Thế khó của Ấn Độ trong vấn đề Huawei

06:30' - 19/08/2019
BNEWS New Delhi dự kiến sẽ tổ chức thử nghiệm mạng lưới 5G thế hệ tiếp theo trong vài tháng tới, nhưng vẫn chưa quyết định có mời Huawei tham gia hay không.
Thế khó của Ấn Độ trong vấn đề Huawei. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho hay Trung Quốc đã đề nghị Ấn Độ không ngăn chặn tập đoàn công nghệ Huawei Technologies triển khai hoạt động tại quốc gia Nam Á này, đồng thời cảnh báo về những hậu quả tiềm tàng đối với các công ty Ấn Độ làm ăn tại Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ Shankar Prasad, New Delhi dự kiến sẽ tổ chức thử nghiệm mạng lưới 5G thế hệ tiếp theo trong vài tháng tới, nhưng vẫn chưa quyết định có mời hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới của Trung Quốc tham gia hay không. 

Huawei hiện là trung tâm trong cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đưa tập đoàn này vào danh sách đen hồi tháng Năm vừa qua, viện dẫn những quan ngại về an ninh quốc gia. Washington đồng thời yêu cầu các đồng minh và đối tác, trong đó có Ấn Độ không sử dụng thiết bị của Huawei với lý do có thể bị Trung Quốc lợi dụng để triển khai hoạt động gián điệp.

Hai nguồn thạo tin ở New Delhi tiết lộ Đại sứ Ấn Độ tại Bắc Kinh, Vikram Misri đã được Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu đến hôm 10/7 để trao đổi về những quan ngại liên quan đến chiến dịch của Mỹ nhằm cô lập Huawei với mạng lưới cơ sở hạ tầng di động 5G toàn cầu. Tại cuộc gặp, các quan chức Trung Quốc tuyên bố có thể sẽ có những lệnh trừng phạt bất lợi cho các công ty Ấn Độ làm ăn kinh doanh tại Trung Quốc, nếu New Delhi ngăn chặn Huawei vì sức ép từ Washington. 

Trả lời câu hỏi của Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay Huawei đã hoạt động tại Ấn Độ trong thời gian dài và đóng góp vào sự phát triển của kinh tế và xã hội Ấn Độ. Do đó, Bắc Kinh hy vọng Ấn Độ sẽ đưa ra quyết định độc lập và khách quan về các bên đấu thầu xây dựng mạng 5G, tạo môi trường thương mại công bằng, bình đẳng và không phân biệt đối xử cho các hoạt động và đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc.

Trong khi đó, sự hiện diện của các công ty Ấn Độ tại Trung Quốc nhỏ hơn nhiều so với những nền kinh tế lớn khác. Tuy nhiên, một số hãng như Infosys, TCS, Dr Reddy’s Laboratories Reliance Industries và Mahindra & Mahindra đã tạo dấu ấn sâu đậm trong lĩnh vực sản xuất, y tế, dịch vụ tài chính và thuê ngoài ở Trung Quốc. 

Một cuộc tranh cãi tiềm tàng liên quan đến Huawei có thể sẽ làm dấy lên căng thẳng trong mối quan hệ lớn hơn giữa Ấn Độ và Trung Quốc, đúng vào thời điểm hai bên đang triển khai các nỗ lực cấp cao để đảm bảo không làm leo thang các tranh chấp lãnh thổ lâu đời. Vào tháng Mười tới, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thành phố Varanasi ở miền Bắc Ấn Độ. Tại đây, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ đề cập đến các vấn đề thương mại, trong đó có mức thâm hụt lên đến 53 tỷ USD trong tài khóa 2018-2019 vốn gây quan ngại sâu sắc cho Ấn Độ. 

Tổ chức cánh hữu RSS chủ chốt trong liên minh cầm quyền của ông Modi, vốn từ lâu đã ngờ vực Trung Quốc và kêu gọi đảm bảo khả năng tự cung ứng về kinh tế, đã tăng cường chỉ trích Huawei. Trong thư gửi Thủ tướng Modi tuần trước, Trưởng ban Kinh tế của RSS Ashwani Mahajan đã bày tỏ những quan ngại về hoạt động của Huawei tại Ấn Độ. Ông này cho rằng là một quốc gia, Ấn Độ chưa hẳn đã phụ thuộc vào Huawei. Trên thế giới, các công ty Trung Quốc, kể cả Huawei, đang bị cáo buộc bỏ giá thầu thấp cho các dự án và tiến hành các hoạt động theo dõi và chi phối thông qua hệ thống của mình.

Theo ông Prasad, nhà chức trách Ấn Độ đã nhận được 6 đề xuất triển khai công nghệ 5G, trong đó có Huawei. Ông không tiết lộ những cái tên khác, nhưng dự kiến các công ty như Ericsson của Thụy Điển, Nokia của Phần Lan và Samsung Electronics của Hàn Quốc sẽ tham gia đấu thầu. 

Hiện một Ủy ban cao cấp gồm các quan chức, do Cố vấn khoa học cho Chính phủ Ấn Độ, Tiến sĩ K Vijay Raghavan dẫn đầu và bao gồm đại diện từ các cơ quan viễn thông, công nghệ thông tin và tình báo đang xem xét khả năng cho phép Huawei đấu thầu triển khai mạng 5G. 

Theo một quan chức, Ủy ban này không tìm thấy bằng chứng cho thấy Huawei đã sử dụng các chương trình "cửa hậu" hay phần mềm độc hại để thu thập dữ liệu qua các hoạt động hiện hành của hãng này ở Ấn Độ. Trong khi đó, Bộ Nội vụ Ấn Độ - vốn phụ trách vấn đề an ninh cơ sở hạ tầng, cũng chưa ra chỉ thị nào nhằm ngăn chặn Huawei. Quan chức trên nói: "Chúng ta không thể từ chối họ chỉ bởi vì họ là người Trung Quốc". 

Ông V.Kamakoti, một chuyên gia về công nghệ tại Ban cố vấn an ninh quốc gia (NSAB) của Chính phủ Ấn Độ từng đề xuất phương án không sử dụng đồng thời phần cứng và phần mềm của Huawei để phục vụ mạng lưới 5G. Theo ông, Chính phủ cần yêu cầu các nhà mạng triển khai dịch vụ 5G sử dụng phần mềm của Ấn Độ để chạy các thiết bị do những nhà sản xuất như Huawei cung cấp./.

                                                                               

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục