Thâm hụt thương mại của Nhật Bản giảm gần một nửa trong tháng 4

16:01' - 18/05/2023
BNEWS Ngày 18/5, Bộ Tài chính Nhật Bản thông báo thâm hụt thương mại của nước này đã giảm gần 50% xuống 432,41 tỷ yen (3 tỷ USD) trong tháng 4 vừa qua - mức thấp nhất trong một năm qua.

Ngày 18/5, Bộ Tài chính Nhật Bản thông báo thâm hụt thương mại của nước này đã giảm gần 50% xuống 432,41 tỷ yen (3 tỷ USD) trong tháng 4 vừa qua - mức thấp nhất trong một năm qua, do kim ngạch nhập khẩu giảm lần đầu tiên sau 27 tháng nhờ giá dầu mỏ giảm, trong khi lượng ô tô xuất khẩu sang Mỹ đạt kỷ lục.

 

Kim ngạch nhập khẩu nhiên liệu tăng mạnh do giá dầu thô leo thang đã khiến thương mại của Nhật Bản ghi nhận thâm hụt ở các mức cao, trong khi đồng yen yếu đi khiến kim ngạch nhập khẩu cao hơn nhiều so với xuất khẩu.

Trong tháng 4 vừa qua, kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản giảm 2,3% xuống 8.720 tỷ yen, nhờ giá dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng giảm.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 2,6% đạt 8.290 tỷ yen, đánh dấu mức cao nhất từng ghi nhận trong tháng 4 hằng năm, bất chấp những lo ngại liên quan xu hướng giảm tốc của các nền kinh tế Mỹ và châu Âu.

Như vậy, Nhật Bản đã ghi nhận thâm hụt thương mại tháng thứ 21 liên tiếp, cho thấy tính nhạy cảm của nền kinh tế này đối với những dao động về giá hàng hóa. Đồng yen có phần phục hồi sau đợt mất giá mạnh so với đồng USD hồi năm ngoái. Tỷ giá trung bình hiện ở mức 132,23 yen/1 USD, cao hơn 7,6% so với một năm trước đây.

Kim ngạch nhập khẩu dầu thô của Nhật Bản cũng giảm lần đầu tiên trong 2 năm, với mức giảm 25%, xuống còn 883 tỷ yen.

Theo các dữ liệu mới công bố, Nhật Bản đã ghi nhận thặng dư thương mại với Mỹ ở mức 794,83 tỷ yen, sau khi xuất khẩu tăng 10,5% đạt 1.660 tỷ yen và nhập khẩu tăng 1% lên 862,09 tỷ yen. Trong khi đó, giao dịch với đối tác thương mại lớn của Nhật Bản là Trung Quốc lại ghi nhận thâm hụt 460,88 tỷ yen, trong đó nhập khẩu tăng 14,8% lên 1.910 tỷ yen, trong khi xuất khẩu giảm 2,9% xuống 1.450 tỷ yen.

Thặng dư thương mại của Nhật Bản với các nước khác ở châu Á, bao gồm cả Trung Quốc, giảm hơn 50% xuống còn 297,87 tỷ yen, trong khi thâm hụt trong trao đổi thương mại với Liên minh châu Âu (EU) ở mức 72,40 tỷ yen, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm trước.

Nhà kinh tế Chisato Oshiba của Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life cho biết, hoạt động xuất khẩu ô tô của Nhật Bản đang dần ổn định trở lại sau khi đối mặt thách thức về nguồn cung.

Chuyên gia Oshiba nhấn mạnh số liệu này là "điểm sáng" của nền kinh tế Nhật trong bối cảnh dấy lên nhiều lo ngại về nguy cơ tăng trưởng giảm tốc.

Ngoài ra, chuyên gia cũng khuyến nghị cần thận trọng do kinh tế Trung Quốc đang phục hồi khá chậm, trong khi giá dầu thô vẫn được dự đoán sẽ duy trì ở mức cao.

Trong quý từ tháng 1 - tháng 3/2023, nền kinh tế Nhật Bản đã phục hồi từ mức suy thoái kỹ thuật nhờ tiêu dùng tư nhân ổn định, nhưng kim ngạch xuất khẩu ghi nhận mức thấp nhất trong 3 năm.

Trong khi đó, biện pháp tăng lãi suất mạnh để kiềm chế lạm phát ở các nền kinh tế tiên tiến đã khiến triển vọng kinh tế toàn cầu bị phủ bóng.

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vẫn cảnh giác trước các nguy cơ khó đoán định, mặc dù có tín hiệu khả quan về triển vọng kinh tế toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục