Thế khó của ngành sản xuất thịt Mỹ

16:12' - 14/05/2020
BNEWS Theo giới quan sát, việc xuất khẩu thịt của Mỹ tăng mạnh ngay cả khi ngành công nghiệp này đang phải chật vật đáp ứng nhu cầu trong nước đang làm dấy lên lo ngại về nguồn cung thịt nội địa của Mỹ.
Song giới chuyên gia và các quan chức trong ngành công nghiệp này cho rằng tình hình chưa tồi tệ tới mức đó.
Liên đoàn các nhà xuất khẩu thịt của Mỹ (USMEF) cho biết trong ba tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thịt lợn và thịt bò của nước này đã tăng lần lượt 40% và 9%. Xuất khẩu thịt gà cũng tăng 8% trong cùng giai đoạn.
Số liệu tổng hợp của tháng trước chưa được công bố. Nhưng số liệu về tuần cuối cùng của tháng 4/2020 từ Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy xuất khẩu thịt lợn của nước này đã tăng 40% khi các chuyến hàng đến Trung Quốc và Nhật Bản gia tăng, trong khi xuất khẩu sang Mexico (Mê-hi-cô) và Canada (Ca-na-đa) vẫn khá mạnh.
Nhu cầu nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc tăng trong suốt năm 2019 vì đàn lợn của nước này đã suy giảm nghiêm trọng do dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã cam kết mua 40 tỷ USD hàng nông sản từ Mỹ mỗi năm theo Thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 mới được ký kết vào tháng 1/2020.
Trung Quốc cũng trở thành thị trường nhập khẩu sản phẩm gia cầm từ Mỹ lớn thứ tư trong quý I năm nay, sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh cấm kéo dài 5 năm đối với các sản phẩm loại này. Một hiệp định thương mại giữa với Nhật Bản và Hiệp định Thương mại tự do Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) cũng giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thịt của “Xứ cờ hoa”.
Theo ông Chad Hart, một nhà kinh tế nông nghiệp tại Đại học bang Iowa, một phần lý do tại sao xuất khẩu thịt tiếp tục tăng mạnh trong mùa Xuân này là vì phần lớn các nhà nhập khẩu đặt hàng trước đó sáu tháng, cách thời điểm dịch viêm đường hô hấp COVID-19 bùng phát ở Mỹ khá xa.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng lưu ý rằng các sản phẩm thịt xuất khẩu sang Trung Quốc và các thị trường châu Á như chân giò, mũi lợn hay nội tạng đều không được ưa chuộng ở thị trường Mỹ.
Ông Mike Naig, người phụ trách lĩnh vực nông nghiệp của bang Iowa, bày tỏ rằng việc hạn chế xuất khẩu thịt là không hợp lý. Bởi lẽ rất nhiều phần thịt bán ra quốc tế không tìm được nguồn tiêu thụ đủ mạnh ở trong nước. Trong khi đó, những phần thịt được ưa chuộng nhất tại Mỹ, bao gồm thịt ba chỉ và thịt sườn, đa số vẫn được giữ lại cho thị trường nội địa.
Ông Naig cho rằng các công ty sản xuất thịt vẫn nên ưu tiên nhu cầu nội địa trước, rồi sau đó được tự do bán những phần thịt mà người tiêu dùng Mỹ không muốn dùng.
Ngành công nghiệp sản xuất thịt của Mỹ đang phải đối phó với một loạt thách thức do dịch COVID-19 gây ra. Một số nhà máy lớn đã phải đóng cửa tạm thời do dịch bệnh, khiến các nhà máy đóng gói thịt và cửa hàng bán lẻ, các chuỗi siêu thị phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng khan hiếm hàng hóa.
Khi tình hình dịch bệnh đã phần nào dịu xuống, hai nhà sản xuất thịt lớn là Tyson và Smithfield đang bắt đầu mở lại các nhà máy chế biến thịt lợn khổng lồ vốn phải tạm thời đóng cửa ở bang Iowa và South Dakota.
Theo chuyên gia David Herring thuộc Hội đồng các nhà sản xuất thịt lợn quốc gia, điều này sẽ giúp ngành công nghiệp đáp ứng kịp nhu cầu ngay cả khi một số nhà máy không hoạt động hết công suất.
Các quan chức trong ngành sản xuất thịt cho rằng nếu các công ty đảm bảo được sự an toàn về sức khỏe cho công nhân và các nhà máy hoạt động trở lại, sẽ có thêm nhiều nguồn cung để đáp ứng được cả thị trường trong và ngoài nước
Nhà kinh tế nông nghiệp của bang Kansas, ông Glynn Tonsor nhận định ngành công nghiệp sản xuất thịt tại Mỹ sẽ vượt qua những lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong vài tuần tới.
Ông Herring cũng cho rằng rất khó xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt nghiêm trọng. Chỉ cần các nhà máy có thể hoạt động trở lại và không cần đạt 100% công suất mà chỉ 80% hoặc 90%, nguồn cung cho thị trường nội địa sẽ vẫn ổn định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục