Thêm tín hiệu mới cho doanh nghiệp lúa gạo

08:26' - 11/01/2024
BNEWS Thị trường số 1 của gạo Việt Nam là Philippines chiếm khoảng 35% thị phần gạo xuất khẩu, tiếp đến là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi.

Mặt bằng giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức cao, trong khi các quốc gia nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam đều có nhu cầu tăng lượng nhập khẩu. Điều này được giới phân tích dự báo giúp doanh nghiệp ngành lúa gạo có thêm nhiều đơn hàng mới, là tín hiệu tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2024.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 là năm khá thành công trong xuất khẩu gạo của Việt Nam khi cả khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo đã đạt kỷ lục lần lượt là gần 8,3 triệu tấn và 4,78 tỷ USD. 

Một thương nhân có trụ sở tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết: “Nguồn cung vẫn ở mức thấp và chúng tôi dự đoán nhu cầu đối với gạo Việt Nam sẽ mạnh trong năm nay, đặc biệt là từ Philippines và Trung Quốc.”

Thị trường số 1 của gạo Việt Nam là Philippines chiếm khoảng 35% thị phần gạo xuất khẩu, tiếp đến là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi.

Phó Cục trưởng Lê Thanh Hòa, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho hay, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Do lượng tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn, đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Dự báo tình hình thị trường cuối năm và nửa đầu năm 2024 tiếp tục thuận lợi.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) cũng đưa ra dự báo tích cực đối với tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung không tăng nhưng nhu cầu thế giới tiếp tục tăng. Cùng với đó, tác động tiêu cực của hiện tượng El Nino đến hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ thúc đẩy các quốc gia tăng cường nhập khẩu lương thực trong thời gian tới.

Với những yếu tố trên, giới phân tích nhận định, tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp trong nước là nhiều khả năng có thêm đơn hàng xuất khẩu mới. Tuy vậy, các doanh nghiệp này có thể vẫn phải đứng trước thách thức lớn về chi phí tài chính. Do với các hợp đồng xuất khẩu gạo có giá trị lớn, việc doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn chủ yếu là vốn vay ngân hàng khiến chi phí lãi vay ở mức cao.

Song song đó, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp gạo, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu gạo còn chịu rủi ro từ việc giá thu mua lúa từ nông dân tăng trong khi giá ký các hợp đồng xuất khẩu đã được thoả thuận trước đó.

Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết: Giá lúa của nông dân bán ra cũng tăng mạnh theo đà tăng của giá gạo xuất khẩu khiến chi phí sản xuất, giá thành tăng cao.

Đối với doanh nghiệp này, trong quý III nhờ thị trường gạo gặp thuận lợi, doanh thu thuần đạt hơn 960 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đã giúp Trung An lãi sau thuế 12,3 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ. Tính đến hết tháng 9, Trung An đem về gần 3.500 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 57% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do chi phí tài chính tăng lên mức 95 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay nên lãi sau thuế chỉ còn chưa đầy 13 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng năm trước.

Hay như Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời công bố kết quả kinh doanh quý III với doanh thu thuần đạt khoảng 4.460 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá vốn tăng mạnh gần gấp đôi so cùng kỳ nên kéo lãi gộp giảm 69% còn hơn 150 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí tài chính tăng mạnh đến 144% lên gần 270 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí lãi vay và khoản lỗ do tỷ giá hối đoái. Kết quả, Lộc Trời lỗ ròng 327 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 64 tỷ đồng trong quý III.

Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) với doanh thu thuần quý III đạt hơn 7.300 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức doanh thu trong quý cao nhất mà Vinafood 2 ghi nhận kể từ khi cổ phần hóa vào năm 2018. Trừ đi giá vốn, lãi gộp đạt hơn 629 tỷ đồng, tăng 78%. Tuy nhiên, do lãi tiền vay và lỗ chênh lệch tỷ giá đã khiến chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng mạnh hơn 250%, lên 166 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hai con số đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Sau trừ thuế phí, Vinafood 2 chỉ lãi ròng hơn 10 tỷ đồng trong quý này.

Trước đó, Công ty Chứng khoán KIS Vietnam nhận định: Dù giá gạo lẫn tình hình thị trường thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt Nam nhưng biên lợi nhuận gộp của một số doanh nghiệp gạo niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý III/2023 giảm. Thậm chí, biên lợi nhuận gộp của cả năm nay sẽ được duy trì ổn định, chứ không có hiện tượng “tăng đột biến” khi giá gạo tăng cao.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục