Thay đổi chính sách thuế để cải thiện chất lượng tăng trưởng

13:37' - 09/12/2023
BNEWS Ngày 9/12, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) tổ chức sự kiện với chủ đề "Kinh tế vĩ mô 2023 và những thay đổi về chính sách thuế để cải thiện chất lượng tăng trưởng". 

Nội dung sự kiện bao gồm những chia sẻ của các chuyên gia về bối cảnh chung của nền kinh tế; các vấn đề về chính sách tài khoá, phản biện và bình luận; đồng thời có những tham vấn chính sách về cải cách thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt; cải cách thể chế và tài chính công...

 

Khai mạc sự kiện, ông Phạm Văn Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) nhận định, Kinh tế Việt Nam năm 2023 đang đối mặt với rất nhiều thách thức, từ những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới cho đến những bất ổn nội tại của kinh tế trong nước.

Để cải thiện chất lượng tăng trưởng, Chính phủ hướng tới việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách thuế nhằm ổn định thị trường, cải thiện nguồn thu và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; trong đó, đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số sản phẩm như rượu, bia, thuốc lá được kỳ vọng sẽ góp phần định hướng sản xuất, hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, đồng thời thể hiện cam kết của Chính phủ đối với phát triển bền vững và an sinh xã hội.

Tại sự kiện, PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VESS phân tích, sự chậm lại các dòng thương mại và đầu tư quốc tế khiến cho cỗ xe kinh tế Việt Nam phải khựng lại ít nhiều, bất chấp những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu đem lại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những tháng qua, dù cải thiện nhẹ qua các quý, nhưng ở dưới xa mức trung bình trước đại dịch.

Các kênh tiếp cận vốn của doanh nghiệp đều gặp khó. Lạm phát tổng thể giảm trong nửa đầu năm nhưng lại có xu hướng quay đầu tăng trở lại trong Quý III/2023. Đồng thời, lạm phát cơ bản khá dai dẳng trong khi những rủi ro tăng giá mới lại xuất hiện.

Những nỗ lực mở rộng tài khóa và tiền tệ của Chính phủ gần đây đã phần nào giúp doanh nghiệp và người dân chống chọi với những khó khăn, nhưng chưa thể đảm bảo sự hồi phục chắc chắn của nền kinh tế.

Do đó, xu hướng chính sách trong nước nên là tiếp tục nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng. Đồng thời, chính sách tiền tệ dù chưa đảo chiều nhưng cần cẩn trọng hơn với lạm phát, ông Thế Anh khuyến nghị.

Bàn về chính sách thuế, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Chuyên gia Tài chính công, Học viện Tài chính đề xuất nhiều nhóm giải pháp cần triển khai để cải cách hệ thống thuế để phù hợp với thông lệ Quốc tế. Cụ thể như về thuế giá trị gia tăng cần tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất; xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với một số mặt hàng như rượu, bia, thuốc lá; tăng mức thu điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà, bổ sung đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục