Theo dòng thời sự: "Tảng băng chìm" mâu thuẫn

17:33' - 17/04/2018
BNEWS Cuộc tấn công tên lửa cuối tuần qua mà Mỹ và đồng minh phát động nhằm vào các cơ sở của Syria đang khoét sâu thêm những bất đồng giữa hai cường quốc Nga và Mỹ trong "hồ sơ" Syria.
"Tảng băng chìm" mâu thuẫn. Ảnh minh hoạ: AFP

Cuộc tấn công tên lửa cuối tuần qua mà Mỹ và đồng minh phát động nhằm vào các cơ sở của Syria đang khoét sâu thêm những bất đồng giữa hai cường quốc Nga và Mỹ trong "hồ sơ" Syria và làm phức tạp thêm tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng đã bước sang năm thứ 8 ở quốc gia Trung Đông này.

Có thể nói cuộc khủng hoảng Syria lâu nay vẫn là một trong những vấn đề gây căng thẳng nhất trong quan hệ Nga-Mỹ, đặc biệt sau khi Nga triển khai lực lượng quân sự tới Syria từ tháng 9/2015 theo đề nghị của Damascus để hỗ trợ Chính phủ Syria chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo' (IS) tự xưng.

Không chỉ trên mảnh đất Syria, đối đầu Nga - Mỹ còn thể hiện rõ trong các cuộc thảo luận tại Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề này. Các màn "đấu khẩu" gay gắt giữa đại diện Nga - Mỹ tại HĐBA xung quanh chủ đề Syria, hay việc HĐBA chưa bao giờ thông qua được nghị quyết nào về Syria do Moskva hoặc Washington đề xuất, chỉ là "phần nổi" của "tảng băng chìm" mâu thuẫn lợi ích chiến lược của Nga và Mỹ tại "điểm nóng" Trung Đông.

Không khó để nhận ra cuộc khủng hoảng Syria từ lâu đã vượt xa khuôn khổ của một cuộc xung đột giữa các lực lượng trong đất nước Syria nói riêng hay giữa các giáo phái Hồi giáo dòng Shiite và Sunni  ở Trung Đông nói chung.

Syria đã bị biến thành "sân đấu" cho các cuộc đọ sức cả về chính trị, ngoại giao lẫn quân sự giữa các thế lực từ bên ngoài, đặc biệt trở thành địa bàn tranh giành ảnh hưởng gay gắt giữa Nga và Mỹ. Mọi diễn biến trong "hồ sơ Syria", từ thực địa chiến trường tới bàn đàm phán, dường như đều phản ánh tính chất quyết liệt của cuộc đọ sức này.

Tại "điểm nóng" Syria, Nga và Mỹ có những mục tiêu và lợi ích chiến lược khác biệt, Moskva và Washington cũng ủng hộ các lực lượng đối địch trong cuộc xung đột tại quốc gia này. Mục tiêu chiến lược can dự của Nga tại Syria và Trung Đông được thể hiện khá rõ: bảo đảm đất nước Syria có một chính phủ ổn định và quân đội có thể duy trì trật tự, ngăn chặn tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ có thể biến quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá này thành "trung tâm khủng bố" mới, như từng xảy ra ở Afghanistan và Somalia.

Sự bất ổn và hỗn loạn ở Trung Đông kể từ khi Mỹ tiến hành cuộc chiến Iraq, cũng như sau làn sóng mang tên "Mùa Xuân Arab", dẫn tới xung đột tại những quốc gia như Libya hay Syria vốn có quan hệ mật thiết với Moskva từ thế kỷ trước, rõ ràng đi ngược lại lợi ích của Nga, từ an ninh tới kinh tế sau khi Nga mất hàng loạt hợp đồng cả quân sự và dân sự với nhiều nước Trung Đông.

Việc Nga hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Syria Syria Bashir al-Assad cũng nằm trong chiến lược "quay trở lại Trung Đông" mà Moskva thúc đẩy mạnh mẽ hơn sau khi quan hệ giữa Nga và phương Tây căng thẳng từ năm 2014 do những bất đồng liên quan tình hình Ukraine.

Trong khi đó, Washington, từ thời Tổng thống Barack Obama, đã không che giấu ý định thay đổi thể chế nhà nước hiện tại ở Syria, công khai mục tiêu buộc Tổng thống Syria Bashir al-Assad phải rời chính trường.

Thực hiện mục tiêu này, Mỹ không ngừng hậu thuẫn về chính trị, tài chính và quân sự cho những lực lượng chống đối ông Assad ở Syria, gây sức ép ngoại giao, cấm vận kinh tế, "mượn tay" các đồng minh khu vực...

Nếu thành công, một chính quyền "thân Mỹ" ở Syria sẽ là bước củng cố kế hoạch thiết lập ở Trung Đông mạng lưới các nước "nằm trong tầm ảnh hưởng" của Wahington, đẩy Iran vào thế bị cô lập, và đương nhiên làm giảm đáng kể ảnh hưởng của Nga trong khu vực.

Với cục diện đó, vụ tấn công tên lửa của Mỹ và đồng minh hôm 14/4 có thể coi như như một cách để Washington "kháng cự" nhằm xác định rằng Mỹ vẫn là một "đối thủ" hiện diện trên "sàn đấu" Syria khi trong hơn 1 năm qua, "thế và lực" của hai cường quốc Nga-Mỹ tại đây đã có sự thay đổi với cán cân nghiêng về phía Moskva.

Kết quả tích cực trong cuộc chiến chống IS tại Syria, sự xoay chuyển về cán cân lực lượng quân chính phủ và phe đối lập sau việc Nga hỗ trợ quân sự cho quân đội Syria và thiết lập cơ chế đàm phán Astana đã thúc đẩy vấn đề Syria quay trở lại quỹ đạo tìm kiếm giải pháp chính trị.

Vai trò quan trọng trong việc giải quyết xung đột ở Syria đã khiến vị thế của Nga gia tăng trong khu vực Trung Đông cũng như trên trường quốc tế, đồng thời giúp nước này có ưu thế hơn trong đàm phán về các vấn đề khác với Mỹ, song cũng đẩy đối đầu với Mỹ leo thang, mà căn nguyên phần nhiều xuất phát từ "hồ sơ" Syria, nơi những thành công của Nga đang thách thức vị thế của Mỹ tại Trung Đông.

Chiến lược của Nga tại Syria đang được đánh giá là thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược và sự nhất quán, trong khi chính sách mà Tổng thống Mỹ Trump triển khai tại Syria bị coi là thiếu rõ ràng, khiến khả năng kiểm soát của Washington tại Trung Đông bị hạn chế.

Câu hỏi được quan tâm lúc này là cuộc tấn công chớp nhoáng vừa qua sẽ ảnh hưởng ra sao tới quan hệ Nga - Mỹ cũng như tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Rõ ràng sau vụ việc này, mức độ căng thẳng, đối địch và mất lòng tin lẫn nhau giữa Nga và Mỹ tăng lên nhiều.

Thậm chí Mỹ đã hé lộ khả năng tiếp tục trừng phạt mạnh mẽ hơn, còn Moskva tuyên bố sẽ không khoan nhượng nếu Mỹ vượt qua "giới hạn đỏ" trong vấn đề Syria. Mọi kịch bản đều có thể xảy ra, song có vẻ mọi chuyện cũng chưa đi quá xa.

Bản thân đòn tấn công được coi là "hạn chế" của Mỹ và đồng minh tại Syria cũng được tính toán cẩn thận để hạn chế tối thiểu nguy cơ gây thương vong cho binh sĩ Nga. Moskva sau vụ tấn công cũng đáp trả bằng những ngôn từ lên án mạnh mẽ nhất song không tung ra biện pháp giáng trả bằng quân sự.

Trên thực tế, giới chức quân sự Mỹ và Nga ở Syria vẫn duy trì một đường dây nóng đặc biệt để trao đổi thông tin. Tất cả cho thấy vẫn còn "khe cửa hẹp" cho đối thoại và thỏa hiệp, Mỹ dường như phát đi thông điệp tránh đối đầu trực tiếp với Nga tại Syria, và Moskva cũng bày tỏ hy vọng rằng khi Mỹ giải quyết các vấn đề nội bộ, hai nước có thể "bắt đầu một số cuộc liên lạc".

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng Syria không thể giải quyết nếu không có sự cải thiện trong quan hệ Nga-Mỹ, mà trước hết là Washington và Moskva phải tìm cách thu hẹp sự khác biệt về Syria.

Thực ra trong vấn đề Syria, Nga và Mỹ từng không ít lần tìm thấy “tiếng nói chung”. Điển hình nhất là sự kiện tháng 11 năm ngoái, sau cuộc trao đổi ngắn tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 tổ chức tại Việt Nam, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã nhất trí một tuyên bố chung về vấn đề Syria, trong đó khẳng định cam kết đảm bảo chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đồng thời nhấn mạnh không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này.

Ngay sau đó, Mỹ, Nga cùng Jordan đã đạt thỏa thuận thiết lập vùng giảm căng thẳng tại Tây Nam Syria. Tuy nhiên, hầu hết các thỏa thuận giữa Nga và Mỹ về Syria đều gặp trục trặc trong quá trình thực thi, bởi xem ra cuộc đua giành quyền lực và ảnh hưởng tại Trung Đông giữa hai cường quốc vẫn đang trong giai đoạn giằng co.

Một khi "tảng băng chìm" mâu thuẫn lợi ích còn chi phối thì Nga - Mỹ vẫn “đồng sàng dị mộng” trong "hồ sơ" Syria, và tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng Syria có thể còn diễn biến rất khó lường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục