Thanh toán trực tuyến qua mã QR đang có xu hướng bùng nổ

11:21' - 08/10/2017
BNEWS QR code ứng dụng vào thanh toán điện tử, ngoài việc cung cấp những thông tin cơ bản, còn cho phép người tiêu dùng mua hàng mà không cần dùng đến tiền mặt hay thẻ tín dụng.

Trong bối cảnh mạng Internet, 4G cũng như các thiết bị di động, điện thoại thông minh (smartphone) phát triển như hiện nay, một cuộc "cách mạng" về thanh toán di động - thanh toán trực tuyến qua mã QR đang có xu hướng bùng nổ tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới việc thanh toán này ngày càng trở nên phổ biến và góp phần quan trọng trong quá trình thanh toán không dùng tiền mặt.

Lợi ích nhiều mặt

Mã QR (QR code) là chữ viết tắt của “Quick response code” (tạm dịch là mã phản hồi nhanh hay còn gọi là mã vạch ma trận) thường hiển thị dưới hình thức ô vuông màu đen trên nền trắng, bên trong có chứa nhiều ký tự chồng chéo. Camera điện thoại có thể đọc hình ảnh và giải mã rất nhanh các thông tin trên mã QR và chuyển các thông tin đó về dạng ký tự.

Ứng dụng vào thanh toán điện tử, QR code ngoài việc cung cấp những thông tin cơ bản (tên sản phẩm, doanh nghiệp, số điện thoại, địa chỉ liên hệ...) còn giúp người tiêu dùng có thể mua hàng qua mạng hoặc trực tiếp tại các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích,… mà không cần dùng đến tiền mặt hay thẻ tín dụng.

Bắt kịp xu hướng này, nhiều ngân hàng hiện nay đã tích hợp thanh toán qua mã QR vào ứng dụng ngân hàng trực tuyến của mình như: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank),...

Trong đó, VietinBank là một trong những ngân hàng sớm nhất tại Việt Nam đưa ra phương thức thanh toán QR Pay sử dụng QR code trên ứng dụng iPay Mobile.

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết: "QR Pay được VietinBank phát triển và tung ra thị trường với mục tiêu trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên áp dụng QR code vào thanh toán, mở đường cho việc ứng dụng nhiều công nghệ mới trong thương mại điện tử tại Việt Nam".

Với QR Pay, cửa hàng tạo hóa đơn cần được thanh toán dưới hình thức QR code thay thế hóa đơn thông thường. Khách hàng quét mã QR và thanh toán nhanh tại các điểm bán hàng mà không cần tiền mặt hay thẻ tín dụng.

Bên cạnh đó, khách hàng có thể tạo QR code chứa thông tin thanh toán của bản thân và gửi mã tới người khác. Người nhận được mã này cũng có thể quét QR code nhận được và thanh toán ngay bằng VietinBank iPay Mobile App.

"Mọi thao tác thanh toán có thể diễn ra dưới một phút, tiện lợi, nhanh chóng và an toàn", ông Lân khẳng định.

Tính năng Thanh toán mã QR trên hệ thống Smartbanking của BIDV. Nguồn: BIDV

Những tiện ích của mã QR cũng được BIDV tận dụng đưa vào hệ thống Mobile Banking (Smartbanking) để phục vụ cho các giao dịch chuyển khoản và thanh toán hóa đơn.

Tiện ích này cho phép khách hàng BIDV giảm bớt các thao tác nhập thông tin tài khoản người thụ hưởng trong các giao dịch chuyển tiền hay nhập tài khoản người bán hàng, loại hàng, giá cả khi mua sắm trực tuyến bởi chỉ cần hướng carema vào mã QR thì tất cả các thông tin này sẽ xuất hiện trên hệ thống Smartbanking. Khi đó người dùng chỉ cần nhập số tiền chuyển khoản hay nhập số lượng hàng cần mua và xác thực giao dịch.

Sử dụng chính thiết bị điện thoại làm phương tiện thanh toán, người mua không cần mang thêm thẻ ATM, không phát sinh chi phí về thẻ, người bán không cần đặt POS... Chính vì vậy, hệ thống thanh toán của ngân hàng và các điểm bán hàng sẽ giảm được các chi phí cần thiết, kéo theo việc giảm giá thành cho khách hàng.

Hướng tới sự liên thông...

Với giải pháp mã QR khi mua sắm trên các website, người dùng không phải nhập tên, mật khẩu của Internet Banking và thông tin thẻ trên các cổng thanh toán như các giải pháp thanh toán trực tuyến hiện nay nên giảm thiểu được rủi ro bị đánh cắp mật khẩu và những thông tin thẻ; đồng thời người dùng cũng hạn chế được sai sót, nhầm lẫn khi nhập thông tin chuyển tiền.

Mã QR chỉ là hình ảnh chứa thông tin về người thụ hưởng và thông tin về hàng hóa, giá cả, số tiền thanh toán.

Do đó, sau khi đọc mã QR hệ thống cho phép người dùng xem lại thông tin đã đọc từ mã QR. Nếu không đồng ý người dùng có thể dừng giao dịch và ngược lại sẽ xác thực thông qua mật khẩu, OTP, Token, vân tay…

Theo đại diện BIDV, hình ảnh mã QR có chứa mã bảo mật chống việc làm giả hoặc chỉnh sửa, hệ thống Smartbanking của BIDV chỉ cho phép đọc các mã QR hợp lệ.

Bên cạnh việc thanh toán hay chuyển khoản, QR code cũng phát huy được khả năng bảo mật cao của mình khi được TPBank áp dụng trong giao dịch gửi tiền tiết kiệm. Mã QR được in trên tất cả các sổ tiết kiệm được phát hành tại quầy giao dịch của TPBank. Mỗi sổ có một mã QR tương ứng với các thông tin trên sổ và chỉ có thể đọc được khi sử dụng ứng dụng eBank của ngân hàng này.

Khách hàng có thể kiểm tra tiền gửi tại TPBank bằng QR code. Nguồn: TPBank

Việc sử dụng khá đơn giản, khách hàng chỉ việc tải về và cài đặt ứng dụng eBank của ngân hàng trên điện thoại thông minh chạy Android hay iOS, sau đó mở tính năng quét mã QR trên ứng dụng này và hướng ống kính máy ảnh trên điện thoại vào mã QR được in trên sổ tiết kiệm.

Sau giây lát thì toàn bộ thông tin liên quan đến sổ tiết kiệm được lưu trên hệ thống của TPBank sẽ hiện ra và khách hàng có thể đối chiếu ngay được.

Nếu dùng ứng dụng đọc QR code thông thường, khách hàng chỉ nhận được các chuỗi ký tự dài khó hiểu. Khi dùng ứng dụng eBank của TPBank, các thông tin được giải mã, truy vấn dữ liệu trên máy chủ của ngân hàng. Nếu sổ tiết kiệm đó đang có trên hệ thống thì mới hiển thị thông tin, còn ngược lại chỉ nhận được thông bảo “Sổ tiết kiệm không tồn tại hoặc đã tất toán”.

Theo ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank, kẻ gian có thể làm giả phôi sổ, chữ ký, con dấu, tẩy xóa, cạo sửa thông tin trên sổ, nhưng không thể làm giả QR code và thông tin được lưu trên máy chủ của TPBank. Các mã QR này được in trực tiếp trên sổ, được mã hóa hai bước ở cấp độ cao và chỉ có ứng dụng eBank của TPBank mới giải mã và lấy được thông tin từ máy chủ nên độ an toàn rất cao.

“Việc quét mã QR code không chỉ giúp khách hàng kiểm tra các thông tin in trên sổ tiết kiệm có trùng khớp với số tiền gửi được nhập vào hệ thống của ngân hàng hay không mà còn cho biết trạng thái của sổ đó có bị phong tỏa hay cầm cố. Qua đó, giúp minh bạch hóa thông tin và khách hàng hoàn toàn yên tâm với sổ tiết kiệm khi gửi tại ngân hàng; đồng thời vẫn đảm bảo các nguyên tắc về bảo mật thông tin của khách hàng. Nói theo cách khác, chỉ ai cầm được sổ tiết kiệm trên tay thì mới tra cứu được thông tin liên quan đến sổ tiết kiệm đó”, ông Hưng chia sẻ.

Được biết, đây là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ này nhằm phòng tránh tình trạng giả mạo sổ tiết kiệm.

Theo các chuyên gia, lợi ích của việc thanh toán bằng mã QR khó thể phủ nhận, nhưng thực tế nhiều khách hàng vẫn chưa nắm bắt và có những hiểu biết cần thiết về mã QR nên còn e ngại trong quá trình sử dụng. Mặt khác, nhiều đơn vị tự xây dựng hệ thống thanh toán mã QR của riêng mình khiến khách hàng chỉ thanh toán được trong hệ thống đó, dẫn đến thị trường bị chia cắt và không thuận lợi trong giao dịch đối với khách hàng.

Trước thực tế đó, rất cần một chuẩn chung về mã QR để các hệ thống khác nhau có thể đọc được mã của nhau và quan trọng hơn là hướng tới sự liên thông trong thanh toán.

>>>Trải nghiệm mua sắm trực tuyến với thẻ phi vật lý - Agribank Vcard

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục