Thành công không nằm trên "bàn giấy"! - Bài cuối: Vị thế càng tăng, trách nhiệm càng lớn!

14:30' - 04/10/2023
BNEWS Hiện nay, biến đổi khí hậu được xem là thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại trong thế kỷ XXI với những tác động tiêu cực, đe dọa sự tồn vong của các hệ sinh thái và cuộc sống của con người.

Đây là vấn đề toàn cầu đòi hỏi nỗ lực ứng phó của từng quốc gia cũng như sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng quốc tế.

Có thể khẳng định tăng trưởng xanh, phát triển bền vững được xác định là trọng tâm trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới trong nỗ lực để đạt được sự phát triển bền vững. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu và đã có nhiều nỗ lực ứng phó tích cực. Là một chủ thể năng động và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế đó để thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.

Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã sớm tham gia các cơ chế, thỏa thuận liên quan, như Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch… liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã chính thức cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Mới đây, tại Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu của Liên hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: "Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh công bằng, công lý; trong đó lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể và không để ai bị bỏ lại phía sau". Đó là quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Chính phủ cũng như quyết tâm của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế vì mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững…

Không chỉ vậy, Việt Nam đã tham gia Sáng kiến Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng "0" do Nhật Bản khởi xướng nhằm thúc đẩy giảm phát thải carbon và hợp tác chuyển dịch năng lượng, trong đó việc loại bỏ năng lượng hóa thạch, bổ sung năng lượng tái tạo được thực hiện một cách hợp lý với ưu tiên cao.

Có thể khẳng định tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường cũng được xác định là trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia của nhiều khu vực trên thế giới trong nỗ lực để đạt được sự phát triển bền vững. Trên thế giới, gần đây, các nước châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều đưa ra chương trình phát triển xanh, khung pháp lý để nhập khẩu hàng hóa của các nước phải bảo đảm sản xuất xanh.

Mới đây nhất, Ủy ban Châu Âu (EU) đã ban hành quy định về Thiết lập Cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM). Đây là công cụ chính sách của EU nhằm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường châu Âu dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước xuất khẩu. Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon sẽ được EU bắt đầu áp dụng từ ngày 1/10/2023.

Đây vừa là yêu cầu đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế, vừa là đòi hỏi nội tại của đất nước chúng ta ở một vị trí nền kinh tế chịu ảnh hưởng chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Đồng thời đây cũng là cơ hội để Việt Nam lựa chọn lộ trình tăng trưởng xanh trước ngã rẽ phục hồi hậu COVID. Doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường toàn cầu, muốn nâng cao giá trị thì phải hướng tới phát triển bền vững.

Đặc biệt, Việt Nam cũng tham gia hội nhập quốc tế, ký nhiều các Hiệp định tự do thương mại (FTA), một trong những động lực tăng trưởng của Việt Nam là xuất khẩu, và vì thế xuất khẩu phải bảo đảm xanh. Đây là yêu cầu khắt khe của thế giới và là yêu cầu bắt buộc của hội nhập. Do đó Việt Nam không có tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, bảo đảm đời sống nhân dân thì rất khó hội nhập.

Chúng ta phải có hành động đi cùng xu thế của thế giới, không thể phát triển mà không theo xu thế và tranh thủ xu thế. Bảo vệ môi trường tại Việt Nam, sản xuất ra một sản phẩm xanh tại Việt Nam không chỉ đơn thuần là đáp ứng tiêu chuẩn về xuất khẩu mà quan trọng hơn nó đóng góp là một mắt xích quan trọng trong việc bảo vệ môi trường chung của toàn cầu. Và đó là hành động mà Việt Nam có trách nhiệm phải thực hiện.

Để thực hiện các cam kết trên, Chính phủ Việt Nam đã tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp; đầu tư cho vốn tự nhiên…

Việt Nam đã ban hành Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050 với các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng, và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050.

Mặc dù vậy, thế giới đang biến đổi khó lường, do đó chúng ta vẫn cần hơn nữa sự nỗ lực, quyết tâm tập trung vào hoàn thiện thể chế để phát triển xanh, tăng trưởng xanh; xây dựng các quy hoạch, quy định quản lý phù hợp, hiệu quả, bảo đảm đúng tinh thần phát triển bền vững, phát triển xanh. Và quan trọng hơn chúng ta cần sự vào cuộc tích cực hơn từ các chính quyền địa phương, không để tình trạng "trên nóng dưới lạnh" khiến nỗ lực của cả hệ thống chính trị bị chậm lại.

Để đạt được các mục tiêu bảo vệ môi trường, cần nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp và mỗi địa phương đối với công tác bảo vệ môi trường. Khắc phục và loại bỏ ngay tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế giảm phát thải sẽ đòi hỏi sự chuyển mình của cả các doanh nghiệp và người dân. Đối với các doanh nghiệp, việc tham gia tiến trình giảm phát thải và xanh hóa được nhận định sẽ ẩn chứa nhiều thách thức nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội, đặc biệt là khi nắm bắt được xu hướng dịch chuyển xanh trên thế giới và Việt Nam.

Mặc dù vậy, những rào cản về môi trường, khí hậu trong thương mại quốc tế đã và sẽ được áp dụng ngày càng nhiều trên thế giới. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu quá trình chuyển đổi xanh diễn ra càng chậm, doanh nghiệp càng mất đi cơ hội gia tăng xuất khẩu.

>>>Thành công không nằm trên "bàn giấy"! - Bài 1: Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế

>>>Thành công không nằm trên "bàn giấy"! - Bài 2: Không biện minh cho sự đánh đổi!

Cuộc đua hướng tới giảm phát thải vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội của Việt Nam trong sân chơi toàn cầu. Sự chủ động tham gia từ phía Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khối tư nhân và cả người tiêu dùng, được kỳ vọng sẽ tạo một nền tảng bền vững cho tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ và các địa phương cần có những chính sách mang tính đổi mới và sáng tạo, để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, gia tăng ý thức cộng đồng với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Mới đây, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (Ban Chỉ đạo COP26) Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh, chúng ta đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa… để quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, gắn phát triển xanh với phát triển bao trùm, phát triển nhanh và bền vững.

Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thực hiện đúng các cam kết quốc tế không chỉ bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước, mà còn là đóng góp của Việt Nam đối với sự phát triển chung của nhân loại, vì cuộc sống tốt đẹp của chúng ta và các thế hệ mai sau. Với sự thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của mình, Việt Nam đang là chủ thể tích cực trong vấn đề bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu của thế giới.

Đánh giá vai trò, vị thế của một quốc gia trong bối cảnh hiện nay không đơn thuần trên có số quy mô GDP mà còn được nhìn nhận ở trách nhiệm và nghĩa vụ đóp góp với cộng đồng quốc tế, là trách nhiệm đối với chất lượng môi trường sống và đảm bảo cho sức khỏe của người dân trên toàn cầu./.

Tác giả bài viết:

Đọc tiếp:

>>>Thành công không nằm trên "bàn giấy"! - Bài 1: Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế

>>>Thành công không nằm trên "bàn giấy"! - Bài 2: Không biện minh cho sự đánh đổi!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục