Thanh niên đất Võ tự tin khởi nghiệp: Bài 2 -Vượt qua thử thách

08:18' - 01/05/2019
BNEWS Với những ý tưởng tốt cùng tâm huyết, nhiều thanh niên khởi nghiệp Bình Định đã vượt qua chặng đường nhiều gian nan, vất vả.

Các khó khăn dần trở thành kinh nghiệm, giúp họ bước đầu khẳng định được bản thân và có những đóng góp cho quê hương.

Cô gái sinh năm 1988 Nguyễn Thị Hồng Son (Bên trái) giới thiệu thương hiệu bánh ít lá gai Tâm Ý tại các hội chợ. Ảnh: Quốc Dũng – TTXVN
* Nỗ lực vượt khó

Nói về khó khăn, tất cả những người trẻ khởi nghiệp đều rơi vào tình cảnh thiếu vốn, thiếu nhân lực, chưa hiểu rõ về luật pháp, chưa tìm được đầu ra ổn định, chưa có kinh nghiệm quản lý…

Hai cô bạn Trần Thị Hồng và Đỗ Thị Thanh Luyến của Công ty Du lịch "Quy Nhon Me", thời gian đầu gặp không ít khó khăn việc sắp xếp nhân sự, công việc.

Theo như phân công, Hồng làm các công tác thúc đẩy truyền thông, quảng cáo, tiếp cận khách hàng trên mạng. Luyến đảm nhận công việc trực tiếp điều hành tour, sắp xếp lịch trình, xe cộ, hướng dẫn viên…

Quy Nhơn mới phát triển về du lịch, lực lượng hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ du lịch chuyên nghiệp còn thiếu. Cao điểm, cả hai phải làm việc đến kiệt sức từ sáng đến đêm mà công việc không xong.

Đến năm thứ 2, khi đã có nhiều kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch tốt hơn, cũng như có đội ngũ cộng sự thân thiết, công việc bắt đầu vào guồng quay đều đặn hơn, Trần Thị Hồng chia sẻ.

Nhà hàng Coffee – lounge Tân Cảng là mô hình khởi nghiệp thứ hai mà Trần Thành Danh cùng các cộng sự lập nên, dự án trước đó đã gặp phải khó khăn và phải chuyển địa điểm kinh doanh.

Vì ý tưởng khởi nghiệp là tái dựng Quy Nhơn thời xưa nên nhóm phải tìm thuê những ngôi nhà có kiến trúc cổ rồi sửa sang, trang trí lại, đây là điều không dễ dàng.

Thêm nữa, các thanh niên đều còn trẻ nên nguồn vốn ban đầu không có nhiều, phải xoay vòng vừa kinh doanh, vừa tiếp tục phát triển – Danh cho biết.

Với thương hiệu bánh ít lá gai Tâm Ý, Nguyễn Thị Hồng Son lại gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các sản phẩm có chất lượng thấp, giá rẻ tràn lan trên thị trường.

Cô cũng đã mất hơn 1 năm để chuẩn bị, kể từ khi xây dựng ý tưởng khởi nghiệp cho tới lúc chiếc bánh mang thương hiệu Tâm Ý đầu tiên ra được thị trường.

Hồng Son cho biết chiến lược xây dựng thương hiệu là dựa trên chất lượng, mỗi chiếc bánh phải đảm bảo ngon đúng vị truyền thống, nguyên liệu đảm bảo tuyệt đối về vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã phải đẹp, phù hợp với nhu cầu của du khách hiện nay.

Nhưng để đạt được những tiêu chí đó, giá thành sản phẩm lại khá cao so với mặt bằng chung, rất khó cạnh tranh. Tuy vậy, cô gái vẫn rất tin tưởng và quyết tâm đầu tư vào chất lượng để nâng tầm giá trị của món đặc sản này.

* Sống không chỉ cho riêng mình

Hiện nay, khi dây chuyền đã vận hành ổn định, Công ty Tâm Ý có thể sản xuất hàng ngàn chiếc bánh mỗi ngày tùy theo lượng đặt hàng của khách.

Nhà hàng, coffee – lounge Tân Cảng được nhóm bạn Trần Thành Danh thiết kế tái hiện lại hình ảnh một thương cảng sầm uất của Quy Nhơn xưa. Ảnh: Quốc Dũng – TTXVN

Sản phẩm đã được đưa lên các cửa hàng chuyên bán đặc sản Bình Định, đi tham gia nhiều hội chợ các địa phương và nhận được nhiều phản hồi tốt từ phía các khách hàng lớn tuổi cũng như trẻ tuổi.

Hồng Son chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp: Từ ý tưởng đến hiện thực kinh doanh sẽ cần chuẩn bị rất nhiều. Đầu tiên cần học hỏi để nắm rõ các quy định, giấy phép, pháp luật cần thiết trong lĩnh vực của mình.

Muốn gây ấn tượng với khách hàng thì cần làm tốt công tác bao bì, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm… Việc tham gia cuộc thi khởi nghiệp đã giúp tôi rất nhiều, học hỏi nhiều kiến thức hay từ những người đi trước…

Nguyễn Thị Hồng Son đã lựa chọn đưa lên vỏ hộp bánh các hình ảnh đặc trưng cho 3 yếu tố con người, văn hóa và lịch sử Bình Định. Đó là vua Quang Trung – Nguyễn Huệ, nghệ thuật Bài chòi cổ Bình Định, là tháp Bánh Ít – một trong những tháp Chămpa nổi tiếng của tỉnh.

Cô luôn trăn trở: “Nếu Nhật Bản có bánh Mochi, Trung Quốc có bánh màn thầu. Ước mơ của tôi là đưa sản phẩm bánh ít lá gai Bình Định ra thế giới”.
Để trở thành một công ty du lịch lữ hành có tiếng trong tỉnh về thị phần khách lẻ, tour ghép chỉ sau 2 năm là một cố gắng rất lớn của những người sáng lập "Quy Nhơn Me".

Quản lý hàng chục trang mạng về hướng dẫn, đánh giá du lịch, Trần Thị Hồng luôn tất bật với công việc. Khởi nghiệp tức là tự tay xây lên mọi thứ từ con số không, ý tưởng tốt, kế hoạch tốt nhưng thời gian đầu nếu không đủ nỗ lực, kiên trì thì rất nhiều người sẽ không chịu nổi áp lực trong mớ công việc bộn bề đó.

Hiện nay, Trần Thị Hồng và Đỗ Thị Thanh Luyến đang xây dựng một khu nhà hàng – cắm trại ngay tại xã Nhơn Hải quê hương mình.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đỗ Thị Thanh Luyến (chính giữa) đã chú trọng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, để các tour của Quy Nhon Me luôn giữ được ấn tượng đẹp trong mắt du khách. Ảnh: Quốc Dũng – TTXVN

Hồng cho rằng: “Tôi muốn góp phần thiết thực vào việc xây dựng một mô hình du lịch chuyên nghiệp, tạo thêm công việc, thúc đẩy phát triển kinh tế trên quê hương. Kèm theo đó là các chương trình cộng đồng, từ thiện, để du khách cùng người dân địa phương cùng tham gia như dọn vệ sinh bãi biển, trồng cây, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường…”

Trần Thành Danh và các cộng sự muốn mô hình Tân Cảng trở thành một nơi gặp mặt, giải trí lành mạnh, có ý nghĩa đối với thanh niên.

Khi tới Tân Cảng, giới trẻ có thể vừa hòa mình vào không gian cổ kính, vừa thư giãn cùng những đêm nhạc sống, chia sẻ đam mê, khát vọng trong cuộc sống, tạm xa rời thế giới ảo trên mạng.

Nói về xu hướng thanh niên Bình Định quay về khởi nghiệp tại quê nhà, anh Lương Đình Tiên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Định nhận xét: Phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp thanh niên, từ nông thôn đến thành thị, từ vùng núi đến biển đảo, mở ra một bức tranh tương lai tươi sáng.

Nhiều mô hình đã thành công, nhiều thanh niên đã tiếp cận những thông tin, kiến thức về khởi nghiệp một cách có hệ thống, bài bản, tạo nền tảng, cơ sở để khởi nghiệp.

Tỉnh Bình Định đang đẩy mạnh phát triển kinh tế dịch vụ du lịch, mở ra nhiều cơ hội cho thanh niên khởi nghiệp trên lĩnh vực này.

Có thể nói, đây là thời điểm lý tưởng cho thanh niên nắm bắt thời cơ để khởi nghiệp, đã có nhiều thanh niên khởi nghiệp thành công về ngành nghề dịch vụ du lịch. Các mô hình này góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành Du lịch tỉnh Bình Định.

Tỉnh Đoàn, Hội Thanh niên luôn quan tâm, chăm lo cho các tầng lớp thành niên trong lĩnh vực công việc, khởi nghiệp; sẽ đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị tổ chức các hoạt động trang bị kiến thức, cung cấp thông tin khởi nghiệp, hướng dẫn xây dựng, hoàn thiện đề án, ý tưởng khởi nghiệp, hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp cho sinh viên, thanh niên trong tỉnh Bình Định..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục