Cuộc cạnh tranh không cân sức giữa nhà bán lẻ nội và ngoại

14:43' - 20/06/2016
BNEWS Thách thức đối với thị trường bán lẻ Việt Nam là xuất phát điểm hình thức bán lẻ hiện đại thấp, chủ yếu bán hàng truyền thống.
Tọa đàm trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 20/6 tại Hà Nội. Ảnh:Uyên Hương/BNEWS

Tại Tọa đàm trực tuyến “Nâng cao sức cạnh tranh cho thị trường bán lẻ Việt Nam” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 20/6 tại Hà Nội, các chuyên gia nhận định rằng với dự báo đến năm 2020 thị phần kênh bán lẻ hiện đại sẽ tăng lên và đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng.

Đây là cơ hội lớn, nhưng đồng thời cũng là thách thức, bởi các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh không cân sức với các doanh nghiệp nước ngoài, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.

Liên quan đến việc Việt Nam hiện nay có khoảng 8.660 chợ, 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại các loại và khoảng hơn 1 triệu cửa hàng quy mô nhỏ của hộ gia đình, kênh bán lẻ hiện đại mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu của người tiêu dùng. Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định thị phần bán lẻ Việt Nam mới phát triển ở giai đoạn đầu.

Với dân số đông, cơ cấu dân số vàng, thu nhập ngày càng cao nên dư địa phát triển kênh phân phối lớn. Tuy nhiên, thách thức đối với thị trường bán lẻ Việt Nam là xuất phát điểm hình thức bán lẻ hiện đại thấp, chủ yếu bán hàng truyền thống, gần đây mới xuất hiện hình thức bán lẻ hiện đại.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam thì con số 25% đã được đưa ra cách đây 2-3 năm, đến nay chưa có con số chính thức và hy vọng đã chạm mức 30%.

Cùng với đó, dư địa về không gian, cơ hội đầu tư có thể phát triển được. Thị trường Việt Nam trở thành nơi thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Hơn nữa, cơ hội chuyển mình từ hệ thống bán lẻ truyền thống sang hiện đại cho thấy chính sách mở cửa, hội nhập, người Việt hội nhập sẽ là cơ hội để phát triển bán lẻ hiện đại.

Tuy nhiên, thị tường bán lẻ Việt Nam cũng đang chứng kiến sự xuất hiện hùng mạnh của các nhà bán lẻ nước ngoài. Đấy là thách thức đòi hỏi doanh nghiệp nội phải rất nỗ lực để đứng vững trên thị trường và đạt mục tiêu thị phần bán lẻ hiện đại chiếm 40% vào năm 2020.

Đại diện cho doanh nghiệp bán lẻ nội, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Coop cho rằng, bất cứ sự cạnh tranh nào cũng tạo ra động lực để doanh nghiệp hoàn thiện năng lực.

Thị trường bán lẻ với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cũng tạo động lực để nâng cao năng lực cạnh tranh, học hỏi kinh nghiệm. Việc phát triển bán lẻ hiện đại thể hiện phát triển của nền kinh tế. Lộ trình cùng phát triển với các nhà bán lẻ nước ngoài cần có chính sách để cạnh tranh và phát triển.

Tại buổi tọa đàm, không ít hơn 10 lần các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phân phối bán lẻ đã đề cập đến vấn đề năng lực tài chính của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.

Bên cạnh đó là hàng loạt những vấn đề về nguồn nhân lực, khó khăn trong thu xếp mặt bằng bán lẻ, trung tâm logistic, chi phí quảng bá bị khống chế bởi trần 10% (và hiện nay là 15%) tổng chi phí của doanh nghiệp/năm (trong khi các doanh nghiệp phân phối bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi trần chi phí này do tổng chi phí của các công ty mẹ ở nước ngoài là rất lớn).

Đồng thời, sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng, các địa phương cũng chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước.

Một minh chứng điển hình là sau gần 10 năm thành lập, Liên doanh VDA (giữa 4 nhà phân phối bán lẻ lớn nhất Việt Nam gồm Hapro, Satra, Phú Thái và Saigon Co.op) vốn được kỳ vọng sẽ tạo sức bật lớn trong lĩnh vực phân phối bán lẻ đã không thành công như mong đợi.

Có một phần nguyên nhân là VDA chưa được tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng logistic, trong khi một chân lý đã được đúc kết “ngành phân phối bán lẻ chỉ có thể thành công nếu tổ chức được logistic và phát triển được mạng lưới điểm bán hàng”.

Theo ông Võ Văn Quyền, Bộ Công Thương đã tiến hành nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu và tăng năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, việc doanh nghiệp có giữ được thương hiệu hay không, trước tiên phụ thuộc vào chính nhận thức và nỗ lực của doanh nghiệp trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu.

Vì vậy, trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa lợi thế từ các sản phẩm thế mạnh để xây dựng thương hiệu cho mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục