Thế nào là đường sắt tốc độ cao?

11:03' - 30/11/2023
BNEWS Theo khoản 10 Điều 3 Luật Đường sắt 2017, đường sắt tốc độ cao là một loại hình của đường sắt quốc gia có tốc độ thiết kế từ 200 km/h trở lên, có khổ đường 1.435 mm, đường đôi, điện khí hóa.

Dự thảo Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc -Nam vừa được Bộ Giao thông Vận tải trình Thường trực Chính phủ.

 

 

Đường sắt tốc độ cao là gì?

 

Căn cứ Điều 3 Luật Đường sắt 2017 định nghĩa về đường sắt tốc độ cao như sau:

Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

...

5. Công lệnh tốc độ là quy định về tốc độ tối đa cho phép phương tiện giao thông đường sắt chạy trên từng cầu, đoạn, khu gian, khu đoạn, tuyến đường sắt.

6. Công trình đường sắt là công trình xây dựng phục vụ giao thông vận tải đường sắt, bao gồm đường, cầu, cống, hầm, kè, tường chắn, ga, đề-pô, hệ thống thoát nước, hệ thống thông tin, tín hiệu, hệ thống báo hiệu cố định, hệ thống cấp điện và các công trình, thiết bị phụ trợ khác của đường sắt.

7. Công trình công nghiệp đường sắt là công trình được xây dựng để phục vụ cho các hoạt động sản xuất, lắp ráp, sửa chữa, hoán cải phương tiện giao thông đường sắt; sản xuất phụ kiện, phụ tùng, vật tư, thiết bị chuyên dùng cho đường sắt.

8. Đề-pô là nơi tập kết tàu để bảo dưỡng, sửa chữa, thực hiện các tác nghiệp kỹ thuật khác.

9. Đường ngang là đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng và khai thác.

10. Đường sắt tốc độ cao là một loại hình của đường sắt quốc gia có tốc độ thiết kế từ 200 km/h trở lên, có khổ đường 1.435 mm, đường đôi, điện khí hóa.

11. Ga đường sắt là nơi để phương tiện giao thông đường sắt dừng, tránh, vượt, đón, trả khách, xếp, dỡ hàng hoá, thực hiện tác nghiệp kỹ thuật và các dịch vụ khác.

12. Hàng siêu trọng là hàng không thể tháo rời, có khối lượng vượt quá tải trọng cho phép của toa xe hoặc khi xếp lên toa xe có tổng khối lượng hàng hóa và toa xe vượt quá tải trọng quy định của công lệnh tải trọng đã được công bố.

Theo quy định trên thì đường sắt tốc độ cao là một loại hình của đường sắt quốc gia có tốc độ thiết kế từ 200 km/h trở lên, có khổ đường 1.435 mm, đường đôi, điện khí hóa.

Đường sắt tốc độ cao phải đáp ứng được các yêu cầu nào theo quy định hiện nay?

 

Căn cứ Điều 78 Luật Đường sắt 2017 thì đường sắt tốc độ cao phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

(1) Kết nối hiệu quả các đô thị lớn, trung tâm kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm và phương thức vận tải khác.

(2) Bảo đảm đồng bộ, hiện đại, an toàn, phòng, chống thiên tai và bảo vệ môi trường.

(3) Phải được nghiên cứu tổng thể toàn tuyến và tổ chức xây dựng theo nhu cầu vận tải, khả năng huy động vốn.

(4) Công trình và phương tiện, thiết bị đường sắt tốc độ cao phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật bảo đảm đồng bộ, an toàn, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn.

(5) Phải duy trì hệ thống quản lý đủ khả năng kiểm tra và giám sát khai thác chạy tàu an toàn.

(6) Đất dành cho đường sắt tốc độ cao theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải được cắm mốc giới theo quy hoạch xây dựng để quản lý, chuẩn bị đầu tư xây dựng.

(7) Hành lang an toàn của đường sắt tốc độ cao phải được bảo vệ nghiêm ngặt, tránh mọi hành vi xâm nhập trái phép.

(8) Phải bảo đảm thuận tiện cho hành khách và bảo đảm tiếp cận sử dụng cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật.

(9) Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ phù hợp với kế hoạch xây dựng và đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành, khai thác.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam tập trung vào 3 kịch bản chính:

Dự thảo Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc -Nam vừa được Bộ Giao thông Vận tải trình Thường trực Chính phủ. Theo tìm hiểu của phóng viên TTXVN, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam tập trung vào 3 kịch bản chính:

Kịch bản 1, đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 17 tấn/trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư kịch bản này khoảng 67,32 tỷ USD.

Kịch bản này có ưu điểm chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư thấp hơn hai phương án khác, nhưng không có khả năng tăng công suất nếu nhu cầu vận tải hàng hóa trên tuyến đường sắt hiện hữu quá tải.

Kịch bản 2, xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ thiết kế 200 - 250 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác chung tàu khách và hàng. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD.

Ưu điểm của kịch bản này là vận chuyển cả hành khách và hàng hóa trên cùng tuyến. Kết nối liên vận quốc tế thuận lợi, song tốc độ lưu thông thấp.

Kịch bản 3, đầu tư tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tuyến đường sắt hiện hữu nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỷ USD.

Kịch bản này nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.

Ưu điểm của kịch bản 3 là tàu vận tải riêng hành khách nên tốc độ cao, tiện nghi, an toàn, có khả năng cạnh tranh với phương tiện khác. Tuy nhiên, nhược điểm là chi phí đầu tư cao, chênh lệch tốc độ giữa tàu khách với tàu hàng càng lớn làm giảm năng lực thông qua.

Đáng chú ý, trong dự thảo Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất lựa chọn kịch bản 3 để thực hiện đầu tư.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục