Thanh Hóa: 17.000 lao động mất việc được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp

09:51' - 04/10/2021
BNEWS Trong tổng số người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhóm lao động phổ thông không có bằng cấp, chứng chỉ nghề chuyên môn chiếm tỷ trọng cao nhất.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho gần 17.000 lao động bị mất việc làm; thẩm định hồ sơ và ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hơn 17.000 người.

Trong tổng số người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhóm lao động phổ thông không có bằng cấp, chứng chỉ nghề chuyên môn chiếm tỷ trọng cao nhất.

Là giáo viên hợp đồng tại một trường tư thục trên địa bàn tỉnh Hải Dương, đầu tháng 5/2021, dịch COVID-19 phức tạp khiến chị Đỗ Thị Thúy (sinh năm 1993, trú tại thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) mất việc làm, phải trở về quê do cơ sở mầm non đóng cửa.

Từ đó đến nay, chị Thúy chưa tìm được việc làm mới do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Trong thời điểm khó khăn, nhận thấy bản thân có đủ điều kiện để nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, chị Thúy đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa và được các cán bộ hướng dẫn làm hồ sơ nhận trợ cấp. Theo đó, trong thời gian chưa tìm được việc làm, chị đã nhận được trợ cấp mỗi tháng gần 3 triệu đồng tiền Bảo hiểm thất nghiệp.

Phấn khởi vì nhận được sự hỗ trợ kịp thời, chị Đỗ Thị Thúy cho biết, số tiền này vô cùng ý nghĩa, đã giúp chị phần nào bớt những khó khăn, chật vật trong cuộc sống trong thời điểm chưa tìm được việc làm mới. Trong quá trình làm hồ sơ, chị cũng được Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn, hướng dẫn để có thể tìm được công việc ổn định tại quê nhà.

Xa quê vào tận Bình Dương để tìm kiếm công ăn việc làm nhưng dịch COVID-19 bùng phát, cả gia đình chị Vũ Thị Hương (sinh năm 1986, huyện Yên Định, Thanh Hóa) phải trở về quê do công ty đóng cửa. Mấy tháng liên tiếp không có việc làm, đời sống khó khăn, chị may mắn nhận được khoản tiền trợ cấp thất nghiệp, phần nào vơi bớt nỗi lo cơm áo trong thời điểm chưa tìm được việc làm mới.

Chị Hương cho biết, bảo hiểm thất nghiệp thực sự đã giúp nhiều người lao động khó khăn như gia đình tôi vượt qua khó khăn thời điểm dịch bệnh. Với số tiền hơn 4 triệu đồng/người/tháng tiền bảo hiểm thất nghiệp của hai vợ chồng đã trở thành phao cứu sinh giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống trước mắt cho đến khi tìm được việc làm mới và quay trở lại thị trường lao động.

Được biết, trong tổng số người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa, nhóm lao động phổ thông (không có bằng cấp, chứng chỉ nghề chuyên môn) chiếm tỷ lệ cao nhất. Nghề nghiệp của người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tập trung chủ yếu ở một số nghề như: thợ may, thêu và các thợ có liên quan chiếm 46,22%; kỹ thuật viên điện tử 13,13%; thợ lắp ráp 9,25%; thợ hàn 6,25%... Đối tượng người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất từ 25 - 40 tuổi.

Theo ông Nguyễn Xuân Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa, hiện người lao động đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp có 2 nhóm là tự nghỉ việc hoặc doanh nghiệp cho nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch bệnh. Số người lao động bị mất việc do dịch chiếm hơn 60%.

Trung tâm phối hợp với các trường nghề để tư vấn học nghề cho người lao động; thu thập thông tin về thị trường để nắm bắt, cập nhật tình hình biến động lao động, khai thác vị trí việc làm trống để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, Trung tâm cung cấp thông tin về thị trường lao động cho người sử dụng lao động, góp phần điều tiết thị trường lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, để hỗ trợ người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ, tổ chức, cá nhân đến giao dịch. Theo đó, người đến giao dịch được đo thân nhiệt, sát khuẩn hai vòng, đeo khẩu trang kháng khuẩn và thực hiện giãn cách theo quy định.

Thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, Trung tâm chuyển giao dịch từ trực tiếp sang trực tuyến, bố trí các cán bộ thụ lý nhận hồ sơ, công bố số điện thoại của chuyên viên phụ trách từng huyện, xã để thuận tiện cho người lao động nộp hồ sơ. Ngoài điểm chính, Trung tâm còn bố trí 6 điểm văn phòng đại diện tại các huyện trong tỉnh để đăng ký và tiếp nhận nhận hồ sơ giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động…/.

>>Người lao động cần chuẩn bị gì để nhận hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục