Thêm BMW và Stellantis lên tiếng khuyến cáo về tình trạng thiếu chip

19:31' - 03/08/2021
BNEWS Các công ty cảnh báo giai đoạn thiếu hụt này còn có thể kéo dài hơn nữa, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành.

BMW (Đức) và Stellantis (Hà Lan) ngày 3/8 đã trở thành hai cái tên mới nhất trong danh sách các nhà sản xuất ô tô lớn lên tiếng cảnh báo rằng tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu đang ảnh hưởng nặng nề tới ngành công nghiệp trong năm nay sẽ lan sang cả năm 2021.
Thậm chí, các công ty cảnh báo giai đoạn thiếu hụt này còn có thể kéo dài hơn nữa, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành.
Giám đốc Tài chính của Stellantis, ông Richard Palmer cho biết nhà sản xuất ô tô lớn thứ tư của thế giới không tin rằng nguồn cung chip sẽ cải thiện trước quý IV/2021. Stellantis dự kiến mức sụt giảm sản lượng ô tô do thiếu chip của công ty vào khoảng 1,4 triệu xe trong năm 2021.
BMW, vốn chịu ít tác động từ tình trạng thiếu chip hơn so với một số nhà sản xuất khác nhờ quan hệ khăng khít với các nhà cung cấp, cũng cảnh báo rằng nửa sau năm 2021 sẽ trở nên khó khăn hơn. BMW nhận định các hạn chế sản xuất sẽ tiếp tục kéo dài trong nửa cuối năm, qua đó tác động đến doanh số bán hàng của họ.
Các nhà sản xuất ô tô khác, từ Tesla đến Ford Motor Co đều đã cảnh báo rằng trong tương lai gần, thiếu chip là yếu tố chính ngăn cản đà phục hồi của ngành ô tô.
Nhà sản xuất chip Infineon (Đức) ngày 3/8 cũng đưa ra một "bức tranh ảm đạm" khi cho hay họ đang đối mặt với tình trạng thắt chặt tại các thị trường chính. Làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới nhất đang làm gián đoạn hoạt động sản xuất ở châu Á, trong khi lượng chip dự trữ của công ty đã rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Giám đốc điều hành của Infineon, ông Reinhard Ploss cho hay đà phục hồi của các thị trường ô tô toàn cầu tiếp tục bị cản trở bởi những hạn chế nguồn cung trong toàn bộ chuỗi giá trị.

Ông Ploss cho rằng sẽ mất rất nhiều thời gian để quan hệ cung – cầu trên thị trường trở lại trạng thái cân bằng như trước. Theo dự đoán của ông Ploss, phải tới năm 2022 tình hình mới bình thường trở lại.
Trong báo cáo công bố cùng ngày, Viện nghiên cứu kinh tế Ifo (Đức) cho biết ngành công nghiệp ô tô Đức và các nhà cung cấp liên quan đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt chip tồi tệ nhất trong 30 năm qua. Một cuộc thăm dò cho thấy 83% công ty Đức đang bị ảnh hưởng, tăng khá nhiều so với con số 65% ghi nhận hồi tháng Tư.
Các mẫu ô tô hiện nay đã trở nên ngày càng phụ thuộc vào chip cho mọi tính năng, từ quản lý động cơ để tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn đến hỗ trợ việc lái xe như phanh khẩn cấp.

Song các nhà sản xuất ô tô, vốn phải đóng cửa các nhà máy vào năm ngoái để đối phó với dịch COVID-19, đang rất chật vật đảm bảo nguồn cung chip trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng phát triển bùng nổ nhờ đại dịch.

Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi chuỗi cung ứng chip đã chịu nhiều gián đoạn vì các lệnh hạn chế đi lại và siết chặt kiểm soát trong giai đoạn dịch bệnh./.

>>Chip vi mạch - Yếu tố đang “hãm phanh” đà phục hồi kinh tế toàn cầu


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục