Tham vọng phát triển năng lượng tái tạo của Trung Quốc

05:30' - 02/10/2018
BNEWS Tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo đã trở thành một giải pháp thiết yếu trong vấn đề cung cấp năng lượng của Trung Quốc.
Tham vọng phát triển năng lượng tái tạo của Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN 

Tạp chí Diễn đàn Đông Á vừa đăng bài viết của Giáo sư Zhong Xiang Zhang thuộc Trường Kinh tế Ma Yinchu, Đại học Thiên Tân, Trung Quốc - về kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo của Trung Quốc.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng nguồn năng lượng thay thế lên mức tương đương 15% tổng nhu cầu sử dụng năng lượng của nước này vào năm 2020 và giảm tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch xuống 20% vào năm 2030.

Thực tế cho thấy, việc tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung năng lượng không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà còn giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân.

Với mục tiêu này, Chính phủ Trung Quốc đã bước đầu hỗ trợ phát triển năng lượng Mặt trời thông qua kế hoạch trợ cấp đầu tư “Mặt trời vàng”. Sau nhiều năm nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất các tấm pin năng lượng Mặt trời, Trung Quốc đã tiến hành giảm thuế năng lượng Mặt trời vào tháng 7/2011 để tạo lập thị trường riêng trong nước.

Tương tự, năng lượng gió cũng được hưởng lợi từ việc giảm thuế áp dụng từ năm 2003. Với tổng công suất lắp đặt 5,9 gigawatt (GW) vào cuối năm 2007, công suất năng lượng gió của Trung Quốc đã vượt mục tiêu 5 GW, được đặt ra cho năm 2010, và đang trên đà tiến tới mốc 30 GW vào năm 2020.

Nhu cầu năng lượng và công suất lắp đặt điện gió của Trung Quốc đều tăng nhanh hơn so với kế hoạch. Do ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, cùng với áp lực về các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, Trung Quốc đã đặt mục tiêu nâng công suất năng lượng gió lên mức 210 GW vào năm 2020, tăng 180 GW so với mục tiêu đề ra trước đó.

Tháng 8/2009, chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng gió đã được Chính phủ Trung Quốc thay thế bằng ưu đãi thuế. Với chính sách mới này, bốn trang trại điện gió đã được thiết lập, dựa trên chất lượng tài nguyên năng lượng gió, điều kiện cung cấp kỹ thuật và cơ sở hạ tầng. 

Bằng cách cho phép các nhà đầu tư nắm rõ tỷ lệ hoàn vốn dự kiến thông qua việc công bố trước mức thuế đánh trên số điện năng truyền tải, Chính phủ Trung Quốc đã tạo điều kiện khuyến khích phát triển nguồn năng lượng gió chất lượng cao. Đồng thời, điều này giúp các nhà máy điện gió giảm chi phí đầu tư và vận hành, tăng hiệu quả kinh tế, qua đó, thúc đẩy sự phát triển lớn hơn của ngành công nghiệp điện gió tại Trung Quốc.

Theo Luật Năng lượng tái tạo của Trung Quốc, các nhà máy phát điện đã đăng ký được cấp quyền truy cập vào mạng lưới điện và được yêu cầu mua toàn bộ số điện năng do năng lượng tái tạo sinh ra.

Trong 10 năm qua, chi phí của các dự án điện gió giảm đi rất nhiều, nhưng các tiêu chí thuế quan đánh trên số điện truyền tải tại mỗi khu vực vẫn giữ nguyên mức ưu đãi cho đến năm 2015. Điều này khiến các nhà sản xuất điện gió tập trung vào chi phí sản xuất nhiều hơn mức nhu cầu, dẫn đến dư thừa một lượng lớn nguồn cung năng lượng.

Sự mất cân bằng đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực miền Bắc và miền Tây Trung Quốc, nơi sở hữu nguồn tài nguyên gió dồi dào và tập trung phần lớn các cơ sở sản xuất điện gió. Do các trạm phụ tải được đặt cách xa hơn nhiều so với các nhà máy sản xuất điện gió, dẫn đến kết quả là số năng lượng điện gió được tạo ra cần phải giảm bớt do nhu cầu sử dụng thấp của địa phương hoặc do sự thiếu ổn định của hệ thống lưới điện.

Theo bài viết, với kế hoạch nâng công suất năng lượng gió lên quy mô cao đáng kể vào năm 2020, Trung Quốc nên khuyến khích các công ty đảm bảo cung cấp dòng điện thực tế vào lưới điện, hơn là khả năng đáp ứng.

Quốc gia này cũng cần cải thiện hệ thống lưới điện và đưa kế hoạch phát triển năng lượng gió vào trong kế hoạch xây dựng hệ thống mạng lưới điện quốc gia, bao gồm cả mạng lưới điện thông minh. Các đường dây truyền tải mới nên được xây dựng cùng lúc với quá trình thiết lập các trang trại điện gió.

Năng lực truyền tải và mạng lưới vận chuyển điện từ miền Tây và miền Bắc về phía Đông Nam Trung Quốc cũng cần được nâng cấp bằng cách xây dựng thêm các đường dây điện cao thế.

Hỗ trợ thuế và cam kết đảm bảo mua lại năng lượng tái tạo đã giúp nhân rộng việc sử dụng năng lượng tái tạo ở Trung Quốc, nhưng những chính sách này cần được sử dụng phù hợp với tình trạng dư thừa năng lực và sự không tương thích giữa các địa điểm sản xuất và trung tâm truyền tải điện. 

Các chính sách thay thế, như sự phối hợp giữa năng lượng than và phát triển năng lượng tái tạo, phân phối nguồn năng lượng tái tạo, ưu đãi cho các khu vực sử dụng năng lượng tái tạo, điều phối các nguồn năng lượng “xanh”,… cần được tham vấn và sử dụng đồng thời nhằm giải quyết vấn đề dư thừa công suất và khuyến khích các nhà đầu tư phát triển năng lượng gió lựa chọn thiết lập nhà máy gần với các trung tâm truyền tải điện hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục