Thế kẹt của Hàn Quốc giữa cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

05:30' - 24/05/2018
BNEWS Xét trên quan hệ thương mại giữa Hàn Quốc và hai đối tác lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á chắc chắn sẽ chịu tác động không nhỏ khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang.
Chủ tịch tạm thời Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ Orrin Hatch (trái) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (phải) tại cuộc gặp ở Washington, DC ngày 16/5. Ảnh: THX/TTXVN

Cuộc tham vấn thương mại kéo dài hồi đầu tháng 5 tại Trung Quốc giữa phái đoàn thương mại Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu và phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu được đánh giá không đạt được nhiều kết quả đáng kể. Những bất đồng tương đối lớn còn tồn tại sẽ vẫn có nguy cơ trở thành “ngòi nổ” cho một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này.

Ngay cả khi những chính sách áp thuế hay trả đũa giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ mang tính “hù dọa”, Hàn Quốc - nền kinh tế đứng thứ 11 thế giới này - chắc chắn không nằm ngoài vòng ảnh hưởng khi quan hệ thương mại giữa một bên là “đồng minh” và một bên là “láng giềng” của nước này trở nên nên căng thẳng.

Quan hệ Mỹ - Hàn: Nhượng bộ để ổn định

Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) Hàn-Mỹ có hiệu lực từ năm 2012 và được coi là một biểu tượng làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế giữa hai nước. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng hiệp định này là nguyên nhân gây ra thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc và yêu cầu đàm phán lại hiệp định, mặc dù Seoul đã chỉ ra rằng Mỹ đạt thặng dư trong lĩnh vực thương mại dịch vụ với Hàn Quốc.

Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Trung Quốc) của Hàn Quốc. Kim ngạch thương mại song phương Hàn - Mỹ đã tăng từ 100,8 tỷ USD năm 2011 lên 119,3 tỷ USD năm 2017. Thặng dư thương mại của Hàn Quốc với Mỹ đã giảm từ mức 25,8 tỷ USD năm 2015 xuống còn 17,8 tỷ USD vào năm ngoái. Giới chức Seoul đánh giá FTA song phương có lợi cho cả hai bên.

Mỹ thâm hụt về thương mại hàng hóa, nhưng lại thặng dư về thương mại dịch vụ với Hàn Quốc tới 10 tỷ USD. Từ khi FTA có hiệu lực, đầu tư của Hàn Quốc vào Mỹ đã tăng từ 2,2 tỷ USD lên 5,8 tỷ USD và tạo ra 45.000 việc làm.

Cuối tháng 3/2018, sau nhiều vòng đàm phán về sửa đổi FTA Mỹ-Hàn, Seoul đã chấp nhận mở cửa hơn nữa thị trường ô tô của nước này cho các nhà sản xuất ô tô Mỹ để đổi lại được Washington miễn áp mức thuế nhập khẩu mới đối với thép của nước này.

Cụ thể, Hàn Quốc chấp nhận hạn ngạch xuất khẩu thép sang Mỹ xuống còn 2,68 triệu tấn/năm, chỉ bằng 70% mức trung bình xuất khẩu sang Mỹ trong 3 năm qua. Để đổi lại, Hàn Quốc sẽ được miễn áp thuế đối với thép của nước này xuất khẩu sang Mỹ.

Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn sẽ phải chịu mức thuế 10% đối với nhôm xuất khẩu sang Mỹ. Thỏa thuận cũng tạo điều kiện để các công ty dược phẩm của Mỹ hưởng lợi về giá đối với một số loại thuốc bán tại thị trường Hàn Quốc.

Trong một phát biểu, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Kim Hyun-chong cho biết thỏa thuận về miễn áp thuế đối với thép và FTA Mỹ-Hàn đã giải quyết những khó khăn trong bối cảnh bất ổn gia tăng trên thị trường toàn cầu do các hành động thương mại của Mỹ. 

Bên cạnh đó, chính quyền Donald Trump còn gây sức ép với Hàn Quốc và yêu cầu đàm phán sửa đổi thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự giữa hai nước để duy trì sự hiện diện của 28.500 binh sĩ Mỹ đồn trú tại quốc gia Đông Bắc Á này.

Hàn Quốc đã chia sẻ với Mỹ chi phí duy trì Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) kể từ năm 1991 theo Thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt (SMA). Thỏa thuận này, được hai bên ký kết vào năm 2014 và sẽ hết hạn vào năm 2018, quy định mức đóng góp của Hàn Quốc sẽ tăng lên mức 960 tỷ won (887,5 triệu USD) trong năm nay, tăng mạnh so với con số 150 tỷ won vào năm 1991. Hiện Mỹ tiếp tục đề nghị Seoul tăng phần đóng góp của mình.

Thế kẹt giữa đồng minh và láng giềng

Trong quan hệ với Trung Quốc, ngay từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Moon Jae-in đã chủ trương cải thiện quan hệ với quốc gia láng giềng này trong đó chú trọng sớm gỡ bỏ các biện pháp “trả đũa” của Bắc Kinh trên cả phương diện ngoại giao và kinh tế đối với Hàn Quốc liên quan đến Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Quan hệ giữa hai nước vốn đã bị rạn nứt kể từ tháng 7/2016, do Hàn Quốc đồng ý cho triển khai THAAD của Mỹ, khiến Trung Quốc phản ứng gay gắt. 

Tuy nhiên, thông qua chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Moon Jae-in vào tháng 12/2017, nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc đã đạt được mục tiêu mà cả hai bên đều trông đợi, đó là hàn gắn mối quan hệ song phương, thúc đẩy tự do thương mại ở châu Á-Thái Bình Dương, ủng hộ sớm ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…

Xét trên mối quan hệ thương mại chặt chẽ giữa Hàn Quốc và hai đối tác thương mại lớn nhất của nước này, xuất khẩu của “xứ sở nhân sâm” sẽ giảm 6,4% nếu một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang.

Viện Thương mại Quốc tế, một bộ phận nghiên cứu thuộc Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, ước tính kim ngạch xuất khẩu của nước này sẽ giảm 36,7 tỷ USD trong năm nay, nếu Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) tăng thuế thêm 10%.

Nhà nghiên cứu cấp cao Moon Byung-ki nhận định các nhà xuất khẩu Hàn Quốc, nhất là những công ty phụ thuộc nhiều vào G2 (Mỹ và Trung Quốc), sẽ thiệt hại nặng nề bởi xung đột thương mại giữa hai nước, một khi Mỹ áp đặt thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc và Bắc Kinh áp dụng các biện pháp trả đũa ngược lại.

Tuy nhiên, trong trường hợp Mỹ và Trung Quốc thỏa hiệp và nhất trí thúc đẩy nhập khẩu các sản phẩm bán dẫn của Mỹ, xuất khẩu chip của Hàn Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng. “Xứ sở kim chi” là nơi đặt trụ sở của hai nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới là Samsung Electronics và SK Hynix.

Ông Moon Byung-ki cho hay xuất khẩu sản phẩm bán dẫn của Hàn Quốc sang Trung Quốc dự kiến sẽ giảm 4 tỷ USD, tương đương 0,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm, nếu Trung Quốc mở rộng nhập khẩu chip của Mỹ. Trong năm ngoái, Hàn Quốc xuất khẩu 65,5 tỷ USD giá trị chất bán dẫn sang Trung Quốc, chiếm 25,3% thị phần, trong khi đó, con số này của Mỹ đạt 10,5 tỷ USD - chiếm 4%.

Mới đây, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Kim Hyun-chong cho biết, với việc triển khai một chính sách thương mại mới, Hàn Quốc sẽ giảm sự lệ thuộc về thương mại vào Trung Quốc và Mỹ, hướng tới các nền kinh tế mới nổi để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.

Theo ông Kim Hyun-chong, Hàn Quốc cần phải chủ động thích ứng với môi trường thương mại đang thay đổi sau những biện pháp bảo hộ ở Mỹ và các rủi ro địa kinh tế ở Trung Quốc. Quan chức thương mại Hàn Quốc nhấn mạnh Seoul sẽ mở rộng hoạt động sang các nền kinh tế đang nổi lên và chuyển trọng tâm từ lĩnh vực chế tạo sang mảng dịch vụ và các ngành mới.

Bộ Thương mại Hàn Quốc có kế hoạch xây dựng các mối quan hệ kinh tế gần gũi hơn với các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ bằng cách đẩy nhanh các cuộc đàm phán ký kết RCEP. Bộ cũng cam kết tăng cường hợp tác kinh tế với Nga và các nước láng giềng của Nga thông qua các dự án chung trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải và công nghiệp đóng tàu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục