Thêm "sân chơi" cho sản phẩm OCOP tại Bình Phước

12:36' - 20/02/2024
BNEWS Cửa hàng S’tiêng Farm tại thành phố Đồng Xoài (Bình Phước) đang giới thiệu, phân phối sản phẩm tiêu biểu thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đặc sản vùng miền được nhiều người quan tâm.

Đầu năm 2024, Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú của Bình Phước đã đưa cửa hàng S’Tiêng Farm đi vào hoạt động tại trung tâm thành phố Đồng Xoài. Cửa hàng đã thu hút, quy tụ hơn 300 mặt hàng OCOP các loại của 100 đối tác đến từ địa phương trong và ngoài tỉnh tham gia.

 

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú Bình Phước Nguyễn Viết Vị là người mạnh dạn đứng ra vận động thành lập các cửa hàng chuyên bán các sản phẩm OCOP. Mục đích của cửa hàng S’Tiêng Farm là tạo sân chơi cho các chủ thể là nông dân, sau đó từng bước đưa các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của từng địa phương đến gần hơn người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Viết Vị cho biết, cửa hàng S’Tiêng Farm hội tụ tất cả những sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bình Phước và các sản phẩm đối tác ngoài tỉnh tham gia. Tại đây, ngoài hình thức hàng bán trực tiếp tại cửa hàng, hầu hết các sản phẩm đều có mã QR để truy xuất nguồn gốc và bán qua trang điện tử. Mã QR là nền tảng để S’Tiêng Farm tổ chức phiên chợ nông sản online qua hình thức tương tác phát sóng trực tiếp. Cửa hàng còn áp dụng hoàn toàn phương pháp quản lý bán hàng bằng phần mềm, giúp quản lý nội bộ từ việc nhập - xuất kho đến bán hàng, hạn chế việc thất thoát cũng như sai lệch trong quản lý hàng hóa.

“Hiện nay, cửa hàng chúng tôi đã tận dụng kênh tiếp thị điện tử, marketing, bán hàng online trên nền tảng các trang web, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, thanh toán điện tử… Qua đó, trong thời gian vừa qua, nhờ ứng dụng công nghệ số vào bán hàng, người dân đã tiếp cận áp dụng để thực hiện mua hàng trực tuyến mà không cần dùng tiền mặt, vừa nhanh vừa giảm chi phí người mua sản phẩm”, ông Nguyễn Viết Vị chia sẻ thêm.

Hơn 1 tháng qua, qua phương thức “vận hành” bán hàng tại cửa hàng S’Tiêng Farm đã và đang mang lại hiệu quả phù hợp với thời đại chuyển đổi số hiện nay. Ngoài ra, cửa hàng S’Tiêng Farm còn được người tiêu dùng rất quan tâm tới các thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ưa chuộng những mặt hàng sạch, tốt cho sức khoẻ, mẫu mã phong phú đa dạng.

Khách hàng Vũ Ba Trung ở phường Tân Đồng (thành phố Đồng Xoài) chia sẻ, từ khi cửa hàng S’Tiêng Farm đi vào hoạt động, gia đình anh đã đến cửa hàng để tham quan và mua hàng. Tại cửa hàng rất nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đều có chứng nhận OCOP từ 3 đến 5 sao. Những sản phẩm ở đây rất gần gũi và hầu hết được người dân sản xuất trên địa phương của tỉnh. Những sản phẩm đều có chứng nhận OCOP nên gia đình anh mua và sử dụng rất yên tâm.

Còn theo anh Nguyễn Hoài Nam ở phường Tiến Thành (người dân thành phố Đồng Xoài), sau khi biết có cửa hàng bán hàng S’Tiêng Farm, gia đình đã thường xuyên đặt hàng qua mạng và thanh toán điện tử dễ dàng. Những mã QR truy xuất nguồn gốc đã giúp người mua hàng dễ dàng có thông tin của sản phẩm chính xác. Việc đặt mua hàng qua trang mạng điện tử qua cửa hàng được các nhân viên vận chuyển kịp thời và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh, hiệu ứng từ cửa hàng S’Tiêng Farm đang mang lại thương hiệu nhiều sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, còn có cửa hàng thực phẩm sạch mang tên Cyber Farm tại thị xã Bình Long đã được được ra mắt vào đầu tháng 2/2024. Cửa hàng đã thổi “luồng gió mới” cho ngành nông nghiệp tại địa phương. Cửa hàng với nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bình Phước đã và đang mang lại cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn những sản phẩm chất lượng tốt nhất, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Giám đốc Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Phước Nguyễn Thanh Phương cho biết, sự ra đời của các cửa hàng nhằm nâng cao hiệu quả trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghệ số giúp các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh từng bước phát triển mạnh. Ðây là điều kiện quan trọng giúp nông nghiệp truyền thống dần chuyển đổi sang hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh; đồng thời góp phần triển khai thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Sự ra đời của cửa hàng S’Tiêng Farm hay Cyber Farm là sự hội tụ các sản vật nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Những sản phẩm OCOP của địa phương và các đối tác ngoài tỉnh giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn phong phú từ việc mua hàng trực tiếp hoặc trực tuyến qua mạng xã hội.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục