Thái Nguyên đẩy mạnh chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực

09:06' - 08/09/2021
BNEWS Tỉnh Thái Nguyên đang đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, đặc biệt là xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, hình thành các đô thị thông minh, phát triển kinh tế số, xã hội số...

Hiện Thái Nguyên đã triển khai thực hiện các hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung của tỉnh, đồng thời chuẩn bị đầu tư nhằm nâng cấp, bổ sung thêm phiên bản di động (mobile) để bảo đảm thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp chính quyền được xuyên suốt và không phụ thuộc vào vị trí địa lý, dự kiến đưa vào sử dụng ngay trong quý IV/2021.

Đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư, xây dựng phòng họp trực tuyến tại các phòng họp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và 9 huyện, thị xã, thành phố, 146/178 xã phường, thị trấn trên địa bàn.

Tỉnh cũng triển khai Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên với các nội dung cụ thể như: Vận hành hệ thống phản ánh hiện trường với ứng dụng C-ThaiNguyen; theo dõi camera giám sát giao thông, theo dõi hệ thống camera an ninh trật tự, xã hội, theo dõi hệ thống camera các khu cách ly, chốt kiểm soát dịch phục vụ phòng, chống COVID-19, theo dõi hệ thống giám sát thông tin trên môi trường mạng...

Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Tập đoàn VNPT triển khai thí điểm các giải pháp đô thị thông minh tại địa bàn thị xã Phổ Yên và thành phố Sông Công.

Đến nay, Tập đoàn VNPT đã hoàn thiện các hạng mục: Lắp đặt trang thiết bị phòng điều hành - IOC; hệ thống dữ liệu tập trung, kết nối hệ thống phản ánh hiện trường, camera giám sát các điểm cách ly... đồng thời triển khai xây dựng đô thị thông minh tại thành phố Sông Công và thành phố Thái Nguyên.

Hiện thành phố Sông Công đã hoàn thành việc đầu tư, xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) Sông Công...

Trong phát triển kinh tế số, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai thanh toán trực tuyến, phát triển thương mại điện tử, thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả chương trình an sinh xã hội trên địa bàn.

Thái Nguyên phối hợp cùng Tập đoàn Viettel và VNPT tích cực phát triển cài đặt, khuyến khích sử dụng ngân hàng số, thanh toán di động, trong đó ứng dụng Viettel Pay đạt 95.000 khách hàng sử dụng thường xuyên, phát sinh giao dịch qua ứng dụng; ứng dụng VNPT Pay đạt 105.000 khách hàng cài đặt...

Đối với việc phát triển xã hội số, Thái Nguyên đang tích cực triển khai nền tảng xã hội số, công dân số, thu hẹp khoảng cách số với mục tiêu thực hiện đưa dịch vụ hành chính công của tỉnh tới tay người dân thông qua thiết bị di động, phân chia theo nhóm đối tượng sử dụng, trước mắt tập trung với đối tượng là công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

100% các đơn vị, nhà trường trên địa bàn tỉnh thực hiện khai thác ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy-học: phần mềm soạn giảng giáo án điện tử, phần mềm thí nghiệm ảo, phần mềm dinh dưỡng, quản lý y tế; cổng thông tin ngành giáo dục (thainguyen.edu.vn)...

Ngành Y tế xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện A Thái Nguyên và cơ sở y tế tuyến dưới, khởi tạo dữ liệu cho 98% dân số (người có thẻ bảo hiểm y tế), thực hiện kết nối liên thông các cơ sở khám chữa bệnh.

Ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh triển khai xây dựng phần mềm quản lý di sản văn hóa tại các huyện, thành phố, thị xã; xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa về di sản văn hóa, số hóa hồ sơ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được Nhà nước xếp hạng trên địa bàn tỉnh...

Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên cho biết, các ngành, địa phương đang tích cực triển khai hoạt động chuyển đổi số nói chung, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số nói riêng và đạt được một số kết quả nhất định.

Cụ thể, tỉnh đã hoàn thành cung cấp 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 trên công dịch vụ công tỉnh Thái Nguyên, vượt chỉ tiêu có trên 80% dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4.

Các hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung được phát triển, khai thác hiệu quả, đặc biệt là các hệ thống quản lý văn bản đi đến và điều hành, hệ thống hội nghị truyền hình góp phần cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn. Các ngành, địa phương tiếp tục tăng cường triển khai biện pháp đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến...

Thời gian tới, tỉnh dành nguồn ngân sách tương ứng để thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, phối hợp các sở, ngành, địa phương nâng cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 theo danh mục đã được phê duyệt, đồng bộ lên Cổng dịch vụ công quốc gia, xây dựng và triển khai nền tảng xã hội số tỉnh Thái Nguyên.

Thái Nguyên hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, triển khai hệ thống đánh giá chỉ số chuyển đổi số tự động, kết nối với hệ thống IOC của tỉnh, kết nối hệ thống đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục