Theo dòng thời sự: Cột mốc lịch sử của Cuba

07:01' - 19/04/2018
BNEWS Quốc hội khóa IX của Cuba đã bắt đầu nhiệm kỳ với phiên họp đầu tiên bầu ra 31 thành viên của Hội đồng Nhà nước – cơ quan đứng đầu bộ máy Nhà nước Cuba giữa hai kỳ họp của Quốc hội.
 Toàn cảnh phiên họp của Quốc hội tại thủ đô La Habana ngày 1/6/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Quốc hội khóa IX của Cuba đã bắt đầu nhiệm kỳ với phiên họp đầu tiên bầu ra 31 thành viên của Hội đồng Nhà nước – cơ quan đứng đầu bộ máy Nhà nước Cuba giữa hai kỳ họp của Quốc hội – cùng các cương vị Chủ tịch và các Phó Chủ tịch của hội đồng này.

Đề tài này thu hút sự chú ý đặc biệt của các phương tiện truyền thông quốc tế trong thời gian qua vì đây sẽ là lần đầu tiên, thế hệ lãnh đạo lịch sử của cuộc Cách mạng 1959 mà đứng đầu là Chủ tịch Raúl Castro sẽ không còn đảm nhiệm những cương vị cao nhất trong Hội đồng Nhà nước do đã đủ 2 nhiệm kỳ như quy định của Hiến pháp Cuba.

Những định hướng chính sách của Hội đồng Nhà nước mới, đặc biệt là của tân Chủ tịch, đang được quan tâm đặc biệt vì đó sẽ là định hướng sẽ dẫn dắt Cuba tiếp tục con đường cách mạng đã chọn.

Nhìn từ bên ngoài, một điều có vẻ lạ lùng là những người dường như tỏ ra “bình thản” nhất đối với đề tài “nóng” này lại chính là các phương tiện truyền thông của chính Cuba và người dân nơi đây.

Nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng người dân tại đảo quốc Caribe xinh đẹp này, cùng những cơ quan ngôn luận là tiếng nói của họ, đang “ngoảnh mặt làm ngơ” với số phận của đất nước.

Đơn giản là từ gần 6 thập kỷ qua, người dân Cuba luôn vững tin vào sự tiếp tục của con đường cách mạng mà chính họ đã lựa chọn và góp phần hoạch định chính sách, cũng như có đầy đủ bản lĩnh để “vững tay chèo” trước các “cơn bão” thông tin của phương Tây mà “sự thật” của chúng không ít lần chỉ là “lời nói dối được lặp lại nhiều lần” như đã được phơi bày sau đó.

Trên thực tế, quá trình “chuyển giao quyền lực” tại Cuba – như vẫn thường được báo chí quốc tế sử dụng để mô tả việc thành lập Hội đồng Nhà nước Cuba nhiệm kỳ sắp tới, hay đúng hơn là quá trình chuẩn bị các thế hệ lãnh đạo cách mạng kế cận, đã diễn ra từ nhiều năm qua chứ không phải một sự kiện mang tính đường đột, khi chính quyền cách mạng Cuba, bên cạnh truyền thống trân trọng đóng góp và kinh nghiệm của những nhà lãnh đạo lịch sử, cũng đồng thời rất mạnh dạn trong việc khuyến khích và sử dụng cán bộ trẻ và thường làm điều này một cách có hệ thống.

Minh chứng cho điều này là tuổi đời bình quân chỉ ở mức 49 của 605 đại biểu Quốc hội vừa được bầu ngày 11/3 vừa qua, hay việc có tới 9/17 thành viên thuộc Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Cuba hiện tại thuộc về “thế hệ lãnh đạo mới” sinh ra và lớn lên trong thời kỳ cách mạng; và đa phần trong số họ trước đó đã được thử thách trên nhiều cương vị lãnh đạo ở nhiều cấp độ khác nhau, và hẳn sẽ là những người sẽ đóng vai trò nòng cốt trong ban lãnh đạo Nhà nước Cuba nhiệm kỳ tới.

Năm 2013, khi đề cử đồng chí Miguel Díaz-Canel Bérmudez, một đại diện ưu tú của thế hệ trên, để Quốc hội xem xét bầu vào vị trí Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba, Chủ tịch Raúl Castro từng nhấn mạnh: “Đây không phải là một người sẽ bị choáng ngợp hay phải ứng biến” trong cương vị mới mà đã có một quá trình phấn đấu, rèn luyện kỹ càng.

Có thể nói đó cũng chính là đặc điểm chung của ban lãnh đạo Nhà nước Cuba sắp tới, và từ đó có thể hiểu được sự “bình thản” của người Cuba trước cột mốc thay đổi sắp tới.

Ở góc độ khác, có thể thấy các định hướng, chiến lược, các trụ cột phát triển của Cuba cho giai đoạn 2016 – 2021 với tầm nhìn tới năm 2030, và thậm chí 268 nhiệm vụ cụ thể tầm quốc gia, được gọi chính thức là các Chủ trương cập nhật mô hình phát triển kinh tế - xã hội của Cuba đều đã được thông qua trong dịp Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Cuba hồi tháng 4 năm 2016 qua một quá trình tham vấn sâu rộng các tầng lớp nhân dân và sau đó là các cấp Hội đồng Nhân dân với tổng cộng hơn 1,6 triệu ý kiến đóng góp đã được xem xét tích hợp (các đợt tham vấn này diễn ra cả trước và sau Đại hội đối với từng Văn kiện).

Chính vì thế, các văn kiện này mang tính hợp hiến rất cao, thể hiện ý chí đồng thuận lớn của nhân dân Cuba, chưa kể theo Điều 5 của Hiến pháp Cuba, Đảng là tổ chức định hướng và lãnh đạo bộ máy nhà nước, và có thể khẳng định nhiệm vụ thực sự của Hội đồng Nhà nước Cuba nhiệm kỳ mới không phải là “tìm ra một con đường mới” mà tiếp tục con đường đã chọn, hoàn thành những nhiệm vụ đang tiến hành trên lộ trình đã đề ra, đồng thời ứng phó với những khó khăn, thách thức đang tồn tại hoặc sẽ nảy sinh trong tương lai.

 Chủ tịch Cuba Raul Castro (trái) tại phiên họp đặc biệt của Quốc hội tại thủ đô La Habana ngày 1/6/2017. AFP/TTXVN

Nói cách khác, những ai “kỳ vọng” vào việc Cuba sẽ chệch hướng trên con đường xã hội chủ nghĩa, nới lỏng các nguyên tắc cách mạng, từ bỏ chủ nghĩa quốc tế trong chính sách đối ngoại hay thay đổi mô hình phát triển lấy con người làm trọng tâm hiện tại, chắc chắn sẽ phải thất vọng.

Đợt thay đổi nhân sự được xem là quy mô nhất trong Hội đồng Nhà nước lần này có ý nghĩa quan trọng. Năng lượng và sự tương đồng tâm lý của đội ngũ lãnh đạo với độ tuổi lao động chính yếu của Cuba hẳn sẽ là rất cần thiết cho việc giải quyết dứt điểm những vấn đề còn dang dở, như chính sự thừa nhận theo tinh thần tự phê bình thẳng thắn của các nhà lãnh đạo Cuba: từ việc xóa bỏ hệ thống 2 đồng tiền và đa tỷ giá đang gây tác hại cả về kinh tế lẫn xã hội, nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước xã hội chủ nghĩa – thành phần cột trụ của nền kinh tế Cuba, chậm trễ trong thu hút đầu tư nước, định hình khuôn khổ hoạt động cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, nâng cao sản lượng lương thực thông qua tận dụng tốt hơn đất nông nghiệp nhàn rỗi; cho tới các vấn đề già hóa dân số (trên 1/5 dân số Cuba đã trên 60 tuổi – số liệu thống kê công bố ngày 15/4/2018), điều chỉnh hệ thống đào tạo để thích hợp hơn với nhu cầu lao động, nâng cấp điều kiện hoạt động của các bệnh viện, trạm xá, nhà dưỡng lão v.v.., trong bối cảnh các môi trường quốc tế ít thuận lợi hơn khi nhiều chính phủ cánh tả thân thiện tại Mỹ Latinh đang gặp khủng hoảng hoặc đã mãn nhiệm, và chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump đã đảo chiều chính sách “phá băng” quan hệ với Cuba của người tiền nhiệm Barack Obama.

Có thể nói, con đường đã được vạch ra nhưng chắc chắn sẽ có nhiều chông gai và thử thách to lớn không kém những chặng đường mà cách mạng Cuba đã đi qua và nhiệm vụ của Hội đồng Nhà nước khóa tới sẽ là rất nặng nề.

Thêm một lần, một cột mốc quan trọng trong lịch sử Cách mạng Cuba lại được ghi dấu vào tháng 4, tháng của lời Tuyên bố tính chất xã hội chủ nghĩa của Cách mạng Cuba (16/4/1961), của Chiến thắng Girón (19/4/1961) và của nhiều đại hội Đảng.

Việc bầu chọn ra một Hội đồng Nhà nước với các cương vị lãnh đạo mới sẽ đưa nhân dân Cuba viết tiếp trang vàng lịch sử của đất nước xã hội đầu tiên tại Tây bán cầu, của bản lĩnh, ý chí bất khuất và những kỳ tích đầy giá trị nhân văn đã khơi nguồn cảm hứng và lòng ngưỡng mộ của nhiều thế hệ theo đuổi tư tưởng tiến bộ trên khắp thế giới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục