Trung Quốc và nỗ lực giành thiện cảm của doanh nghiệp Mỹ

05:30' - 01/10/2018
BNEWS Thay vì bị đe dọa mang ra làm quân bài mặc cả, doanh nghiệp Mỹ giờ trở thành đối tượng được phía Trung Quốc "ve vãn" trong cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: AFP/TTXVN

Hai tuần trước khi Mỹ áp thuế bổ sung đối với 16 tỷ USD còn lại trong 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đầu tiên bị áp thuế bổ sung, ngày 7/8, tờ Nhân dân nhật báo phiên bản tiếng Anh đăng bài bình luận cảnh báo các công ty tập đoàn của Mỹ có thể trở thành “quân bài” của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại

Đây là lần thứ hai trong 6 ngày, bài báo này xuất hiện trên truyền thông chính thức của Trung Quốc. Trước đó, bài báo trên được đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu, một phụ bản của tờ Nhân dân nhật báo, với tiêu đề “Những nhãn hiệu Mỹ có doanh số lớn tại Trung Quốc, bao gồm Apple sẽ trở thành quân bài mặc cả của Trung Quốc”. 

Và khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đe dọa áp thuế bổ sung với hàng hóa Trung Quốc, quan chức Bắc Kinh tuyên bố sẽ trả đũa tương xứng; gặp lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cảnh báo doanh nghiệp Mỹ có thể bị ảnh hưởng. 

Kết quả điều tra mới nhất do Thương hội Mỹ tại Trung Quốc và Thương hội Mỹ tại Thượng Hải cho thấy trong số 432 doanh nghiệp Mỹ trả lời thì có hơn 60% nói rằng họ bị ảnh hưởng bởi đợt áp thuế bổ sung đầu tiên đối với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. 

Trong trường hợp Mỹ áp thuế bổ sung đợt 2 với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, 3/4 số doanh nghiệp Mỹ nêu trên nói rằng hoạt động của họ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Hiện tại mới có khoảng 1/3 doanh nghiệp Mỹ tạm hoãn đầu tư tại Trung Quốc và 2/3 doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc chưa có kế hoạch chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc. 

Tuy nhiên, cùng với sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhất là trong trường hợp Trung Quốc ra đòn trả đũa nhằm vào doanh nghiệp Mỹ, giới chuyên gia cho rằng tình hình có thể khác đi. Có bất ngờ hay không khi Bắc Kinh giơ cành ô liu với doanh nghiệp Mỹ? 

Theo tờ Economic Journal, trong một hội nghị gần đây, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc nói với các nhà quản lý cao cấp trong giới doanh nghiệp Mỹ sang thăm Trung Quốc rằng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc sẽ không trở thành mục tiêu trả đũa trong cuộc chiến thương mại. Đây không phải là phát biểu đơn lẻ vỗ về doanh nghiệp Mỹ của giới chức Bắc Kinh.

Tại buổi tiếp Chủ tịch hãng Exxon Mobil Darren Woods vào ngày 7/9, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bày tỏ ủng hộ đối với dự án hóa dầu trị giá 10 tỷ USD mà Exxon Mobil lên kế hoạch thực hiện ở tỉnh Quảng Đông. Ngoài ra, có thông tin cho biết tuần qua, ông Vương Kỳ Sơn tiến hành gặp gỡ một số nhà tài phiệt Phố Wall, đến từ các tập đoàn lớn như JPMorgan Chase, Citigroup, Blackstone… Thông điệp được phát đi là “mọi việc vẫn bình thường”. 

Đầu tư của doanh nghiệp Mỹ hằng năm chỉ chiếm khoảng 2% tổng mức đầu tư nước ngoài trực tiếp tại Trung Quốc, nhưng liên quan tới nhiều ngành nghề then chốt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc nâng cao trình độ công nghệ và quản lý như đầu tư của hãng Intel trong lĩnh vực bán dẫn, đầu tư của hãng General Electric trong ngành chế tạo hàng không. 

“Giết gà để lấy trứng” rõ ràng không thể tốt bằng “nuôi gà để đẻ trứng”. Quan trọng hơn, nếu phía Trung Quốc trừng phạt doanh nghiệp nổi tiếng của Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài khác đối với nước này, có thể kích hoạt làn sóng thoái vốn. 

Ngoài ra, hiện nay ở Mỹ đã hình thành Liên minh người Mỹ vì tự do thương mại với sự tham gia của hơn 60 đoàn thể ngành nghề. Liên minh này phản đối việc ông Trump mở rộng vô hạn biện pháp thuế quan, tìm cách thuyết phục các nghị sỹ Mỹ gây sức ép với Tổng thống nước này. Vì vậy, nỗ lực giành thiện cảm của doanh nghiệp Mỹ lúc này được cho là hành động khôn ngoan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục