Thêm xung lực cho quan hệ thương mại Việt Nam-Singapore

11:16' - 28/08/2016
BNEWS Nhiều năm qua, Singapore luôn duy trì là một trong những nhà đầu tư và đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Thêm xung lực cho quan hệ thương mại Việt Nam-Singapore.. Ảnh: TTXVN

Trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Singapore, hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại đang trở thành điểm sáng và trụ cột trong quan hệ giữa hai nước.

Sau 43 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đến nay hai nước đã có những bước nhảy vọt cả về lượng và chất trên mọi lĩnh vực. Điều đó thể hiện rõ nhất qua hàng loạt chuyến thăm cấp cao của nguyên thủ hai nước; lãnh đạo các bộ, ngành hai bên cũng thường xuyên thăm gặp gỡ, trao đổi, hợp tác. Đặc biệt, chuyến thăm Singapore của Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ ngày 28-30/8 sẽ tiếp thêm xung lực mới cho quan hệ hai nước trong tương lai.

Đối tác hàng đầu

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapo, thương mại hàng hóa song phương giữa Việt Nam-Singapore luôn đạt tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Hiện nay, Singapore là đối tác thương mại lớn của Việt Nam trên toàn thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc… và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong số các nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều tính đến đầu tháng 5/2016 đạt gần 2,5 tỷ USD; trong đó nhập khẩu từ Singapore gần 1,8 tỷ USD, xuất khẩu sang thị trường này 703,5 triệu USD. Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Singapore chủ yếu gồm dầu thô, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị…; nhập khẩu xăng dầu các loại, máy vi tính, sản phảm điện tử và linh kiện, sản phẩm khác từ dầu mỏ, chất dẻo nguyên liệu, máy móc…

Về đầu tư, Singapore hiện xếp thứ 3/114 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với 1.600 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đạt gần 36,3 tỷ USD và có mặt trong hầu hết ngành kinh tế của Việt Nam, từ thăm dò, khai thác dầu khí, sản xuất công nghiệp cho tới chế biến nông lâm hải sản, nhưng đặc biệt tập trung nhiều trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, dịch vụ và kinh doanh bất động sản.

Singapore là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trên thế giới. Ảnh: sagecorps.com

Tính đến tháng 3/2016, Singapore đã đầu tư thêm vào Việt Nam gần 2 tỉ USD với 114 dự án mới và 43 dự án tăng vốn. Các dự án đầu tư của Singapore được đánh giá hiệu quả, triển khai nhanh, tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu trong chuyển dịch kinh tế vùng miền của Việt Nam.

Nhận định từ giới chuyên gia thì hầu hết các dự án của nhà đầu tư Singapore tại Việt Nam hoạt động hiệu quả, đóng góp lớn vào việc tạo công ăn việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Điển hình trong số các dự án của Singapore tại Việt Nam là Công ty liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam- Singapore (VSIP).

Theo Tiến sĩ Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bên cạnh những tiềm năng sẵn có, hai nước còn nhiều điểm tương đồng và có sự phối hợp tích cực tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ ASEAN, APEC, ASEM...

Cả hai bên cũng đang nỗ lực hiện thực hóa chủ trương để không chỉ kết nối hai nền kinh tế, mà còn kết nối giữa các nền kinh tế trong khu vực ASEAN.

Không dừng lại ở đó, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Singapore tăng trưởng đạt bình quân trên 12%/năm. Ngoài ra, Singapore còn là thị trường nhập khẩu 90% lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu trong nước. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Singapore là rau quả, cà phê, hạt tiêu… tăng trưởng trong những năm gần đây, đạt 19,5%/năm.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương nhấn mạnh: Các doanh nghiệp Việt Nam có các thế mạnh về sản xuất, với các sản phẩm về gạo, cà phê, chè, các loại rau quả và sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, các sản phẩm nông sản của Việt Nam hiện có điểm yếu là khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa tốt.

Mặt khác, dù số lượng xuất khẩu lớn, song giá trị thu lại còn thấp do hạn chế về chất lượng sản phẩm cũng như chưa phát triển và xác lập được thương hiệu đối với người tiêu dùng trong khu vực và trên thế giới.

Ngược lại, các doanh nghiệp Singapore lại có thế mạnh về khâu chế biến, đóng gói, gia tăng giá trị… và đặc biệt là có quan hệ về thị trường khá rộng rãi. Singapore là một trung tâm trung chuyển hàng hóa đi các nơi trên thế giới cùng với các thế mạnh về kinh nghiệm quản lý, chế biến và tiếp thị ra thị trường.

Theo ông Trần Thanh Hải, đây là những thế mạnh mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải khai thác và học hỏi để nâng cao trình độ. Đặc biệt, sau khi tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN, điểm chính mà Việt Nam trông đợi đó là tiếp cận các thị trường khác thông qua Singapore.

Là một trong những doanh nghiệp thâm nhập vào thị trường Singapore khá sớm, ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho hay sẽ tiếp tục mở rộng các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường khó tính này cũng như đón đầu cơ hội để tìm đường mở rộng sang các thị trường khác thông qua những thỏa thuận thương mại như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng ASEAN...

Ngoài ra, các doanh nghiệp Singapore cũng đánh giá cao tiềm năng và cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông-thủy sản và các mặt hàng thực phẩm rau quả đối với Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng mà Việt Nam vốn có thế mạnh như gạo, cà phê, chè...

Gia tăng hiệu quả hợp tác

Mới đây, ngày 20/5/2016 tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ mọi mặt với Singapore.

Hiện Singapore là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang nhập siêu lớn từ Singapore. Do vậy, Việt Nam đề nghị Singapore tạo điều kiện hơn nữa cho các loại hàng Việt Nam có thế mạnh như nông-thủy sản, may mặc nhằm giúp cân bằng cán cân thương mại.

Mặt khác, Thủ tướng cũng mong muốn Singapore phát huy vai trò tích cực trong điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc và cùng các nước ASEAN khác tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông và và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông, đi cùng với đẩy mạnh các biện pháp xây dựng lòng tin và ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông cũng như thực hiện hai Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN trong năm ngoái về vấn đề Biển Đông.

Để khai thác tốt hơn nữa mối quan hệ mang tầm đối tác chiến lược của hai nước theo hướng đem lại hiệu quả cho cả hai nền kinh tế, đặc biệt là cho Việt Nam, các chuyên gia thương mại cho rằng vẫn cần một số giải pháp cấp thiết. Bởi, Singapore có thế mạnh về vốn, nghiên cứu phát triển, công nghệ và thị trường. Vì vậy cần dựa vào những lợi thế của mỗi bên để hướng mối quan hệ hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước đi theo hướng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Việt Nam và Singapore phải nâng cấp hiệu quả cơ chế hợp tác kinh tế hiện có, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước phát triển đầu tư kinh doanh vào thị trường của nhau. Ngoài ra, cả hai bên cần tạo ra một cơ chế để hướng mối quan hệ hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước sẽ đi theo hướng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm bằng cách xây dựng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu như kê khai nguồn gốc, xuất xứ, kiểm soát chất lượng, chứng nhận sản phẩm…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng, có chiến lược kinh doanh phù hợp… để đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu song phương giữa Việt Nam và Singapore trong tương lai./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục