Thị trường bán lẻ trước sức ép doanh nghiệp ngoại: Bài 1: Khi doanh nghiệp ngoại lấn sân

10:58' - 04/07/2016
BNEWS Với tiềm năng lớn, hấp dẫn, thị trường bán lẻ Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ các nhà bán lẻ nước ngoài tham gia đầu tư.
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại hệ thống siêu thị Co.op mart TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ–TTXVN

Thời gian vừa qua, đã có sự thay đổi chủ ở rất nhiều hệ thống siêu thị, cùng với việc đầu tư và mở rộng mạng lưới phân phối của các nhà bản lẻ ngoài nước khiến các doanh nghiệp trong nước đứng trước nguy cơ mất dần sân nhà.

Trước sức ép cạnh tranh như vậy, việc các doanh nghiệp liên kết, san sẻ lợi ích để hỗ trợ nhau phát triển là điều rất cần.

Và Nhà nước sẽ có chính sách gì để hỗ trợ các nhà bán lẻ trong nước đang là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Doanh nghiệp ngoại chi phối kênh bán lẻ

Theo Bộ Công Thương, với 90 triệu dân; trong đó có tới 60% là đối tượng tiêu dùng trẻ, tỷ lệ bán lẻ hiện đại của Việt Nam mới chỉ là 25%, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia cùng khu vực như Thái Lan (34%), Malaysia (60%), Phillippines (33%), Trung Quốc (51%), Singapore (90%)…

Vì vậy ngành bán lẻ Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, khi các nhà bán lẻ nước ngoài vào, mức độ phát triển của họ rất nhanh.

Ngoài chiếm lĩnh các hệ thống bán lẻ hiện đại, các nhà phân phối ngoại đã mở rộng hệ thống các cửa hàng tiện ích có diện tích dưới 500 m2, các điểm phân phối này không bị hạn chế bởi quy định ENT (xác định nhu cầu kinh tế cần thiết của địa điểm).

Theo đó, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 08/2013/TT-BCT vào năm 2013, quy định trường hợp lập cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500 m2 tại khu vực đã được tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy hoạch cho hoạt động mua bán hàng hóa và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng không phải thực hiện về ENT.

Trước đây khi tham gia đàm phán WTO, Việt Nam đã kiên quyết đưa ra điều kiện siêu thị nước ngoài vào nước ta chỉ được mở một cơ sở bán lẻ duy nhất.

Việc cơ sở bán lẻ mở rộng thêm cơ sở bán lẻ thứ hai phải được Nhà nước xem xét các quy tắc về ENT.

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay Nhà nước gần như chưa có chính sách bảo hộ nào đối với doanh nghiệp bán lẻ trong nước.

Điển hình, quy định ENT chưa cụ thể và chưa phải một khung ở cấp độ toàn quốc, mỗi địa phương áp dụng mỗi khác.

Nhà nước lại thiếu một chính sách về thị trường bán lẻ. Hệ thống phân phối của Việt Nam bị tấn công ở cả khu vực hiện đại (siêu thị) lẫn khu vực truyền thống (các cửa hàng bán lẻ), các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đã chiếm lĩnh các mặt bằng khá tốt.

Trước tiên Bộ Công Thương và các địa phương cần phải quy hoạch lại việc phát triển thị trường bán lẻ, qua đó áp dụng các quy tắc ENT để ưu tiên các điểm bán lẻ cho các doanh nghiệp trong nước.

Doanh nghiệp sản xuất chịu nhiều thiệt thòi

Từ thực tế tìm hiểu khó khăn của các doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Hưng, cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam khi đưa hàng vào siêu thị hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.

Một mặt, các cơ sở bán lẻ nước ngoài luôn lấy giá chiết khấu rất cao từ 20-30% thậm chí cao hơn thế, trong khi với hệ thống bán lẻ Việt Nam cao nhất là 10%.

Với mức chiết khấu cao như vậy, doanh nghiệp phải tăng giá bán lên thì mới có lợi nhuận, nhưng như vậy lại không thể cạnh tranh với hàng hóa của chính các nước khác tại siêu thị.

Mặt khác, các nhà bán lẻ ngoại cũng tìm cách tăng độ phủ và độ nhận biết thương hiệu bằng cách sản xuất những sản phẩm mang nhãn hàng riêng để cạnh tranh với những sản phẩm hàng Việt.

Các doanh nghiệp Việt Nam khi đưa hàng vào siêu thị hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Thanh Vũ–TTXVN

Bên cạnh đó, hàng Việt lại chịu mức chiết khấu cao như vậy sẽ cạnh tranh không nổi.

Nhiều doanh nghiệp hoặc rút vốn, hoặc để quảng bá thương hiệu phải chấp nhận chịu lỗ để hàng hóa tiếp tục có mặt ở siêu thị.

Do đó, đây chưa phải kênh để người tiêu dùng trong nước tiếp cận hàng Việt với giá rẻ và phù hợp với người Việt.

Theo nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng Việt, muốn hàng hóa vào được siêu thị nước ngoài, ngoài việc phải trải qua một quy trình thủ tục phức tạp, các nhà cung cấp phải trả hàng loạt các loại phí như phí trưng bày, phí mở mã, quầy kệ, marketing, thưởng doanh số…

Đó là chưa kể những loại phí “không chính thức” mà nhà cung cấp phải “lót tay” cho nhân viên quầy kệ nếu không muốn đường đi của hàng hóa đến tay người tiêu dùng gặp trở ngại.

Đã nhiều lần gặp khó khăn trong việc thuê quầy kệ tại các siêu thị, ông Trương Phú Chiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bibica chia sẻ, hiện nay một số siêu thị cho thuê quầy, kệ mới mức giá dao động từ 40-80 triệu đồng/tháng.

Năm 2014, Bibica thuê quầy tại một siêu thị với tổng mức giá 1,2 tỷ đồng, chỉ sau một năm đã tăng lên 2,2 tỷ đồng.

Trong điều kiện kinh doanh khó khăn, không chịu nổi số tiền lớn như vậy, cuối cùng Bibica đành phải rút hàng ra khỏi siêu thị đó.

Các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài còn áp dụng nhiều cách quảng bá thương hiệu và sản phẩm của đất nước cũng như tìm cách nâng dần hàng hóa hệ thống bán lẻ của họ.

Mới đây, khi về tay Tập đoàn Central (Thái Lan), Big C đã nâng mức chiết khấu lên cao đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, Câu lạc bộ các doanh nghiệp hàng nội địa thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản đã đồng tâm gửi công văn yêu cầu siêu thị Big C không tăng chiết khấu các hợp đồng trong năm 2016, đồng thời điều chỉnh giảm tổng mức chiết khấu xuống tối đa 15% cho doanh nghiệp thành viên.

Bị ép giá bán trong điều kiện giá cả đầu vào tăng cao, việc chủ động liên kết của các doanh nghiệp cùng ngành hàng đã phát huy hiệu quả, tạo ra áp lực với các nhà phân phối nước ngoài.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, một khi đã mở cửa thị trường phân phối và đang trong tiến trình hội nhập, với sự hấp dẫn của thị trường thì việc các nhà bán lẻ nước ngoài mở rộng mạng lưới là điều tất yếu.

Điều Nhà nước cần làm là phải hỗ trợ như thế nào để các nhà phân phối nội địa có thể tăng tốc và mở rộng nhanh mạng lưới; trong đó sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ, liên kết giữa các nhà phân phối, liên kết giữa nhà sản xuất Việt với nhau mới có thể hợp lực tăng tốc đầu tư.

Đặc biệt, cần khuyến khích được tinh thần khởi nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ vì ngoài việc nhà bán lẻ đầu tư phát triển còn cộng đồng doanh nghiệp thông qua hình thức nhượng quyền rất phù hợp với các loại hình bán lẻ có quy mô nhỏ và vừa, vẫn có thể tăng tốc mở rộng nhanh mạng lưới.

Xem tiếp Bài 2:

Thị trường bán lẻ trước sức ép doanh nghiệp ngoại Bài 2: Khoảng trống thị trường nông thôn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục