Thanh Hóa tập trung khắc phục sạt lở trên các tuyến giao thông

09:30' - 23/07/2025
BNEWS Sáng 23/7, tổng hợp từ Sở Xây dựng Thanh Hóa, tính đến 7 giờ ngày 23/7, bão số 3 gây mưa lớn đã làm sạt lở, ngập lụt nhiều vị trí trên các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh.
Theo đó, trên các tuyến Quốc lộ, mưa bão khiến sạt taluy dương, sa bồi rãnh, cống tại 28 vị trí với khối lượng khoảng 23.510m3; trong đó, có 1 vị trí gây tắc đường tại Km77+700/QL.15C thuộc xã Nhi Sơn; đến nay, đơn vị quản lý đã dọn thông xe. Sạt taluy âm 1 vị trí tại Km16+110/QL.15C, địa phận xã Nam Xuân, chiều dài sạt lở khoảng 16m; lún, nứt mặt đường Km21+390/QL.15, xã Phú Lệ với chiều dài 5m; đổ tường chắn Km26+300/QL.15, xã Phú Lệ với chiều dài 5m.

Mưa bão làm ngập mặt đường tại 5 vị trí, chiều cao ngập khoảng 15cm, phương tiện vẫn có thể qua lại không tắc đường. Hiện nay, giao thông trên các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh đã được thông suốt, không tắc đường.

Trên các tuyến đường tỉnh, hiện còn ngập đường tràn tại 12 vị trí gây tắc đường; sạt taluy âm tại 2 vị trí, tổng chiều dài sạt lở khoảng 32m; sạt taluy dương, đá lăn tại 12 vị trí với khối lượng khoảng 1.300m3.

Để khắc phục thiệt hại mưa lũ, đến nay, các vị trí sạt lở taluy dương gây tắc đường đã được hót dọn thông xe; các vị trí ngập lụt gây tắc đường đã được rào chắn, cắm biển cảnh báo, cấm các phương tiện qua lại, có người túc trực để hướng dẫn giao thông. Trong những ngày tới, Sở Xây dựng sẽ tổ chức các đoàn công tác, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra hiện trường, xác minh, tổng hợp tình hình thiệt hại trên các tuyến đường, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí và triển khai thực hiện công tác khắc phục thiệt hại trên các tuyến đường do thiên tai gây ra.

 
Hiện, trên địa bàn tỉnh các xã khu vực miền núi vẫn đang tiếp tục có mưa, các tuyến đường vẫn có diễn biến tiếp tục sạt lở, Sở Xây dựng vẫn đang chỉ đạo các phòng, ban thuộc Sở, các đơn vị quản lý đường bộ tăng cường tuần đường, kiểm tra, cập nhật thiệt hại và thực hiện xử lý, đảm bảo an toàn giao thông...

Để chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Công điện khẩn số 09/CĐ-UBND yêu cầu các ngành, địa phương triển khai ngay phương án tiêu úng, nhất là tiêu úng cho sản xuất nông nghiệp, khu dân cư, khu công nghiệp, các tuyến đường giao thông. Các đơn vị vận hành khẩn cấp, huy động tối đa công suất các trạm bơm tiêu, cống tiêu để tiêu úng và tiêu tháo nước đệm, bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, nhất là diện tích lúa và hoa màu mới gieo trồng bị ngập úng; các lực lượng liên quan tổ chức tuần tra liên tục các trục tiêu, kênh tiêu, trường hợp có ách tắc dòng chảy phải tổ chức thanh thải ngay để đảm bảo không cản trở việc tiêu thoát nước.

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, nhanh chóng khắc phục hậu quả, đảm bảo giao thông thông suốt, ngay từ đầu mùa mưa bão, Sở Xây dựng đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2025. Sở xây dựng phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của ngành; trong đó, có phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, phương án đã đề ra; thành lập 6 tổ công tác thực hiện công tác ứng phó thiên tai theo khu vực, địa bàn, đặc biệt là các khu vực trọng điểm thuộc khu vực miền núi, ven biển thường xuyên xảy ra thiệt hại khi thiên tai xảy ra.

Cùng với đó, Sở chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ xây dựng phương án khắc phục hậu quả thiên tai: bố trí máy móc, thiết bị, nhân lực túc trực tại các khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở, ngập lụt để kịp thời có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, hót dọn thông xe trong thời gian sớm nhất (phương án nêu cụ thể về số lượng máy xúc, ô tô, công nhân; có số điện thoại liên lạc của chỉ huy công trường).

Khi mưa lũ xảy ra, Sở Xây dựng Thanh Hóa đã chỉ đạo Ban quản lý bảo trì công trình giao thông, các đơn vị quản lý đường bộ khẩn trương triển khai kiểm tra, rà soát, cập nhật, báo cáo tình hình thiệt hại trên các tuyến đường; kịp thời chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ thực hiện ngay các biện pháp xử lý đảm bảo giao thông: rào chắn barie, cắm biển báo cấm các phương tiện qua lại tại các vị trí sạt lở, ngập lụt gây tắc đường; đưa máy móc, thiết bị vào thực hiện việc hót đất đá sạt lở thông đường theo phương án đã chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ đảm bảo thông xe trong thời gian sớm nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục