Thành phố Hồ Chí Minh: Phát triển đô thị carbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính

08:57' - 22/02/2023
BNEWS Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều chương trình, dự án tập trung giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, định hướng phát triển Thành phố thành đô thị carbon thấp.

Tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa nhanh mang đến nhiều cơ hội, lợi thế cho Thành phố Hồ Chí Minh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức về vấn đề môi trường, an sinh xã hội, trong đó đáng chú ý là vấn đề phát thải khí nhà kính ngày càng tăng mạnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí, sức khỏe người dân.

 

Để giải quyết tình trạng này, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều chương trình, dự án tập trung giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, định hướng phát triển Thành phố thành đô thị carbon thấp.

* Hơn 1.000 người chết mỗi năm liên quan đến ô nhiễm không khí

Nghiên cứu mới nhất của Viện Môi trường - Tài nguyên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho thấy, tổng phát thải khí nhà kính của Thành phố năm 2022 ở mức trên 60 triệu tấn CO; trong đó, lượng bụi mịn PM2.5 cùng các khí độc hại (như NO2, SO2, CO...) đều vượt ngưỡng khuyến nghị cho sức khỏe từ 4 - 5 lần theo quy chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Nguyên nhân chủ yếu đến từ các hoạt động sản xuất công nghiệp như: dệt may, sản xuất kim loại… chiếm hơn 30% tổng lượng khí thải. Các hoạt động giao thông đường bộ cũng sản sinh ra hơn 20% tổng lượng khí thải, trong đó xe máy là phương tiện xả khí thải lớn nhất.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen suyễn, dị ứng và miễn dịch lâm sàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ô nhiễm không khí tại Việt Nam là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các rủi ro về sức khỏe bệnh tật như bệnh về đường hô hấp, các nguy cơ dẫn đến tử vong sớm, thậm chí vượt qua cả thuốc lá.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2017 đến nay, theo thống kê có hơn 1.000 người chết mỗi năm do những bệnh lý liên quan đến ô nhiễm không khí như nhồi máu cơ tim, viêm nhiễm đường hô hấp và ung thư phổi…

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 10% khí phát thải và tiến tới nền kinh tế carbon thấp.

Để đạt được mục tiêu này, Sở đã tích cực hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, hoạt động sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải thực hiện các bước kiểm kê, báo cáo lượng phát thải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, việc thực hiện báo cáo giúp ngành Môi trường Thành phố giám sát, quản lý hoạt động kinh doanh liên quan đến khí thải carbon trên địa bàn hiệu quả hơn; từ đó, phát hiện những doanh nghiệp có hoạt động sản xuất gây phát sinh nhiều khí thải để có hướng hỗ trợ, điều chỉnh hợp lý.

* Chủ động xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Cùng với việc quản lý phát thải khí carbon trong sản xuất, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng khuyến khích các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong thu gom, xử lý nước thải, chất thải theo hướng tái sinh nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Đến nay, nhiều sáng kiến đến từ những doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Thành phố đã bước đầu đạt hiệu quả.

 

Cụ thể, Dự án Larva Yum do Công ty Cổ phần Green Connect phối hợp với Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam thực hiện với mục tiêu thu gom rác hữu cơ ngoài môi trường, sau đó ứng dụng ủ men vi sinh để biến rác hữu cơ thành thức ăn cho ấu trùng ruồi lính đen. Sản phẩm đầu ra là ấu trùng, phân ấu trùng và các chiết xuất từ ấu trùng được sử dụng làm thức ăn cho gà. Từ đó, tạo ra sản phẩm trứng gà sạch chất lượng cao.

Theo ông Huỳnh Hạnh Phúc, Giám đốc điều hành và nhà sáng lập Công ty Cổ phần Green Connect, Dự án Larva Yum có thể thu gom và xử lý lượng chất thải hữu cơ lên đến 30 tấn/ngày để chế biến thành thức ăn chăn nuôi đủ cho số lượng gà đẻ được 3.000 - 5.000 trứng hữu cơ/ngày. Trứng gà được sản xuất ra từ mô hình này được Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam thu mua lại để sản xuất, chế biến các loại bánh.

Việc thực hiện dự án không chỉ giúp tạo ra vòng đời mới cho rác thải, giảm lượng khí thải phát sinh mà còn giúp giảm giá thành cho sản phẩm, tối ưu hóa chi phí sản xuất; qua đó tạo sinh kế bền vững cho người nông dân. Hiện Công ty Green Connect đã xây dựng một trang trại chăn nuôi gà ở huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) để thí điểm áp dụng quy trình trên với mong muốn nhân rộng mô hình ra các địa phương khác trong thời gian tới.

Thời gian qua, Hãng xe hơi Ford cũng chuyển sang sử dụng bóng đèn LED thay cho bóng đèn truyền thống và ứng dụng công nghệ sơn xe cần ít năng lượng cho tất cả hệ thống trên toàn quốc, nhờ đó đã giảm đến 30% lượng CO2 trong hoạt động sản xuất mỗi năm.

Tương tự, Hãng xe VinFast cam kết thực hiện các đo lường và báo cáo phát thải carbon định kỳ; triển khai các chiến lược giảm phát thải; cải thiện hiệu quả sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thải nguyên vật liệu, trung hòa các phát thải dư còn lại... Mục tiêu của hãng là từ năm 2040, phát thải carbon hằng năm từ hoạt động sản xuất trên toàn quốc bằng 0 vào năm 2040.

Trong lĩnh vực giao thông, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho biết, Thành phố đang trong quá trình triển khai Dự án nghiên cứu các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, tăng cường kết nối giữa giao thông cá nhân và giao thông công cộng nhằm tăng tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Dự án này được kỳ vọng góp phần giảm kẹt xe, phát thải khí nhà kính. Kết quả tính toán tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính từ dự án là 44.638 tấn CO2/năm. 

Ngoài ra, ngành Giao thông Thành phố sẽ nghiên cứu và thí điểm xây dựng hệ thống trạm sạc cho các phương tiện giao thông sử dụng điện nhằm giảm sử dụng năng lượng hóa thạch, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông thân thiện môi trường.

Địa phương sẽ nghiên cứu các giải pháp thay thế nhiên liệu sạch thay thế xăng, diesel cho các phương tiện xe buýt. Ước tính, lượng khí thải nhà kính có thể giảm 56.771 tấn CO2/năm nếu triển khai sử dụng nhiên liệu sạch.

Một giải pháp giảm khí nhà kính khác được Thành phố quan tâm là tăng mảng xanh đô thị với mục tiêu tăng thêm tối thiểu 150 ha đất công viên và 10 ha mảng xanh công cộng trên địa bàn, tương đương trồng mới 10 triệu cây xanh các loại. Địa phương phấn đấu đến năm 2030, đất công viên cây xanh đạt 1m2/người, tăng 450 ha so với năm 2020.

Để thực hiện mục tiêu này, Thành phố phát động phong trào mỗi người dân trồng một cây xanh. Đồng thời, yêu cầu các địa phương rà soát, bổ sung, bố trí các diện tích đất công thích hợp cho công tác trồng, phát triển cây xanh như: đường giao thông, bờ kênh mương thủy lợi; thực hiện di dời các nhà xưởng gây ô nhiễm trong các khu dân cư và điều chỉnh chức năng các khu đất này thành đất xây dựng các công viên cây xanh để phục vụ cộng đồng.

Từ đầu năm 2022, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ngân hàng Thế giới thành lập Nhóm công tác chung giữa hai cơ quan gồm 8 nhóm kỹ thuật để tập trung xây dựng 8 đề án thành phần phục vụ mục tiêu phát triển Thành phố; trong đó có nhóm phát thải carbon thấp với nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, đưa ra các khuyến nghị và đề xuất hành động cần thiết để giảm phát thải cho địa phương trong giai đoạn 2022 - 2025.

Dựa trên các khuyến nghị mà nhóm đưa ra, Thành phố sẽ đề xuất hướng tháo gỡ vướng mắc về chính sách với các bộ, ngành Trung ương; đồng thời, tổ chức kêu gọi hỗ trợ vốn, kỹ thuật từ Ngân hàng Thế giới và các đối tác khác để triển khai kế hoạch Thành phố carbon thấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục