Thế giới cần chi 460 tỷ USD mỗi năm để bảo vệ rừng

12:21' - 29/10/2021
BNEWS Thực hiện mục tiêu giảm phát thải và bảo vệ môi trường, dự tính mỗi năm toàn cầu cần phải đầu tư 460 tỷ USD để ngăn chặn tình trạng mất rừng và phục hồi rừng.
Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong (Trung Quốc), các chuyên gia cảnh báo, để thực hiện mục tiêu giảm phát thải và bảo vệ môi trường, dự tính mỗi năm toàn cầu cần phải đầu tư 460 tỷ USD để ngăn chặn tình trạng mất rừng và phục hồi rừng. Nhưng ngân sách thực tế của các nước dành cho mục tiêu này lại thấp hơn nhiều so với nhu cầu. 
Năm 2014, hơn 200 quốc gia, doanh nghiệp và tổ chức xanh đã ký “Tuyên bố New York về rừng” (NYDF), cam kết ngăn chặn tình trạng phá rừng trước năm 2030, đồng thời phục hồi đất bạc màu hoang hóa.
Tuy nhiên, báo cáo thường niên mới nhất của tuyên bố này nhấn mạnh, việc giảm tỷ lệ rừng bị mất cần thiết để đạt được mục tiêu nói trên rất khó thực hiện trong ngắn hạn.
Bản báo cáo do 28 tổ chức xã hội dân sự và cơ quan nghiên cứu phối hợp xây dựng cũng tiết lộ, nhiều nước ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 vẫn chưa xây dựng mục tiêu bảo vệ rừng cụ thể theo thỏa thuận.
Dự tính, mỗi năm toàn cầu cần đầu tư 460 tỷ USD để bảo vệ, quản lý và phục hồi rừng. Nhưng kể từ năm 2010 đến nay, đầu tư thực sự của các nước chỉ ở mức 0,5%-5% số tiền cần thiết nói trên. 
Theo chuyên gia Brady thuộc Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế, ngân sách hiện có so với nhu cầu cần thiết chỉ là “muối bỏ bể”, thông qua tăng cường đầu tư nguồn lực đối với bảo vệ rừng và quản lý bền vững, toàn cầu có thể giảm lượng phát thải, đồng thời bảo đảm không khí trong lành, tài nguyên nước, lương thực, sinh kế và tính đa dạng sinh học.   
Rừng toàn cầu đủ để hấp thu 1/3 lượng phát thải carbon, việc rừng bị phá sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả ngăn chặn tình trạng khí hậu toàn cầu nóng lên. Theo số liệu do Tổ chức Giám sát rừng toàn cầu (GFW) cung cấp, diện tích rừng nhiệt đới toàn cầu bị mất trong năm 2020 tương đương diện tích Hà Lan.
Các chuyên gia đã phân tích mục tiêu cắt giảm phát thải do 32 nước xây dựng căn cứ vào Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, bao gồm Brazil (Bra-xin), Indonesia (In-đô-nê-xi-a), Nga, Trung Quốc, Cộng hòa Congo (Công-gô). Theo đó, nếu những nước này có thể ngăn chặn nạn phá rừng, cải thiện quản trị rừng, cũng như trồng rừng quy mô lớn thì sẽ có thể thực hiện việc giảm thải carbon.
Tuy nhiên, các chuyên gia phát hiện, chỉ có 10 nước ban hành mục tiêu lượng hóa, trong khi khoảng 1/4 các nước tuyên bố chỉ trong trường hợp nhận được sự hỗ trợ tài chính quốc tế thì mới có thể thực hiện mục tiêu giảm thải carbon.
Theo đối tác quản lý của công ty tư vấn Climate Focus, chủ biên báo cáo Haupt, từ kế hoạch khí hậu của những quốc gia này có thể thấy tham vọng rất lớn nhưng không thể đạt được tiềm năng thực sự.
Báo cáo Haupt nhấn mạnh, ngoài tăng cường ngân sách bảo vệ rừng, các nước giàu có lượng phát thải carbon lớn nên hợp tác với các nước đang phát triển để cùng đối diện với vấn nạn phá rừng, đồng thời lập pháp làm sạch chuỗi cung ứng. Các nước nên chuyển trợ cấp công từ những hoạt động dẫn đến rừng bị phá như nông nghiệp thương mại, sử dụng nhiên liệu hóa thạch… sang các dự án xanh để mang lại lợi ích cho cộng đồng bản địa và địa phương.
Báo cáo cũng ca ngợi nỗ lực của một số quốc gia trong việc ngăn chặn tình trạng phá rừng, điển hình là Việt Nam cải thiện quy hoạch và quản lý việc sử dụng đất, Lào và Indonesia nghiêm cấm buôn bán gỗ phi pháp và quy định không được khai thác rừng nguyên sinh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục