The Economist: Sự phục hồi kinh tế vẫn chưa hoàn toàn vững chắc

06:30' - 31/07/2021
BNEWS Mặc dù đã gần hai năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thế giới vẫn chưa thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh và còn rất nhiều yếu tố không chắc chắn có thể xảy ra.

Các thị trường chứng khoán biến động mạnh, trong khi những rủi ro và nguy cơ về lạm phát và thị trường lao động vẫn lớn.

Triển vọng phục hồi kinh tế dường như phụ thuộc vào một số yếu tố chính: Liệu sự lây lan của biến thể Delta có làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế toàn cầu? Những nguy cơ nào sẽ xảy ra khi các chính phủ cắt giảm những biện pháp kích thích? Mức độ nhiệt tình của các hộ gia đình và doanh nghiệp trong chi tiêu và đầu tư liệu có thể kéo dài? Không thể có câu trả lời rõ ràng cho những câu hỏi này.

Hiện nay, bốn thước đo về sự phục hồi kinh tế - thị trường tài chính và hàng hóa, dữ liệu tần suất cao (là những dữ liệu máy tính được thu thập theo thời gian thực với độ chính xác tương đối lớn), số liệu thống kê của chính phủ và dự báo của các nhà kinh tế - đều cho thấy những tín hiệu trái chiều.

Đầu tiên là thị trường tài chính. Trái phiếu kho bạc Mỹ thường được coi là nơi trú ẩn cho nhà đầu tư trong những thời điểm bất ổn. Hồi tháng Ba, các nhà đầu tư đã bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ khi lo ngại lạm phát gia tăng, đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ lên mức 1,7%.

Nhưng chỉ số này đã từ từ giảm trở lại khi nhà đầu tư lo ngại về khả năng phục hồi bền vững của nền kinh tế. Phiên ngày 19/7, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ rớt giảm xuống 1,19%. S&P 500, một trong ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ, giảm 1,6%, trong đó các công ty nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Diễn biến thị trường đã phản ánh mối lo ngại của nhà đầu tư về triển vọng phục hồi, khiến họ cân nhắc lại về việc mua những loại tài sản có khả năng hưởng lợi nhất khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại. 

Sang phiên tiếp theo, nỗi bất an này dường như đã biến mất khi thị trường chứng khoán đảo ngược đà giảm của phiên trước. Giá dầu và lợi suất trái phiếu của Mỹ cũng phục hồi một phần. Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm đứng ở mức 1,27% trong phiên 29/7.

Dữ liệu cũng cho thấy những chỉ dấu ngược chiều. Cụ thể, theo một báo cáo gần đây của ngân hàng JPMorgan Chase, hoạt động đi lại trên toàn cầu vẫn đang tăng lên, một yếu tố cho thấy tăng trưởng GDP có thể duy trì đà phục hồi.

Tuy nhiên, Anh, quốc gia lớn đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến thể Delta, đang cho thấy một thực tế khác. Chỉ số hoạt động kinh tế của The Economist, sử dụng dữ liệu của Google về số lượt người lao động đến nơi làm việc của họ, trạm trung chuyển tàu điện ngầm và các địa điểm bán lẻ và giải trí, đã giảm khoảng 5% kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 6/2021. 

Có rất ít dấu hiệu cho thấy hoạt động đi lại tăng mạnh hơn từ ngày 19/7, tức là sau khi Anh dỡ bỏ tất cả các hạn chế đi lại trong nước. Ở Mỹ, các cuộc khảo sát cho thấy sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 có liên quan đến biến thể Delta đã khiến người dân ngày càng lo sợ loại virus này.

Bên cạnh đó, số liệu của cơ quan thống kê chính phủ công bố vẫn chưa phản ánh đầy đủ những tác động của việc gia tăng số ca nhiễm COVID-19. Nhưng các dữ liệu này cũng cho thấy những tín hiệu trái ngược nhau.

Châu Âu ghi nhận các số liệu về hoạt động kinh tế tốt "bất ngờ" so với dự báo của các nhà kinh tế. Số liệu về nợ công cho thấy Chính phủ Anh đang vay ít hơn so với những gì các nhà kinh tế ước tính, đây là dấu hiệu cho thấy hoạt động thu thuế đã phục hồi tương đối tốt. 

Dù vậy, vẫn có những chỉ số kém khả quan. Ví dụ, ở Mỹ, chỉ số tâm lý người tiêu dùng mà Đại học Michigan khảo sát đã giảm trong tháng 7/2021, trái ngược với xu hướng tăng mà các nhà quan sát đã kỳ vọng.

Các chuyên gia phân tích tại JPMorgan ước tính kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 4,3% trong năm nay, thấp hơn con số họ đã dự báo trước đó. Trong khi đó, các nhà kinh tế tại ngân hàng Goldman Sachs mặc dù nhận thấy nền kinh tế toàn cầu đối mặt với những yếu tố bất lợi, họ vẫn kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021.

Tập hợp tất cả những yếu tố trên, người ta sẽ thấy một bức tranh kinh tế xen lẫn cả tín hiệu tiêu cực và tích cực. Ở thế giới các nước giàu, người tiêu dùng vẫn đang sở hữu một khoản tiết kiệm lớn và thị trường thì thiếu hụt lao động. Tuy nhiên, đỉnh điểm của sự phục hoạt động kinh tế, hưởng lợi nhờ cơ sở so sánh của năm ngoái rất thấp và những gói kích thích kinh tế hào phóng ở Mỹ, dường như đã đi qua.

Giờ đây, người ta bắt đầu nghi ngờ về việc liệu đà phục hồi có tiếp tục duy trì được hay không, khi mà các chương trình kích thích khẩn cấp của chính phủ có thể sắp kết thúc. Một vấn đề quan trọng hơn, việc biến thể Delta lây lan và làm gia tăng mạnh số ca nhiễm mới có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ở những nơi phần lớn người dân chưa được tiêm chủng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục