Tham vọng về “thiên đường thuế” của Anh hậu Brexit khó thành

07:32' - 08/07/2016
BNEWS Việc Anh lựa chọn rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit, sẽ giúp nước này tự chủ hơn trong các chính sách về thuế của mình song cái giá của sự tự chủ này về mặt chính trị là không hề nhỏ.
Tham vọng về “thiên đường thuế” của Anh hậu Brexit khó thành. Ảnh: Thomson Reuters

Theo nhận định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), việc Vương quốc Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, sẽ giúp nước này tự chủ hơn trong các chính sách về thuế của mình song cái giá của sự tự chủ này về mặt chính trị là không hề nhỏ.

Giám đốc phụ trách các vấn đề về thuế của OECD Pascal Saint-Amans dự báo rằng sau khi “dứt điểm” với EU và thoát khỏi các ràng buộc nội khối, những quan ngại tiêu cực về Brexit đối với khả năng cạnh tranh của “xứ sở sương mù” có thể khiến các chính sách ưu đãi thuế của London trở nên “hào phóng” hơn nhiều và thậm chí có thể biến Anh trở thành một “thiên đường thuế”.

London đã công bố kế hoạch cắt giảm thuế doanh nghiệp từ mức 20% hiện nay xuống còn 17% vào n ăm 2020 so với mức trung bình 25% được ghi nhận tại các nước thành viên của OECD.

Mới đây Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne vừa thông báo dự định cắt giảm thuế doanh nghiệp xuống dưới mức 15%.

Trước đó, với mục tiêu trở thành “điểm đến” hấp dẫn nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), quốc đảo này còn thực hiện giảm thuế đối với một số loại thu nhập và thậm chí áp dụng thuế suất bằng không đối với những khoản thu từ các công ty con có trụ sở tại các thiên đường thuế.

Hiện Ủy ban châu Âu (EC) đang tiến hành điều tra CH Ireland và Luxembourg vì cáo buộc hai quốc gia này đã “tiếp tay” cho các doanh nghiệp như Apple và McDonald's thực hiện hành vi trốn thuế bằng cách điều chuyển lợi nhuận giữa các nước trong khối.

Ý tưởng biến nước Anh trở thành một “thiên đường thuế” bằng cách điều chỉnh giảm thuế thu nhập đối với các công ty đa quốc gia nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài đã nổi lên kể từ sau khi cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 cho ra kết quả phần lớn cử tri Anh lựa chọn kịch bản Brexit.

Tuy nhiên, trốn thuế doanh nghiệp đã trở thành một trong những vấn đề chính trị nhức nhối tại Anh trong những năm gần đây, sau khi lần lượt những vụ bê bối về thuế của các tập đoàn lớn như Starbucks hay Google bị phanh phui.

Điều này sẽ khiến dư luận Anh khó chấp nhận ý định mở rộng các chính sách thuế ưu đãi của chính phủ thời kỳ hậu Brexit.

Bên cạnh đó, Giám đốc Saint-Amans còn cảnh báo rằng cắt giảm thuế sẽ gây áp lực lên hệ thống tài chính công của Anh, đặc biệt là giữa bối cảnh các doanh nghiệp đa quốc gia thường hoạt động rất mạnh tại nước này nên mức thuế mà họ phải đóng đáng lẽ sẽ là rất cao.

Trong khi đó, Giám đốc các vấn đề về thuế của Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) Chas Roy-Chowdhury cũng cho rằng việc nước Anh áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế mà đi ngược lại với các điều luật của EU sẽ khiến các doanh nghiệp lo lắng về việc bị trả thù.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục