo hình thức doanh nghiệp quản lý chợ, hợp tác xã chợ văn minh thương mại, chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt...

 

Qua đánh của Sở Công Thương Thái Nguyên, sau hơn 2 năm triển khai Chương trình phát triển thương mại tỉnh giai đoạn 2021- 2025, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân đạt khoảng 18,3%/năm, giá trị xuất khẩu tăng 10,56%/năm. Theo đó, xuất khẩu địa phương tăng bình quân 17,49%/năm, doanh số thương mại điện tử chiếm khoảng 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh.

Thái Nguyên cũng đã phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của của tỉnh đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng để đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước với 61 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được cấp giấy xác nhận. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 140 chợ và đã có 107 chợ triển khai mô hình chợ thanh toán không dùng tiền mặt...

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên, về cơ bản các mục tiêu của chương trình  đều đạt, vượt so với kế hoạch đề ra. Quá trình thẩm định và tham gia ý kiến đối với các đồ án quy hoạch đô thị, nông thôn, việc bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng các dự án trung tâm thương mại, siêu thị, chợ,… được thực hiện theo quy định, đảm bảo phù hợp theo từng cấp độ quy hoạch.

Việc chuyển đổi mô hình chợ đã đạt được một số kết quả nhất định, nhìn chung các chợ được chuyển đổi đều được đầu tư xây dựng cơ sở khang trang, đáp ứng về văn minh thương mại, cơ bản đáp ứng công tác phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng sản phẩm tiêu chuẩn OCOP, xuất khẩu các mặt hàng mới... đạt được nhiều kết quả tốt với các mặt hàng đa dạng, có truy xuất nguồn gốc, đưa lên sàn thương mại điện tử...

Tuy nhiên, thực tế chương trình vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế như: xuất khẩu tăng trưởng phần lớn thuộc nhóm doanh nghiệp FDI, chi phối sự biến động của việc tăng, giảm kim ngạch, chưa phát huy hết được tiềm năng và lợi thế của tỉnh để đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu.

Các mặt hàng nông sản chế biến xuất khẩu của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Hệ thống chợ, siêu thị chủ yếu thiên về chức năng bán lẻ, hạ tầng thương mại ở khu vực nông thôn, miền núi chưa phát triển, cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu. Hiện Thái Nguyên vẫn chưa xây dựng được trung tâm hội chợ triển lãm, chưa hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch của 2 chợ đầu mối tại xã Linh Sơn, Thành phố Thái Nguyên và xã Điềm Thụy huyện Phú Bình để làm cơ sở vận động, thu hút đầu tư../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục