Thanh niên đất Võ tự tin khởi nghiệp: Bài 1- Phát huy bản sắc văn hóa của địa phương

21:30' - 30/04/2019
BNEWS Tỉnh Bình Định đang chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn tại khu vực Nam Trung Bộ.

Cùng với đó là phong trào khởi nghiệp sôi nổi của các thanh niên Bình Định. Nhiều bạn trẻ tài giỏi, năng động sau quá trình học hỏi, làm việc tại các thành phố lớn đã trở về xây dựng, phát triển quê hương vùng đất Võ.

Phóng viên TTXVN tại Bình Định thực hiện chùm 2 bài viết giới thiệu một số mô hình khởi nghiệp thành công của thanh niên Bình Định thông qua việc ứng dụng các yếu tố đặc sắc về văn hóa, thiên nhiên, ẩm thực truyền thống của tỉnh để phát triển du lịch, dịch vụ...

Bài 1- Phát huy bản sắc văn hóa của địa phương

Bình Định vốn được mệnh danh là vùng “đất võ, trời văn” với bề dày lịch sử, văn hóa, xã hội đặc sắc như văn hóa Chăm pa, triều đại Tây Sơn, võ cổ truyền, nghệ thuật Bài chòi, văn hóa ẩm thực, làng chài, di tích của một thương cảng rực rỡ trong quá khứ...

Chính vì vậy, nhiều thanh niên khởi nghiệp – các Founder - đã chọn cách kinh doanh dựa trên chính những giá trị đặc sắc này của Bình Định và bước đầu đạt được những thành công nhất định.

*Sinh ra từ đảo, làm giàu từ biển

Cùng sinh ra và lớn lên tại xã bãi ngang Nhơn Hải, một bán đảo thuộc thành phố Quy Nhơn (Bình Định), trải qua nhiều năm đi học và làm xa nhà, hai cô bạn thân sinh năm 1992 là Trần Thị Hồng và Đỗ Thị Thanh Luyến đã quyết định trở lại quê hương lập nghiệp.

Với mong muốn giới thiệu những gì hay nhất, đẹp nhất, đặc sắc nhất của biển đảo quê hương đến với du khách, hai bạn đã thành lập Công ty du lịch lữ hành với tên gọi gần gũi “Quy Nhon Me” (Quy Nhơn trong tôi).

Là một người sinh ra và lớn lên tại Quy Nhơn, Trần Thị Hồng (đứng bên phải) đặt tên cho công ty là Quy Nhon Me, với ý nghĩa “Quy Nhơn trong tôi”. Ảnh: Quốc Dũng – TTXVN

Sau gần 2 năm thành lập, Công ty đã khá thành công trong việc bán các tour cho khách lẻ, khách ghép đoàn và nhận được sự ủng hộ lớn của cộng đồng du lịch trên các trang mạng xã hội.

Nói về ý tưởng khởi nghiệp, Trần Thị Hồng cho biết: Từ năm 2014, du lịch Bình Định bỗng đón một lượng khách tăng đột biến. Các bãi biển đẹp quanh thành phố Quy Nhơn đông nườm nượp du khách, xã Nhơn Hải là một trong số đó.

Giữa năm 2015, đang công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hồng nhận được cuộc gọi của bố, nói là du khách về đông quá mà người dân ở quê vốn chỉ quen với nghề biển, chưa quen làm du lịch.

Là một người trẻ tuổi, Hồng khởi đầu bằng cách lập ra các trang mạng xã hội giới thiệu địa điểm du lịch, thiên nhiên, con người, ẩm thực và tư vấn du khách có nhu cầu, sau một thời gian thì lượng người quan tâm rất lớn.

Từ đó, Hồng biết rằng đây là cơ hội rất tốt để xây dựng sự nghiệp cho bản thân, góp phần vào xây dựng quê nhà.

Hồng đã bàn bạc với Luyến để tìm cách hướng dẫn và giới thiệu du khách đến với Nhơn Hải. Sau đó, hai cô bạn đã có nhiều khách đặt tour đi thực tế. Đến giữa năm 2017, " Quy Nhon Me" chính thức được thành lập và hoạt động.

Cô gái nhỏ bé Đỗ Thị Thanh Luyến chia sẻ, sinh ra và lớn lên trên làng chài, từ nhỏ đã theo bố mẹ lên thuyền ra các đảo nhỏ ven bờ, các bè nuôi mực, nuôi cá. Tình yêu biển đảo, yêu làng chài bình yên trong ký ức là lý do chính khiến Luyến cùng Hồng quyết định chung tay xây dựng Công ty du lịch.

“Chúng tôi muốn các du khách được trải nghiệm như một người dân làng chài: tới những bãi tắm đẹp nhất, thưởng thức những món ăn ngon nhất, tham gia những hoạt động đặc trưng nhất của nghề biển. Gắn du lịch với cộng đồng mới là cách phát triển du lịch đích thực và bền vững”...

*Tái hiện lại thời hoàng kim của Quy Nhơn xưa

Cũng với mong muốn giới thiệu các giá trị tốt đẹp của Quy Nhơn đến với mọi người, Trần Thành Danh (sinh năm 1990) lại chọn lĩnh vực nhà hàng – coffee để khởi nghiệp. Học chuyên ngành thiết kế và đã có công việc ổn định tại thành phố Đà Nẵng, nhưng Danh vẫn quyết định quay về Quy Nhơn để theo đuổi đam mê.

Một góc nhà hàng được trang trí theo phong cách Quy Nhơn xưa của Trần Thành Danh. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Kết hợp cùng hai người bạn, Danh mở ra nhà hàng kết hợp với coffee – lounge mang tên Tân Cảng. Ý tưởng khởi nghiệp của nhóm bạn là tái hiện lại những không gian quen thuộc của một ngôi nhà trong thương cảng Quy Nhơn thời kỳ hoàng kim.

Địa điểm được chọn là một ngôi nhà cổ 3 tầng, mang lối kiến trúc đặc trưng của Quy Nhơn xưa, tại khu phố cổ Nguyễn Du. Với tầng 1 là khu vực coffee – lounge, tầng 2 là nhà hàng, tầng 3 là khu trưng bày đồ cổ, Danh tự tay thiết kế, trang trí cho quán bằng những đồ vật tiêu biểu cho các thời kỳ lịch sử của thương cảng Quy Nhơn.

“Trong lịch sử, Quy Nhơn từng là một thương cảng quốc tế tấp nập tàu thuyền từ nhiều quốc gia. Những chứng tích lịch sử còn lưu lại hay những mảnh gốm được khai quật tại đây đã chứng minh Quy Nhơn là một vùng đất giao thoa của nhiều nền văn hóa lớn tới Việt Nam. Vì vậy, tôi muốn tái hiện lại bối cảnh đó cho giới trẻ ở Quy Nhơn cũng như du khách có thể hiểu thêm về văn hóa, lịch sử của thành phố này.

Khách có thể rõ sự giao thoa văn hóa từ những chiếc đèn lồng kiểu Việt, những bộ ghế salon đậm màu của Pháp, bộ đồng phục nhân viên kiểu Tàu, nhâm nhi một ly coktail kiểu Mỹ… nhưng cái hồn vẫn là các món ăn dân dã và phong cách phục vụ thuần Quy Nhơn” - Danh chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp của mình.

*Khởi nghiệp từ món ăn ký ức tuổi thơ

Một trong những lý do khiến du khách yêu quý thành phố biển Quy Nhơn, đó là văn hóa ẩm thực phong phú. Nắm được nhu cầu thưởng thức đặc sản và mua về làm quà của du khách, một cô gái đã quyết tâm khởi nghiệp với dự án giữ gìn và nâng tầm bánh ít lá gai, món ăn thân thuộc mà dân dã của người Bình Định. Đó là Nguyễn Thị Hồng Son (sinh năm 1988), cô gái đã xây dựng thành công thương hiệu bánh ít lá gai Tâm Ý.

Nguyễn Thị Hồng Son trưng bày, giới thiệu bánh Ít lá gai Tâm Ý tại các hội chợ. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Son nhớ lại, hồi nhỏ mỗi lần thấy mẹ ngồi gói bánh, cô đều xin gói cùng, rồi thích thú ăn từng chiếc bánh mẹ làm. Lâu dần mùi vị, màu sắc và hương thơm từ lá gai đã in sâu trong ký ức của cô gái.

Năm 2017, với quyết tâm khởi nghiệp từ đặc sản quê hương, Hồng Son cùng các cộng sự đã xây dựng dự án “Nâng tầm bánh ít lá gai” - một trong 3 dự án đoạt giải cuộc thi Ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp năm 2017 của tỉnh Bình Định.

Từ đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tâm Ý ra đời, với mong muốn đưa bánh ít lá gai Bình Định vươn mình phát triển ra các thị trường trong nước và quốc tế.

Bánh ít lá gai là món bánh truyền thống của Bình Định, với vỏ bánh làm từ bột nếp trộn với lá gai, nhân bánh làm từ dừa và đậu xanh, bên ngoài được gói bằng lá chuối.

Lựa chọn khởi nghiệp bằng thứ quà đặc sản này, theo Hồng Son có hai lý do chính: Thứ nhất, với người Bình Định thì đây là món bánh có ý nghĩa tri ân trong các nghi lễ truyền thống.

Khi con gái đi lấy chồng, sau vài ngày về lại mặt cha mẹ đẻ sẽ mang theo mâm bánh ít tượng trưng cho sự tri ân công đức sinh thành, nuôi nấng. Khi làm các lễ cúng giỗ, người Bình Định thắp hương bánh ít như một lời tri ân dành cho tổ tiên, người đã khuất…

Thứ hai, đây là dự án mang tính khả thi cao, vì gia đình cô vốn có truyền thống làm bánh ít rất ngon, nhu cầu mua quà của du khách khi tới Bình Định rất lớn và dự án cũng nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều sở ban ngành trong tỉnh.

Các ý tưởng khởi nghiệp tuy khác nhau nhưng đều bắt đầu từ những điều thân thuộc nhất, đặc trưng nhất của địa phương, cho thấy những cách tiếp cận rất hiện đại của giới trẻ đối với các giá trị truyền thống.

Các mô hình khởi nghiệp này đã, đang và sẽ góp phần thúc đẩy sự năng động, phát triển của ngành Du lịch nói riêng cũng như nền kinh tế tỉnh Bình Định nói chung./.

>>> Thanh niên đất Võ tự tin khởi nghiệp - Bài 2: Vượt qua thử thách

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục