Thành phố mang tên Bác - Bài 3: Tiên phong hội nhập quốc tế

13:24' - 30/04/2025
BNEWS Từ một thành phố từng chịu ảnh hưởng nặng nề do chiến tranh, đến nay Thành phố Hồ Chí Minh đã thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác với 58 địa phương trên toàn thế giới.

Sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), công cuộc Đổi mới được khởi xướng, đưa Việt Nam bước vào giai đoạn cải cách sâu rộng về cơ chế quản lý kinh tế và mở rộng quan hệ quốc tế. Trong bối cảnh này, Thành phố Hồ Chí Minh nổi lên như một địa phương tiên phong trong việc thử nghiệm các chính sách kinh tế đối ngoại, góp phần quan trọng trong việc xác lập hướng hội nhập cho cả nước.

* “Phòng thí nghiệm” chính sách đối ngoại

Xuất phát từ lợi thế vị trí địa lý, truyền thống thương mại lâu đời cùng dân cư năng động, thành phố nhanh chóng nắm bắt tình hình, mở rộng hợp tác và thu hút đầu tư nước ngoài. Nhờ tinh thần đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành “phòng thí nghiệm” cho hàng loạt chính sách quan trọng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự chủ và thúc đẩy kết nối với các đối tác quốc tế.

 

Tinh thần cởi mở của người dân và đội ngũ lãnh đạo dám nghĩ dám làm, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai hàng loạt chính sách về thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng khu chế xuất, tự do hóa thương mại – dịch vụ và cải cách hành chính. Một trong những chính sách đột phá và mang tính thử nghiệm sớm nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo Luật Đầu tư Nước ngoài tại Việt Nam, ban hành vào năm 1987.

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991) đã khẳng định: “Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa và khoa học – kỹ thuật lớn của cả nước, đi đầu trong việc thực hiện đường lối đổi mới, nhất là về phát triển các thành phần kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng thương mại đối ngoại”. Đây là văn kiện đầu tiên xác định Thành phố Hồ Chí Minh là “trung tâm” đa lĩnh vực, đồng thời được giao “nhiệm vụ tiên phong” triển khai các chính sách mở cửa kinh tế.

Song song đó, Thành phố đi đầu trong xây dựng các khu chế xuất và khu công nghiệp. Khu chế xuất Tân Thuận thành lập năm 1989, trở thành mô hình thí điểm cho cả nước về tập trung sản xuất hàng xuất khẩu, đơn giản hóa thủ tục hải quan. Thành công của Tân Thuận tạo tiền đề cho Khu chế xuất Linh Trung được xây dựng đầu thập niên 1990.

Tại Linh Trung, thành phố đẩy mạnh thu hút lĩnh vực điện tử, cơ khí, chế tạo linh kiện, mở rộng liên kết với các tỉnh để cung ứng nguyên liệu. Một loạt khu công nghiệp như Tân Tạo, Hiệp Phước, Vĩnh Lộc với cơ chế ưu đãi phù hợp cũng được thành lập sau đó, nâng tỷ trọng công nghiệp chế biến trong cơ cấu kinh tế thành phố và đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của cả nước.

Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính – ngân hàng, Thành phố thể hiện vai trò dẫn dắt khi thí điểm mở cửa cho các chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động từ đầu thập niên 1990. Việc có mặt của các ngân hàng này không chỉ tạo kênh dẫn vốn FDI, mà còn giới thiệu những phương thức thanh toán, tài trợ thương mại hiện đại, làm phong phú thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam.

Giai đoạn 1988-1998, Thành phố liên tục dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tập trung nhiều vào công nghiệp chế biến và dịch vụ. Mô hình khu chế xuất, khu công nghiệp đã nhanh chóng nhân rộng sang Bình Dương, Đồng Nai, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế miền Nam và toàn quốc.

Sự năng động của Thành phố Hồ Chí Minh giúp củng cố lòng tin của đối tác quốc tế. Sau khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam ký Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ năm 2000, tiến tới nỗ lực đàm phán gia nhập WTO vào năm 2007.

Tiến sĩ Đào Minh Hồng, Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, loạt chính sách kinh tế đối ngoại mang tính thử nghiệm tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ thu hút FDI, lập khu chế xuất – khu công nghiệp, tự do hóa xuất nhập khẩu, phát triển tài chính – ngân hàng đến cải cách hành chính, đã góp phần quan trọng vào việc hình thành khung pháp lý mở cửa hội nhập quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn Đổi mới.

Với tinh thần dám nghĩ dám làm, Thành phố giải quyết những nhu cầu bức thiết về việc làm, tăng trưởng kinh tế, mà còn tạo tiền đề vững chắc cho việc định hướng và củng cố quan hệ kinh tế quốc tế của cả nước.

“Bằng những thành quả thực tiễn, thành phố đã chứng minh vai trò “phòng thí nghiệm chính sách” cần thiết, giúp Trung ương đánh giá, điều chỉnh và từng bước luật hóa các cơ chế sáng tạo. Thành công này đặt nền móng cho quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa mang tầm quốc gia”, Tiến sĩ Đào Minh Hồng đánh giá.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Sau 50 năm phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh đã thiết lập quan hệ hữu nghị – hợp tác với 58 địa phương trên thế giới, là thành viên tích cực của nhiều tổ chức quốc tế như CityNet, C40, LUCI...

Đặc biệt, từ giai đoạn Đổi mới (1986) đến nay, Thành phố thể hiện vai trò “cánh chim đầu đàn” trong triển khai đường lối đối ngoại của Đảng ở cấp địa phương, từ thử nghiệm các mô hình kinh tế đối ngoại đầu tiên, đến những bước đi vững chắc trong thu hút FDI, tổ chức các diễn đàn quốc tế, phát triển mô hình “ngoại giao đa tầng” kết hợp hài hòa giữa ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân.

*Thu hút nguồn lực từ bên ngoài

Từ một thành phố từng chịu ảnh hưởng nặng nề do chiến tranh, đến nay Thành phố Hồ Chí Minh đã thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác với 58 địa phương trên toàn thế giới. Mạng lưới đối tác cấp địa phương ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao các mô hình phát triển đô thị hiện đại.

Là cửa ngõ kết nối khu vực và quốc tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã thành công trong việc thu hút nguồn vốn FDI từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thành phố giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về số lượng và quy mô các dự án FDI với hơn 13.000 dự án, tổng vốn đăng ký đạt trên 58 tỷ USD với hơn 9.000 dự án tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, công nghệ thông tin, tài chính – ngân hàng và dịch vụ logistics.

Việc thành lập các khu chế xuất, khu công nghiệp ngay từ rất sớm giúp thu hút vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý để phát triển công nghiệp, dịch vụ, tạo công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thành phố có một số dự án tiêu biểu như Samsung, Intel Products Vietnam, Aeon Mall, Lotte Mart, Keppel Land...

Đối với Hoa Kỳ, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi “ươm mầm” cho tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Tháng 3/1994, chỉ một tháng sau khi Tổng thống Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ cấm vận thương mại, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) đã được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh. Một dấu mốc đặc biệt nữa là việc thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố San Francisco (Bang California) tháng 4/1995. Đây là chương trình hợp tác cấp chính quyền đầu tiên giữa hai địa phương Việt Nam - Hoa Kỳ.

Thành phố đã đóng vai trò “kéo” nhiều tỉnh thành đi theo con đường mở cửa bằng việc chia sẻ kinh nghiệm kêu gọi FDI, xây dựng quy chế quản lý khu công nghiệp, liên kết hạ tầng và logistics. Hàng loạt địa phương dựa trên mô hình khu chế xuất, khu công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh để triển khai, từ đó tạo liên kết vùng, phát huy tiềm năng từng nơi. Làn sóng này nhanh chóng mở rộng ra miền Trung và miền Bắc, giúp Việt Nam hình thành các trục phát triển kinh tế trọng điểm. Tạo “hiệu ứng lan tỏa” ấy, môi trường đầu tư – kinh doanh của cả nước dần đồng bộ, tạo ra diện mạo tươi mới cho tiến trình hội nhập.

Nhờ chính sách mở cửa, Thành phố Hồ Chí Minh đã thiết lập các mối quan hệ thương mại rộng khắp với Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Thành phố tổ chức các diễn đàn quốc tế thường niên như: Diễn đàn Kinh tế Thành phố (HEF), nơi gặp gỡ của các nhà lãnh đạo, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp quốc tế; Tuần lễ Doanh nghiệp Thành phố, các hội chợ – triển lãm quốc tế về thương mại, đầu tư, đổi mới sáng tạo.

Thành phố cũng chủ động tham gia vào các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA... tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tiếp cận các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Canada... Thành phố cũng tham gia các diễn đàn quốc tế như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị các đô thị lớn châu Á - Thái Bình Dương (APCS), ASEAN Smart Cities Network...

Nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhìn nhận: Có thể nói kinh tế là mục tiêu hợp tác truyền thống và quan trọng nhất của thành phố khi thiết lập quan hệ với các địa phương nước ngoài. Các cam kết về kinh tế trong khuôn khổ quan hệ hữu nghị hợp tác quốc tế cấp địa phương được triển khai tích cực góp phần tăng dòng vốn đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, gia tăng lượng du khách nước ngoài đến thành phố và tăng cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp.

Còn nữa, Bài 4: Nâng tầm đổi mới sáng tạo

Bài 5: “Tâm và thế” mới trong sứ mệnh phát triển cùng đất nước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục