Thể chế kinh tế thúc đẩy khởi sự doanh nghiệp

14:41' - 28/02/2020
BNEWS Tạo dựng thể chế kinh tế tốt, từ đó tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp. Nếu môi trường đầu tư-kinh doanh tốt sẽ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và gia tăng sức canh tranh của nền kinh tế...
Hội thảo Thúc đẩy tạo thuận lợi gia nhập thị trường: Vấn đề và giải pháp cải thiện khởi sự kinh doanh và bảo vệ cổ đông thiểu số. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 28/2, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Aus4Reform tổ chức Hội thảo thúc đẩy tạo thuận lợi gia nhập thị trường: Vấn đề và giải pháp cải thiện khởi sự kinh doanh và bảo vệ cổ đông thiểu số.

Phát biểu khai mạc, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, nội dung tạo thuận lợi cho gia nhập thị trường được thảo luận tại hội nghị sẽ được đề xuất nhằm phục vụ việc soạn thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Theo đó, CIEM đặc biệt nhấn mạnh nội dung tạo dựng thể chế kinh tế tốt, với trọng tâm là cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh; từ đó tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp. Nếu môi trường đầu tư-kinh doanh tốt sẽ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, có tính lan tỏa và gia tăng sức canh tranh của nền kinh tế...

Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, đến nay vẫn còn những rào cản, quy định bất hợp lý và gây ảnh hưởng đến quá trình gia nhập thị trường. Trong đó, doanh nghiệp phải chịu một số loại chi phí với mức độ tăng thêm một cách bất hợp lý. Đó là, chi phí cho quá trình thực hiện quy định pháp luật; bị mất cơ hội kinh doanh do tăng chi phí về tài chính và thời gian; chi phí về phí, lệ phí để làm các thủ tục hành chính và cuối cùng là chi phí cho hoạt động đào tạo nhân lực, mua sắm thiết bị để đáp ứng quy định pháp luật.

Do đó, mỗi một cải cách, tiến bộ dù là nhỏ cũng sẽ mang lại tác động lớn, trên diện rộng. Ông Hiếu đơn cử, nếu giảm được 1 giờ cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính có nghĩa là doanh nghiệp cả nước sẽ tiết kiệm được rất nhiều bởi cả nước có hơn 700 nghìn doanh nghiệp. Đáng lưu ý là, dư địa cải cách vẫn còn nhiều để tận dụng, khai thác vì sự tiến bộ và lợi ích của doanh nghiệp; trong đó, cần tập trung gỡ bỏ những quy định bất hợp lý, không rõ mục tiêu hoặc gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Đơn cử, đó là những quy định như: doanh nghiệp phải có một số lượng bình gas là bao nhiêu để được phân phối gas trong khi cơ quản lý không tính đến điều đó có phù hợp hay không, nhu cầu thị trường ở từng khu vực, địa phương là bao nhiêu...? Hay quy định xe tải trọng lớn, xe đầu kéo phải mang phù hiệu khi lưu thông... Đã phải mất nhiều tranh luận, thời gian để có thể gỡ bỏ những điều kiện như vậy.

CIEM đề xuất, cần tiếp tục trao quyền tự quyết về con dấu của doanh nghiệp, bãi bỏ thủ tục phải thông báo mẫu dấu; bãi bỏ quy định doanh nghiệp phải báo cáo định kỳ 6 tháng về tình hình sử dụng lao động; doanh nghiệp mới thành lập thì thời hạn nộp thuế môn bài thực hiện vào ngày 30/1 của năm kế tiếp...

Đối với nội dung bảo vệ cổ đông thiểu số, CIEM cho biết, đây là vấn đề liên quan đến quản trị doanh nghiệp và cũng là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam; đặc biệt là đối với mô hình công ty cổ phần. Từ trước đến nay, quản trị doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; trong đó một tỷ lệ không nhỏ doanh nghiệp dân doanh hoạt động và thực hiện việc kinh doanh, quản lý hoạt động theo cách “nội bộ gia đình”. Từ đó có thể nảy sinh nhiều xung đột, mâu thuẫn, thiếu rạch ròi giữa quan hệ gia đình với yêu cầu trong điều hành sản xuất-kinh doanh.

Riêng với công ty cổ phần, CIEM đề nghị cần chủ động loại bỏ các quy định bất hợp lý, có thể là nguy cơ đối với các cổ đông nói chung, nhất là với cổ đông thiểu số-tức là cổ đông nắm ít cổ phần. Cụ thể, CIEM đề xuất bỏ yêu cầu cổ đông  phải sở hữu cổ phần liên tục từ 6 tháng trở lên; cổ đông có quyền yêu cầu thực hiện kiểm toán độc lập do bên  ngoài đảm nhận; mở rộng quyền của cổ đông bằng cách hạ mức phải nắm giữ 10% vốn xuống 5% vốn của công ty để được quyền kiến nghị, đưa thêm nội dung vào chương trình họp đại hội đồng cổ đông...

Theo Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, thực tế cho thấy, các Luật Doanh nghiệp từng ban hành đều có bước chuyển biến về nội dung, theo hướng tích cực và góp phần tháo gỡ khó khăn, bất lợi cho doanh nghiệp ra đời, phát triển.

Những đề xuất của CIEM là kịp thời và có tác dụng đóng góp vào việc nghiên cứu, soạn thảo nội dung Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sắp tới. Chính phủ, các cơ quan chức năng đang kiên trì mục tiêu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp cũng cần tự ý thức vươn lên, có sự chuẩn bị tốt khi gia nhập thị trường; tự nâng cao năng lực quản trị theo hướng hiện đại, phù hợp xu hướng quốc tế. Đặc biệt, cần có quy định rõ, đầy đủ để bảo vệ nhóm cổ đông nhỏ, thiểu số trong công ty cổ phần nhằm tránh sự lạm dụng, lũng đoạn của cổ đông lớn.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục