Thăng trầm đầu tư chứng khoán

09:03' - 02/07/2020
BNEWS Chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua những biến động rất mạnh trong 6 tháng đầu năm 2020.

Những biến động này khiến nhiều nhà đầu tư lỗ nặng, nhưng cũng tạo ra cơ hội kiếm tiền cho những nhà đầu tư bắt đúng đáy cổ phiếu. Trong khi rất nhiều nhà đầu tư đã bán cổ phiếu vào đúng đáy và không hiểu lý do thị trường hồi phục liên tục từ đầu tháng 4 đến những phiên nửa đầu tháng 6 thì nhiều nhà đầu tư khác đã “kiếm đậm”.
Kênh đầu tư hấp dẫn
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong nhóm các thị trường giảm điểm sâu nhất trong quý I, nhưng cũng là một trong những thị trường có mức hồi phục mạnh nhất. Chỉ số VN - Index đã tăng 36% từ mức đáy 662 điểm (31/3/2020) lên 900 điểm (10/6/2020).
Thị trường chứng khoán biến động mạnh đã khiến một lớp nhà đầu tư mới được hình thành, giúp cho thanh khoản tăng cao kỷ lục.

Thị trường thường xuyên có những phiên giá trị giao dịch khoảng 9.000 tỷ đồng, thậm chí có phiên lên tới hơn 10.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 15/6, giá trị khớp lệnh lên tới hơn 1 tỷ USD, đây là kỷ lục về giá trị giao dịch từ khi thành lập thị trường chứng khoán.
Theo Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí, ông Lê Đức Khánh, số nhà đầu tư mở mới thị trường chứng khoán và tham gia vào thị trường tăng mạnh khiến dòng tiền bắt đáy tăng vọt.

Cho dù có ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, nhưng thị trường chứng khoán lại trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhất đặc biệt là đối với các nhà đầu tư cá nhân.
Qua quan sát diễn biến giao dịch trên thị trường thì không chỉ các cổ phiếu lớn mà cả các cổ phiếu vừa và nhỏ đều thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Nhiều cổ phiếu đã hồi phục và thậm chí tăng vượt đỉnh so với giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát.
Theo SSI, dòng tiền dồi dào từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước thúc đẩy đà tăng của chỉ số. Chỉ riêng trong 3 tháng (3 - 5/2020), có gần 100.000 tài khoản mở mới, cao đột biến trong nhiều năm trở lại đây.
Chia sẻ về lý do đầu tư vào thị trường chứng khoán, anh Nguyễn Trung Kiên cho biết, anh không hiểu về thị trường chứng khoán, cũng không biết theo dõi bảng điện tử để xem diễn biến giao dịch, nhưng khi đọc báo chí thấy thị trường giảm sâu anh đã dùng hết số tiền nhàn rỗi, hơn 300 triệu đồng mà 2 vợ chồng dành dụm được để mua cổ phiếu.

Anh Kiên cho rằng, kinh nghiệm từ thị trường những năm trước đây cho thấy, sau những cú giảm mạnh thị trường sẽ hồi phục.
“Quan trọng là tìm được doanh nghiệp trên sàn khó có thể phá sản vì đại dịch COVID-19 thì sau thời gian giảm, giá cổ phiếu sẽ hồi phục, thậm chí còn tăng mạnh hơn thời điểm trước khi giảm”, anh Kiên nói.
Anh Nguyễn Văn Hạnh, một môi giới tại công ty chứng khoán cho biết, chưa bao giờ bạn bè hỏi anh nhiều về thị trường chứng khoán như bây giờ.

“Những người bạn đó chưa tham gia thị trường chứng khoán, họ chỉ biết đến diễn biến thị trường qua đọc báo và chưa nếm trải những cay đắng từ thị trường. Dù vậy, thực tế nhiều bạn tôi đã kiếm được tiền từ thị trường và họ rất tự tin”, anh Hạnh chia sẻ.
Theo anh Hạnh, kiếm tiền trên thị trường chứng khoán không hề dễ dàng. Quan trọng là kết quả cuối cùng nhà đầu tư nhận được. Vì việc ra quyết định mua bán của giới đầu tư chịu ảnh hưởng rất lớn từ tâm lý đám đông.

Theo Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí, ông Lê Đức Khánh, thị trường chứng khoán đã hồi phục mạnh mẽ trong quý II khi chỉ số VN-Index hầu như lấy lại được gần số điểm đã mất trong quý I khi quay trở lại cứ điểm 900 và có nhiều phiên giao dịch vượt ngưỡng 8.000 - 9.000 tỷ đồng (chỉ tính riêng giá trị giao dịch trên sàn Tp. Hồ Chí Minh).

Giao dịch khối ngoại được coi là điểm trừ khi bán ròng mạnh 4/6 tháng; trong đó, tháng 3 khối ngoại đã bán ròng hơn 10.055 tỷ đồng, sang tháng 4 khối ngoại bán ròng tới hơn 30.731 tỷ đồng. Đến tháng 5, mức độ bán ròng giảm nhưng vẫn còn rất lớn, đạt trên 5.033 tỷ đồng. Tuy nhiên, khối ngoại đang có xu hướng mua ròng trở lại trong tháng 6.
Cơ hội đi kèm rủi ro
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, câu chuyện về kiểm soát dịch bệnh thành công, làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, chính sách thúc đẩy đầu tư công vẫn tạo nên sức hấp dẫn với thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn.
SSI nhận thấy sau dịch bệnh, khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam vẫn rất tốt. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, yếu tố rủi ro đang ở mức khá cao bởi thị trường tăng dựa vào dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong thời gian vừa qua, có thể vào nhanh nhưng cũng rút rất nhanh khi có biến động mạnh.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam - VNSC, ông Đỗ Ngọc Bảo cho biết, biến động bất thường từ dịch COVID-19 đã tạo ra rủi ro lớn cho nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, nhưng cũng có một bộ phận doanh nghiệp được hưởng lợi lớn từ các chính sách kích cầu kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công, xuất khẩu sản phẩm y tế khi nhu cầu tăng mạnh.

ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Chính vì vậy, vẫn có những doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng, tạo ra các cơ hội đầu tư tốt cho nhà đầu tư dài hạn.

Đối với nhà đầu tư ngắn hạn, thị trường chứng khoán giảm mạnh trong quý I đã tạo ra nhiều cơ hội mua cổ phiếu giá rẻ, khi nhiều mã cổ phiếu bluechip (cổ phiếu của một công ty lớn, đã được thành lập và có nền tài chính hoạt động tốt trong nhiều năm) giảm về mức giá thấp chưa từng có trong 2 năm trở lại đây.
Trong điều kiện các ngân hàng trung ương vẫn kiên trì với các chính sách hỗ trợ kinh tế và thị trường tài chính thì năm 2020, vẫn có thể là 1 năm có nhiều cơ hội đối với các nhà đầu tư theo chiến lược linh hoạt.
Ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, kết quả kinh doanh quý II/2020 sẽ có sự phân hóa sâu sắc giữa các nhóm công ty được hưởng lợi từ các chính sách đẩy mạnh đầu tư công, hỗ trợ của Chính phủ và nhóm các công ty chịu tác động tiêu cực từ trình trạng kinh tế suy giảm do COVID-19.
Tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam dự kiến ở mức thấp khi Việt Nam bắt đầu giãn cách xã hội từ ngày 1/4/2020 và tới 15/5/2020 mới thực sự dỡ bỏ các chính sách này. Vì vậy, gần như nền kinh tế đã “đóng băng” trong ½ thời gian của Quý II.

Do đó số liệu tăng trưởng GDP có thể sẽ tạo đáy trong quý này. Chính vì vậy, với thị trường chứng khoán nhà đầu tư nên có cái nhìn thận trọng hơn.
Hiện mùa báo cáo quý II cũng sắp tới, khi tiếp tục theo sát thị trường thì nhà đầu tư cần quan tâm tới các doanh nghiệp dự kiến có kết quả kinh doanh quý II tích cực, thường thì các công ty đó cũng đã có kết quả quý I khá tốt trong điều kiện kinh tế chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19.
Theo ông Đỗ Ngọc Bảo, nhà đầu tư nên quan tâm tới cổ phiếu các ngành kinh tế hưởng lợi từ các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ như xây dựng cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng, khai khoáng…; các ngành hưởng lợi từ dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài như bất động sản khu công nghiệp, hạ tầng, logistics…; các ngành hưởng lợi khi nhu cầu sử dụng sản phẩm y tế gia tăng vì dịch bệnh như dược phẩm, thiết bị y tế….
Theo ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí, kết quả kinh doanh Quý II của doanh nghiệp là thông tin được các nhà đầu tư mong chờ nhất, bởi đây là thời gian doanh nghiệp chịu những tác động của dịch COVID-19 lên hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, giai đoạn này hầu như các thông tin tích cực, tiêu cực về kinh doanh quý II đã phản ánh vào diễn biến giá cổ phiếu. Nhà đầu tư cũng nên có cái nhìn rộng hơn cũng như phân tích kỹ triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp mà mình quan tâm trong khoảng thời gian cuối năm.
Nhà đầu tư cần phân tích và dự báo xu hướng lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai, đó là điểm mấu chốt trong hoạt động đầu tư hơn là những thông tin đã và đang được công bố, ông Khánh khuyến nghị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục