Tháo gỡ vướng mắc nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông

18:02' - 25/10/2019
BNEWS Ngày 25/10, tại Yên Bái, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội nghị giao ban công tác khuyến nông các tỉnh phía Bắc năm 2019.
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Tại hội nghị, bên cạnh việc rà soát, đánh giá kết quả hoạt động khuyến nông từ đầu năm đến nay và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hoàn thành kế hoạch năm 2019, các đại biểu đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan khuyến nông 31 tỉnh, thành phía Bắc đã tập trung thảo luận các vấn đề xung quanh công tác tổ chức, sắp xếp hệ thống để nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông.
Khắc phục khó khăn
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, năm nay hoạt động khuyến nông gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết, nhất là dịch tả lợn châu Phi, gây thiệt hại nặng nề cho các hộ dân đang chăn nuôi.

Mặt khác, đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành được Thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí khuyến nông theo Nghị định số 83/2018/NĐ-CP, do vậy trong quá trình lập dự toán và triển khai còn lúng túng, vướng mắc, gặp rất nhiều khó khăn. Theo quy định, các hợp đồng, nhiệm vụ khuyến nông chỉ được ứng 50% kinh phí, do đó các đơn vị thực hiện gặp rất nhiều khó khăn vì hầu hết đều là đơn vị sự nghiệp, không có kinh phí ứng trước để thực hiện.
Đối với các tỉnh phía Bắc, mặc dù ngân sách Trung ương đầu tư cho hoạt động khuyến nông tại các tỉnh miền Bắc tương đối cao so với trung bình cả nước, tuy nhiên, với lợi thế sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, nguồn kinh phí còn thấp so với nhu cầu và cũng không đồng đều giữa các tỉnh, thành phố.

Kinh phí khuyến nông vẫn chủ yếu tập trung cho xây dựng mô hình (chiếm trên 80% tổng kinh phí khuyến nông Trung ương trên toàn vùng). Đáng chú ý là kinh phí đầu tư cho khuyến nông qua nhiều năm không tăng, do vậy nguồn kinh phí cho hoạt động khuyến nông thường xuyên giảm.
Mặc dù vậy, từ đầu năm đến nay, trong tổng số 77 dự án khuyến nông Trung ương đầu tư với tổng kinh phí hơn 86 tỷ đồng, hầu hết các dự án triển khai đảm bảo yêu cầu, tiến độ. Một số dự án đã có hiệu quả rõ rệt như dự án về sản xuất lúa bao gồm sản xuất hạt giống lúa lai F1, sản xuất lúa chất lượng, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa, xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị; trồng và thâm canh cây ăn quả; dự án sản xuất cây rau màu, cây công nghiệp...
Trong  chăn nuôi, trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các mô hình dự án chăn nuôi lợn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với các đơn vị chủ trì, chủ nhiệm dự án đề xuất điều chỉnh dự án cho phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương. Hiện tại các dự án được điều chỉnh đang hoàn thiện các nội dung theo Quyết định điều chỉnh.

Kiểm tra mô hình khuyến nông trồng bạch đàn tại khu vực hồ Thủy điện Thác Bà (tỉnh Yên Bái). Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Đối với nhiệm vụ đào tạo tập huấn, năm 2019, các tỉnh triển khai nhiệm vụ với kinh phí gần 9,5 tỷ đồng từ nguồn khuyến nông Trung ương với 174 lớp cho 5.112 lượt học viên, chiếm 66% tổng kinh phí tập huấn toàn quốc.

Nội dung tập trung vào tập huấn giảng viên khuyến nông Quốc gia; tập huấn quản lý cho chủ nhiệm, cán bộ dự án khuyến nông; nâng cao năng lực HTX nông nghiệp công  nghệ cao, xã nông thôn mới; tập huấn kỹ thuật chuyên ngành... Hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông năm 2019 luôn bám sát các định hướng và đề án tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các dự án khuyến nông đều có hiệu quả cao hơn so với sản xuất đại trà tối thiểu 10%, đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất. Với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, sản xuất bền vững...
Tăng cường năng lực hệ thống
Có thể khẳng định, với lực lượng 30.000 người làm khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông trên cả nước, trong những năm qua hoạt động khuyến nông đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Thông qua các hoạt động khuyến nông (xây dựng mô hình, đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền…) những mô hình tiêu biểu, có hiệu quả đã được lan toả, nhân rộng.

Các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại đang dần thay thế quy mô nhỏ lẻ. Trình độ kỹ thuật của người sản xuất đã được nâng lên rõ rệt, khai thác nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi trên cơ sở phát huy tiềm năng, điều kiện từng vùng, miền để phát triển một cách bền vững, an toàn, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Hoạt động khuyến nông tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò ngày càng hiệu quả, phát huy lợi thế vùng miền và góp phần rất lớn vào Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, hiện nay một số địa phương đang tổ chức lại hoạt động khuyến nông, sáp nhập với một số đơn vị khác thuộc ngành nông nghiệp, khiến một số nơi bị lúng túng trong hoạt động. Tại hội nghị, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự băn khoăn trước những yêu cầu phải thay đổi của lực lượng khuyến nông, "thay tên đổi họ", sáp nhập với các đơn vị khác như chăn nuôi, thú y, dịch vụ nông nghiệp… nhưng đều khẳng định vai trò không thể thiếu của hoạt động khuyến nông trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Theo ông Nguyễn Quang Tin, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vai trò của lực lượng khuyến nông trong những năm qua không chỉ đơn thuần là kết nối, chuyển giao khoa học kỹ thuật, mà quan trọng hơn còn có ý nghĩa mang tính chính trị, an sinh xã hội, đặc biệt là đối với vùng sâu, vùng xa.

Do đó, việc phát triển, nâng cao năng lực hệ thống khuyến nông là vô cùng cần thiết. "Ngoài vai trò chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khuyến nông cũng phải thay đổi hình thức, tạo sản phẩm cụ thể của khuyến nông, gắn với xây dựng thương hiệu khuyến nông, đồng thời gắn kết hệ thống khuyến nông ngày càng chặt chẽ hơn thông qua những chương trình, hoạt động, dự án, sản phẩm cụ thể", ông Tin khẳng định.
Ông Lê Quốc Thanh cũng cho rằng, xu thế phát triển nông nghiệp hiện nay đòi hỏi công tác khuyến nông phải đổi mới, tăng cường năng lực để thích ứng với sự phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành nông nghiệp. Do đó, việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống là yêu cầu tất yếu.

“Tuy nhiên, nếu chúng ta chứng minh được vai trò không thể thay thế của tổ chức khuyến nông thì sẽ không ai nghĩ đến tách - nhập, xoá bỏ mà phải làm thế nào để tăng cường năng lực cho đội ngũ khuyến nông.

Vấn đề đặt ra với khuyến nông là yêu cầu phải thay đổi trong chính hệ thống của mình, tăng cường hơn nữa sự phối hợp, kết nối trong hệ thống và đặc biệt là tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến nông cơ sở để phát huy được hiệu quả hơn nữa", ông Thanh khẳng định.
Cùng với việc xây dựng, củng cố tổ chức, nhiều ý kiến cũng cho rằng khuyến nông cần phải thay đổi phương thực hoạt động. Theo ông Lê Hồng Viễn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Bình: “Nếu còn giữ quan điểm địa phương nào cũng phải có một tý vốn khuyến nông Quốc gia thì chúng ta sẽ không thể làm được những dự án xứng tầm.

Do đó, Khuyến nông Quốc gia phải xây dựng những dự án lớn, mang tính kết nối từ địa phương này tới địa phương khác, đặc biệt là xây dựng dự án chuỗi đề các tỉnh có thể “bám” vào mà làm. Những mô hình cũ nên dừng, không nên làm đi làm lại, mà cần hướng tới những mô hình khó nhưng lại là nhu cầu của thị trường hiện nay như liên kết tiêu thụ sản phẩm, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao...”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục