Thành tựu kinh tế - lá bài trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống D. Trump

13:11' - 08/02/2020
BNEWS Sau khi được Thượng viện Mỹ ngày 5/2 tuyên vô tội, Tổng thống Donald Trump có thể nhấn mạnh đến những thành tựu kinh tế trong nỗ lực giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đọc Thông điệp liên bang tại Washington, DC ngày 4/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Trump kế thừa một nền kinh tế đang khởi sắc sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2018 từ người tiền nhiệm Barack Obama.

Đà tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục trong ba năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Trump là lá bài để ông giành thắng lợi trong chiến dịch vận động tranh cử nhiệm kỳ hai.

Tuy nhiên, cũng có những lo ngại gia tăng về những thiệt hại kinh tế do dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona khởi phát tại Trung Quốc, đặt ra vấn đề liệu giai đoạn thuận lợi của kinh tế Mỹ có thể kéo dài trong bao lâu.

Sau khi báo cáo việc làm tháng Một cho thấy nền kinh tế Mỹ tạo thêm 225.000 việc làm, ông Trump viết trên trang Twitter "việc làm, việc làm, việc làm", "cam kết giúp duy trì cam kết".

Năm ngoái, tăng trưởng việc làm đạt mức trung bình 175.000 việc làm/tháng, so với mức 193.000 việc làm trong năm 2018 và 176.000 việc làm trong năm 2017, thấp hơn so với ba năm cuối trong nhiệm kỳ của ông Obama.

Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay là 3,6%, gần mức thấp nhất trong 50 năm, so với mức 4,7% trong tháng 12/2016, tháng trọn vẹn cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông Obama.

Trong khi đó, nền kinh tế hiện đang tăng trưởng năm thứ 11, giai đoạn tăng trưởng dài kỷ lục, nhưng không được như cam kết mạnh mẽ của ông Trump.

Sau khi đạt mức 1,5% vào năm 2016, năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông Obama, đà tăng trưởng tăng lên 2,3% vào năm 2017 và 2,9% trong năm 2018, nhờ tác dụng kích thích của việc cắt giảm thuế mạnh, chủ yếu nhằm vào các doanh nghiệp và những người giàu có nhất của Mỹ và tăng chi tiêu của chính phủ.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng giảm xuống 2,3% trong năm ngoái, do cuộc chiến thương mại với Trung Quốc leo thang, khiến đầu tư của các doanh nghiệp giảm sút.

Dù vẫn tăng trưởng mạnh hơn hầu hết các nền kinh tế phát triển khác, với Khu vực sử dụng đồng euro chỉ tăng trưởng 1,2%, kinh tế Mỹ không thể tăng trưởng 3% hoặc hơn trong giai đoạn dài như cam kết của ông Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đọc Thông điệp Liên bang lần thứ 3 tại Washington, DC, ngày 4/2/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ thậm chí còn giảm hơn nữa, xuống 2% trong năm nay, khi tác dụng của việc cắt giảm thuế yếu đi.

Việc cắt giảm thuế được Quốc hội Mỹ thông qua vào cuối năm 2017, cải cách thuế lớn nhất trong 30 năm, đã giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP, nhưng cũng khiến nợ công và thâm hụt ngân sách tăng.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự báo thâm hụt ngân sách vượt mức 1.000 tỷ USD vào cuối tháng Chín, trong khi nợ công ước tính ở mức tương đương 81% GDP.

Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào tháng trước, kết thúc cuộc chiến thương mại kéo dài với Trung Quốc.

Trung Quốc cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, nhưng thuế đánh vào 2/3 số hàng hóa được trao đổi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn được duy trì.

Cuộc chiến thương mại đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ và của toàn cầu, và khiến hoạt động chế tạo của Mỹ rơi vào suy giảm.

Ông Trump đã thực hiện cam kết tranh cử trong việc thương lượng lại hiệp định thương mại tự do năm 1994 với Mexico và Canada, cho ra đời Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada.

Hiệp định mới này được ký tháng Một thay thế hiệp định cũ mà ông Trump cho là thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Phố Wall đã phản ứng tích cực của việc cắt giảm thuế và nới lỏng các quy định của Chính quyền của ông Trump, tăng 55% kể từ khi ông đắc cử vào ngày 8/11/2016./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục