Tháo gỡ bất cập trong cấp phép xây dựng bảng quảng cáo tại Hà Nội

09:49' - 14/06/2017
BNEWS Qua đợt kiểm tra của Tổ công tác liên ngành thành phố Hà Nội về hoạt động quảng cáo vừa qua cho thấy, có từ 32% – 45% biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm.
Tháo gỡ bất cập trong cấp phép xây dựng bảng quảng cáo tại Hà Nội. Ảnh minh họa: Hiền Anh-TTXVN

“Nhiều năm nay trên địa bàn Hà Nội, tình trạng biển hiệu, bảng quảng cáo lộn xộn, không phép, không quy chuẩn, một phần do các cơ quan chức năng chưa quản lý về mặt cấp phép xây dựng” – ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định nguyên nhân do thiếu sự phối hợp của các cơ quan liên quan, sự phân định rạch ròi trong trách nhiệm quản lý và vấn đề này đang cần được tháo gỡ nhanh.

Đưa đẩy trách nhiệm

Qua đợt kiểm tra của Tổ công tác liên ngành thành phố Hà Nội về hoạt động quảng cáo, viết, đặt biển tại các quận, huyện trọng điểm trên địa bàn thành phố vừa qua cho thấy, có từ 32% – 45% biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm.

Trong đó các cửa hàng của Thế giới di động, FPT shop, Điện máy xanh…vi phạm có hệ thống với những lỗi rất nghiêm trọng.

Nhiều biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích lớn gấp 5 – 6 lần so với quy định, lắp dựng tại mặt tiền, mặt tường bên, vượt lên mái công trình, nhà ở vi phạm các quy định của Luật Quảng cáo, vi phạm trật tự xây dựng, cản trở trực tiếp công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.
Theo quy định, các biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20 m2 kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, khi Tổ công tác liên ngành thành phố kiểm tra, không có cửa hàng nào xuất trình được giấy phép xây dựng đối với công trình quảng cáo.

Thực tế, các quận, huyện, thị xã cũng chưa thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng đối với công trình quảng cáo, biển hiệu có diện tích trên 20 m2 theo quy định tại điều 31 của Luật Quảng cáo và điều 33 Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ông Nguyễn Khoa Trung, Phòng Quản lý đô thị quận Long Biên cho biết: Tất cả biển hiệu, bảng quảng cáo trên địa bàn quận đều không được đơn vị chủ quản gửi hồ sơ xin cấp phép đến phòng. Đến nay, Phòng Quản lý đô thị quận cũng chưa cấp phép xây dựng cho bất kỳ công trình quảng cáo nào.
Tình trạng trên không chỉ xảy ra ở Long Biên mà ở hầu hết các quận, huyện khác.

Đáng nói, trong quá trình làm việc với Tổ công tác liên ngành, các cơ quan quản lý xây dựng địa phương cho rằng việc xử lý biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm là trách nhiệm của cơ quan quản lý văn hóa.

Tuy nhiên, phía cơ quan quản lý văn hóa cho rằng họ chỉ quản lý về mặt nội dung, còn quản lý về công trình biển hiệu, bảng quảng cáo lại là trách nhiệm của ngành xây dựng.

UBND thành phố Hà Nội đã phân cấp quản lý biển hiệu, bảng quảng cáo cho chính quyền các quận, huyện, thị xã do vậy việc cấp phép cũng như tháo dỡ, cưỡng chế, xử lý công trình bảng, biển quảng cáo vi phạm thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý xây dựng địa phương.

Cần sớm tháo gỡ bất cập

Luật Quảng cáo ban hành năm 2012 quy định rõ khi lắp dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20 m2 phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương.

Ở đây, cơ quan có thẩm quyền về xây dựng là Sở Xây dựng, Sở ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã nên việc cấp phép do các quận, huyện, thị xã thực hiện.

Hơn nữa, Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành năm 2016 quy định UBND các quận, huyện, thị xã cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo thuộc địa giới hành chính do mình quản lý.
Quy định là vậy nhưng Thanh tra xây dựng, Phòng Quản lý đô thị một số địa phương lại cho rằng việc cấp phép công trình biển hiệu, bảng quảng cáo gắn vào công trình có sẵn chưa có hướng dẫn cụ thể nên các địa phương chưa thực hiện việc cấp phép.

Quán karaoke trên đường Quan Hoa quận Cầu Giấy tiến hành tháo dỡ biển, bảng hiệu quảng cáo. Ảnh: Hiền Anh-TTXVN

Một mặt, họ cũng viện dẫn việc cấp phép cho công trình quảng cáo chỉ được thực hiện khi có văn bản chấp thuận nội dung quảng cáo của ngành văn hóa theo Thông tư số 10/2012/TT-BXD ngày 20/12/2012 của Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, Thông tư này đã bị thay thế bởi Thông tư số 15/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng.

Thông tư số 15/2016/TT-BXD không quy định cấp phép cho công trình quảng cáo sau khi có văn bản chấp thuận nội dung quảng cáo của ngành văn hóa. Nhưng quan trọng, Luật Quảng cáo chính là khung pháp lý cao nhất đối với hoạt động quảng cáo, hơn cả Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Sau đợt kiểm tra về hoạt động quảng cáo của Tổ công tác liên ngành thành phố, nhiều bất cập đã được các cơ quan chuyên môn chỉ ra, đề xuất hướng xử lý.

Một số địa phương bắt đầu tiến hành cấp phép xây dựng công trình biển hiệu, bảng quảng cáo, điển hình là quận Ba Đình. Lãnh đạo UBND quận Ba Đình cho biết quận cũng mong muốn cấp phép từ lâu nhưng chưa biết triển khai thế nào,...
Ông Hà Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý đô thị thuộc UBND quận Đống Đa cho biết: Từ năm 2016 đến nay mới có hai doanh nghiệp xin cấp phép xây dựng công trình biển hiệu, bảng quảng cáo, song do đơn vị không đủ giấy tờ cần thiết như bản vẽ thiết kế, giấy tờ nhà đất hợp pháp nên quận chưa cấp phép.

Đến thời điểm này, trên địa bàn quận chưa có một biển hiệu, bảng quảng cáo nào được cấp phép.
Mặc dù một số quận, huyện bắt đầu triển khai việc cấp phép xây dựng công trình biển hiệu, bảng quảng cáo nhưng để tạo sự đồng bộ trên toàn địa bàn thành phố, cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý xây dựng thành phố là Sở Xây dựng và sự chỉ đạo chung của UBND thành phố Hà Nội.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục