Thêm ngân hàng lên kế hoạch lợi nhuận tỷ USD, nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém

17:16' - 06/04/2023
BNEWS Năm 2023, Ngân hàng TMCP Quân đội đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 14% so với năm 2022 lên mức 930.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng 20% lên 54.363 tỷ đồng.

Dự kiến trong đại hội cổ đông thường niên vào ngày 25/4 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán: MBB) sẽ trình cổ đông thông qua các chỉ tiêu kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận vượt 1 tỷ USD và kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại.

 
Theo đó, năm 2023, MB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 14% so với năm 2022 lên mức 930.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng 20% lên 54.363 tỷ đồng. Huy động vốn ước đạt 591.000 tỷ đồng và phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn. Tín dụng dự kiến tăng trưởng ở mức 15% theo hạn mức của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu không quá 2%. Lợi nhuận trước thuế tăng 15% đạt 26.100 tỷ đồng.

Nếu hoàn thành kế hoạch trên, MB sẽ lần đầu tiên ghi nhận mức lợi nhuận vượt 1 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay của ngân hàng.

Ngoài ra, MB cũng dự kiến trình cổ đông việc tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ thêm 1.542 tỷ đồng, gồm chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP).

Về kế hoạch chi trả cổ tức năm 2022 tỷ lệ dự kiến 15% đã được đại hội thường niên 2022 thông qua, Hội đồng quản trị MB đề xuất mức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 16,5% để tăng vốn điều lệ, và phương án trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 3,5% trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích cổ đông, đảm bảo năng lực vốn dài hạn và duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) của MB trên 10%, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh doanh của tập đoàn.

Song song với các chỉ tiêu kinh doanh, kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại của MB cũng gây được nhiều sự chú ý.

Trong phần định hướng hoạt động năm 2023 của tài liệu nêu rõ MB sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ chính trị quan trọng là tham gia phương án nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng là một Ngân hàng Thương mại theo các nội dung đã được đại hội đồng cổ đông thông qua và các giao dịch hợp tác, hỗ trợ với ngân hàng thương mại đó để chuẩn bị cho việc MB nhận chuyển giao bắt buộc, đồng thời có thể nắm bắt cơ hội tiếp tục tăng trưởng quy mô và mạng lưới hoạt động của Tập đoàn.

Ban lãnh đạo ngân hàng đánh giá, với nguồn lực và kinh nghiệm triển khai thành công một số phương án tái cơ cấu, MB kỳ vọng sẽ thực hiện thành công phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng, tận dụng hiệu quả các lợi thế hỗ trợ để tăng tốc phát triển, góp phần sớm hoàn thành các mục tiêu chiến lược.

Dù vậy danh tính cụ thể của tổ chức tín dụng mà MB nhận chuyển giao bắt buộc vẫn chưa được công bố chính thức.

Trước đó, MB và Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) từng có nhiều mối liên quan dẫn đến thông tin cho rằng OceanBank chính là tổ chức tín dụng được đề cập đến trong kế hoạch sáp nhập này.

Cụ thể, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022 của OceanBank, ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc MB và ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban Điều hành, Giám đốc khối CIB của MB đều tham dự.

Tới tháng 5/2022, OceanBank và MB đã ký kết thỏa thuận nguyên tắc về hợp tác toàn diện giữa hai ngân hàng. Tại thời điểm đó, việc ký kế được xem là bước đệm chuẩn bị cho đề án tái cơ cấu OceanBank chính thức được chấp nhận.

Gần nhất là tháng 2/2023, OceanBank cùng Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MB (MB Ageas Life), Tổng công ty CP Bảo hiểm Quân đội (MIC) tổ chức buổi lễ kick-off chương trình hợp tác kinh doanh bảo hiểm đợt 2 và tiến tới triển khai hoạt động này trên toàn hệ thống OceanBank trong năm 2023.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) từng được giao quản trị OceanBank.

Cổ phiếu MBB kết phiên giao dịch chiều 6/4 giảm 1,6% xuống còn 18.500 đồng/cổ phiếu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục