Thanh Hóa khắc phục “thẻ vàng” IUU

21:19' - 14/10/2018
BNEWS Thanh Hóa đang triển khai các biện pháp khắc phục “thẻ vàng” của Liên minh Châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).
Triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục thẻ vàng IUU đối với khai thác hải sản. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Cùng với các địa phương ven biển, tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực triển khai các biện pháp khắc phục “thẻ vàng” của Liên minh Châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).

Sau gần nửa tháng đánh bắt trên biển, tàu cá TH-91676-TS của anh Nguyễn Văn Xuyên (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) vào bờ mang về hàng chục tấn cá, mực.

Tàu vừa cập cảng Hòa Lộc, hải sản đưa lên bờ đã có lực lượng chức năng kiểm tra sổ nhật ký đánh bắt, sản lượng khai thác và vùng đánh bắt.

Sau khi kiểm tra, hải sản trên tàu cá của anh Xuyên được cấp giấy chứng nhận nguồn gốc rồi bán ra thị trường. Chuyến biển này tàu anh mang về gần 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cũng lãi ròng gần 150 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Xuyên cho biết: "Các cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện thường xuyên phổ biến các nội dung của Luật Thuỷ sản, trong đó có việc yêu cầu chủ tàu hoặc thuyền trưởng của các tàu có giấy phép khai thác thủy sản, chịu trách nhiệm ghi sản lượng khai thác thủy sản từng chuyến biển trong nhật ký khai thác.

Ban đầu thấy các thủ tục rườm rà, vì từ xưa đến nay việc khai thác đánh bắt của ngư dân chỉ dựa vào kinh nghiệm, chỉ biết ra biển dựa vào con nước, luồng cá đi để mà đánh bắt chứ không quan tâm đến việc phải ghi chép lại quá trình khai thác như thế nào, nhưng dần dần bà con ngư dân chúng tôi cũng quen dần với việc ghi nhật ký khai thác, đánh bắt trên biển. Khi tàu đi phải có giấy xuất cảng, khi về cũng có giấy nhập cảng để báo sản lượng, vùng đánh bắt."

Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Hòa Lộc, Trưởng Văn phòng phòng Đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại các cảng cá Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc) cho biết: "Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên tình trạng tàu cá của địa phương khai thác trái phép vùng biển nước ngoài, vi phạm các điều cấm do Luật Thủy sản ban hành hạn chế rõ rệt.

Kể từ khi thành lập đến nay, chúng tôi đã kiểm soát 275 tàu; trong đó có 50 tàu đủ điều kiện hoạt động, 225 tàu bị nhắc nhở do thiếu 1 số trang thiết bị như thiết bị giám sát hành trình, không ghi nộp sổ nhật ký khai thác. Đã kiểm tra 4.220 tấn hải sản.

Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan và xử phạt vi phạm hành chính với những tàu, chủ tàu cố tình vi phạm.

Một trong những giải pháp chính là siết chặt quản lý khai thác; trong đó bắt buộc ngư dân phải ghi nhật ký khai thác thủy sản.

Do vậy ngành thủy sản tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với các địa phương, Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn ngư dân cách ghi nhật ký khai thác thủy sản theo mẫu quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn để ngư dân hiểu rõ cách thức ghi nhật ký thủy sản.

Trong thời gian đầu, trước mỗi chuyến biển, khi đăng ký xuất bến, ngoài việc kiểm tra các giấy tờ đăng ký khai thác, lực lượng biên phòng còn kiểm tra việc chuẩn bị sổ ghi chép nhật ký khai thác thủy sản của ngư dân.

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung thực hiện nghiêm việc tuyên truyền, giáo dục, bảo đảm ngư dân, các tổ chức, cá nhân có liên quan hoạt động trong lĩnh vực thủy sản thông tin đầy đủ về việc cảnh báo “thẻ vàng” của EC, những nội dung cơ bản của quy định về chống khai thác hải sản trái phép, không rõ nguồn gốc, không khai báo.

Việc tăng cường kiểm soát tàu cá xuất bến và tàu cá tại cảng được thực hiện thường xuyên, liên tục và thực hiện xử lý nghiêm những tàu cá không mở máy theo quy định.

Đồng thời, đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát cửa sông, bến bãi và nhất là bãi ngang, không giải quyết cho bất kỳ phương tiện nào ra khơi khi không có đủ các loại giấy tờ.

Tính đến giữa tháng 10/2018, các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra, kiểm soát 2.141 phương tiện; trong đó nhắc nhỏ 375 phương tiện và xử phạt 120 vụ vi phạm với các lỗi chủ yếu về thủ tục hành chính, sử dụng xung kích điện để khai thác thủy sản với tổng tiền xử phạt là 297 triệu đồng.

Đến nay, Thanh Hóa đã thành lập 3 Văn phòng Đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại các cảng cá Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc), Lạch Hới (Thành phố Sầm Sơn), Lạch Bạng (Tĩnh Gia) với đầy đủ trang thiết bị làm việc và có sự phối hợp của đại diện Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lơi thuỷ sản, Ban Quản lý cảng cá và Bộ đội Biên phòng. Chủ phương tiện trước khi xuất bến hoặc cập cảng đều báo Ban Quản lý cảng cá trước 1 giờ để làm thủ tục.

Các văn phòng đại diện đã xây dựng kế hoạch và triển khai quy trình kiểm tra, kiểm soát và ghi thông tin vào sổ theo dõi, trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin từ các chủ tàu, thuyền trưởng về thời gian xuất, cập bến; Thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của cảng và phát tờ rơi đến từng ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng về chống khai thác IUU, Luật Thuỷ sản năm 2017 và các quy định liên quan đến đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân hoạt động trên biển. Đồng thời, niêm yết công khai quy trình kiểm tra, kiểm soát tàu cá khi cập cảng và rời cảng cũng như các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm soát nghề cá tại Văn phòng đại diện.

Dù đã rất nỗ lực từ nhiều phía, tuy nhiên, việc khắc phục “thẻ vàng” vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc. Đó là việc một số chủ tàu đi khai thác ở ngư trường xa, hoạt động trên biển dài ngày, ít khi về đất liền nên không có điều kiện để tiếp cận thông tin và tham gia các lớp tập huấn, tuyên truyền…

Nhiều chủ tàu, thuyền trưởng chưa chấp hành việc ghi nộp sổ nhật ký khai thác thuỷ sản theo quy định.

Nhận thức và ý thức chấp hành các quy định của ngư dân còn hạn chế, một số ngư dân vì lợi ích kinh tế trước mắt nên còn vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản như sử dụng xung điện, khai thác sai vùng, không phối hợp cùng văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trong việc thông tin khai báo trước và sau mỗi chuyến biển...

Bên cạnh đó, lực lượng kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển ở Thanh Hoá còn mỏng, trong khi số lượng tàu cá của tỉnh rất lớn. Số lượng tàu cá nhỏ dưới 20CV là 4.082 chiếc, chiếm 60% số lượng tàu của cả tỉnh hoạt động khai thác phân bố rộng trên các vùng biển, cửa lạch, bãi ngang.

Cơ sở hạ tầng nghề cá chưa tương xứng với sự phát triển của nghề cá, luồng lạch ra vào cảng và khu neo đậu tàu thuyền bị bồi lắng, cảng cá chưa được đầu tư đồng bộ...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Thị Yến khẳng định: “Tới đây, để góp phần sớm tháo gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC về chống khai thác hải sản trái phép, không rõ nguồn gốc, không khai báo, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định cho ngư dân, cán bộ, các tổ chức cá nhân có liên quan đến hoạt động thủy sản.

Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo các lực lượng đứng chân tại địa bàn như Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với các lực lượng chức năng theo dõi, quản lý chặt chẽ tàu cá xuất, nhập cảng, vận động các chủ tàu cá, thuyền trưởng tuân thủ nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát tại cảng.

Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng liên quan tăng cường hoạt động tuần tra tuyến biển, kiểm soát các tàu cá khai thác tại các cửa lạch, trên biển và xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm theo quy định…”

Hiện, tỉnh Thanh Hóa đang đẩy nhanh tiến độ thu hồi tất cả thiết bị Movimar đã được lắp đặt trên các tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 24m để cập nhật thông tin tàu cá vào cơ sở dữ liệu quốc gia trên hệ thống Vnfishbase và lắp đặt các thiết bị đã được thu hồi cho các tàu cá có chiều dài 24m trở lên.

Đối với các chủ tàu hoặc thuyền trưởng tàu cá đã được lắp thiết bị Movimar, yêu cầu mở máy 24/24 giờ khi đi khai thác hải sản trên các vùng biển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục