Thi THPT quốc gia 2019: Nhận xét đề thi Tổ hợp Khoa học xã hội

13:36' - 27/06/2019
BNEWS Theo nhận xét của nhiều thí sinh, đề thi Tổ hợp Khoa học xã hội năm nay khá sát với chương trình đã được học và ôn luyện.
Thí sinh tại điểm thi THPT Gia Lộc (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN

Sáng 27/6, các thí sinh thực hiện bài thi Tổ hợp Khoa học xã hội trong 150 phút bằng phương pháp trắc nghiệm. Đây cũng là buổi thi cuối cùng của Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2019. Đề thi Tổ hợp Khoa học xã hội gồm 120 câu, chia đều cho 3 môn: Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân.

Tại Hà Nội, kết thúc buổi thi, các thí sinh rời phòng thi với tâm trạng khá thoải mái. Theo nhận xét của nhiều thí sinh, đề thi Tổ hợp Khoa học xã hội năm nay khá sát với chương trình đã được học và ôn luyện. Đề thi môn Địa lý và Giáo dục công dân vừa sức, không có quá nhiều câu hỏi vận dụng cao, nhiều câu hỏi gần gũi, sát với thực tiễn. Tuy nhiên, đề Lịch sử tương đối khó, xuất hiện một số câu hỏi lạ trong kiến thức lớp 10, lớp 11 hoặc trong kiến thức lớp 12 nhưng ít được đề cập tới.

Thí sinh Ngọc Hà, học sinh Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội) cho biết, với đề này, em làm bài khá ổn. Trong 3 môn thi Tổ hợp Khoa học xã hội, môn Địa lý và Giáo dục công dân em làm tốt. Ngọc Hà đánh giá, với hai môn Địa lý và Giáo dục công dân, thí sinh đạt điểm 7 không khó. Môn Lịch sử có lẽ điểm sẽ thấp hơn.

Thí sinh Trần Hương Giang, học sinh Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Gia Thiều cho rằng, nhìn chung đề khá sát với những gì em đã được học. Nếu nắm vững kiến thức cơ bản, thí sinh vẫn có thể đạt được trên 5-6 điểm.

Vừa bước ra khỏi điểm thi, Tô Hà Phương, Trường Trung học Phổ thông Đoàn Kết cho biết, môn Lịch sử khó. Em làm được chắc chắn đúng 29 câu còn các câu khác em dùng phương pháp loại trừ, không chắc chắn đúng hay sai.

Về môn Địa lý, Phương cho biết có khoảng 10-15 câu hỏi chỉ cần dựa vào Atlat là có thể làm được, đây là những câu đơn giản để giúp các bạn đủ điểm thi tốt nghiệp. Đề thi còn có những câu hỏi về ý nghĩa của các vùng kinh tế trọng điểm và địa hình, nếu nắm chắc kiến thức thí sinh có thể dễ dàng đạt được 8-9 điểm để xét tuyển vào đại học. Học sinh Đỗ Trương Vũ, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Trãi cũng cho biết, nếu thí sinh dùng Atlat thành thạo có thể đảm bảo qua điểm liệt.

Đề môn Giáo dục công dân hầu như là các kiến thức cơ bản. Các câu hỏi tình huống chỉ cần nhớ kiến thức và biết vận dụng là có thể đạt 9-10 điểm. Thí sinh Nguyễn Thị Thanh Thanh, Trường Trung học Phổ thông Việt Đức cảm thấy rất thú vị với những câu tình huống trong đề Giáo dục công dân, mặc dù buộc học sinh phải tư duy chắc chắn để tránh “bẫy” nhưng nội dung câu hỏi hay và gần gũi, thực tế.

Em Phan Ngọc Dao, Trường Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông Thực nghiệm Khoa học Giáo dục cho biết, trong 3 môn, khó nhất là Lịch sử vì có nhiều mốc thời gian trong câu hỏi nên khả năng chọn đúng đáp án không cao. Phòng thi của Ngọc Dao, có bạn không dự thi đủ cả 3 môn nên đến môn thi cuối, phòng thi khá vắng.

Em Nguyễn Ngọc Khánh, học sinh lớp 12D2 Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm tươi cười cho biết: Môn Lịch sử có sự phân hóa rõ rệt, học sinh chịu khó nghe giảng, tìm hiểu thêm kiến thức bên ngoài sẽ làm bài tốt. Với tâm lý thoải mái, em nghĩ hôm nay làm đúng 90% tổng số câu hỏi của Tổ hợp Khoa học xã hội.

Chia sẻ về công tác tổ chức và trông thi, các thí sinh đều có chung nhận xét, giám thị làm đúng nhiệm vụ. Thí sinh Mai Khánh Vi, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Gia Thiều cho biết, trong cả 3 ngày thi, phòng em không có trường hợp nào vi phạm. Các bạn tuân thủ nội quy tốt, các thầy cô coi thi nghiêm túc chặt chẽ…Ngày cuối cùng của Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia ở Hà Nội thời tiết khá oi ả nhưng phụ huynh học sinh đưa đón con cũng cảm thấy bớt căng thẳng.

Nhận xét về đề thi môn Địa lý, thầy Vũ Hải Nam (tuyensinh247.com) cho rằng, đề thi năm nay ở mức độ cơ bản nhưng vẫn đảm bảo độ phân hóa cao, phù hợp với mục tiêu của Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, sẽ có nhiều điểm 8, 9 nhưng “mưa” điểm 10 không nhiều.

Trong đề Địa lý năm 2019, số câu hỏi dễ (nhận biết và thông hiểu) tăng lên, số câu vận dụng cao giảm đi và đồng thời có sự giảm về độ khó của các câu hỏi này so với đề thi 2018. Thay vì những câu hỏi khó và dễ gây tranh cãi, đánh đố như năm 2018, câu hỏi năm nay mang tính vận dụng cao, tập trung vào vốn hiểu biết thực tế và khả năng suy luận của học sinh nhiều hơn.

Kết thúc buổi thi cuối cùng, đa số các thí sinh Thủ đô đều vui vẻ, tươi cười khi đã xong một kỳ học tập ôn luyện và thi cử khá vất vả. Nhiều bạn có phần bịn rịn khi sắp phải tạm biệt thời học trò áo trắng hồn nhiên, chuẩn bị hành trang bước vào ngưỡng cửa mới của cuộc đời./.

>>> Đáp án và Đề thi THPT quốc gia năm 2019 các môn thi khác sẽ liên tục được cập nhật TẠI ĐÂY.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục