Tìm giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp bán lẻ nội địa

17:12' - 01/07/2016
BNEWS Tích cực phát triển mạng lưới phân phối riêng được xem là giải pháp cấp thiết đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành bán lẻ.
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại hệ thống siêu thị Co.op mart TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ–TTXVN

Theo các chuyên gia kinh tế, tập trung phát triển kênh phân phối truyền thống là một trong những giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp Việt Nam giữ vững thị phần và chiếm lĩnh mạng lưới phân phối nội địa.

Thông tin trên được chia sẻ tại hội thảo "Giải pháp giúp doanh nghiệp có thị trường bán lẻ", tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh ngày 1/7.

Theo các doanh nghiệp, việc đàm phán về chiết khấu và chi phí đang là rào cản hàng đầu và ngày càng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đưa hàng hóa vào các kênh phân phối hiện đại. Bên cạnh đó, hầu như các nhà bán lẻ đều phát triển mặt hàng nhãn hàng riêng, cạnh tranh trực tiếp với nhà cung ứng và doanh nghiệp sản xuất.

Trước tình hình này, tích cực phát triển mạng lưới phân phối riêng là giải pháp cấp thiết đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, kinh nghiệm từ các doanh nghiệp lớn cho thấy, khi đã xây dựng được mạng lưới tại các kênh phân phối truyền thống thì doanh thu và lợi nhuận của kênh phân phối này tăng trưởng cao hơn so với kênh phân phối hiện đại.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Sài Gòn Food (SAIGONFOOD), nhận định, doanh nghiệp Việt Nam cần có giải pháp phát triển mạng lưới phân phối thông qua các kênh truyền thống, cũng như phải xem đây là giải pháp tối ưu nhất trong thời điểm hiện nay.

Đơn cử, dòng sản phẩm cháo tươi của SAIGONFOOD được đưa ra thị trường cách đây 3 năm, nhưng chỉ tập trung phát triển thị trường thông qua các kênh phân phối hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị... thì tính đến hiện tại chỉ có được khoảng 600 điểm bán.

Trong khi đó, chỉ trong 8 tháng vừa qua, khi SAIGONFOOD chuyển hướng và bắt đầu xây dựng mạng lưới tại các kênh phân phối truyền thống gồm chợ, cửa hàng thực phẩm... thì đã đạt hơn 5.000 điểm bán.

Các cửa hàng tạp hóa, thực phẩm... vẫn chiếm ưu thế so với hệ thống trung tâm thương mại và siêu thị. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS

Đánh giá về sự phát triển thị trường bán lẻ tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, dù nhiều hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang phát triển mạnh và rầm rộ, nhưng chưa chiếm tỷ lệ lớn trong mạng lưới bán buôn, bán lẻ.

Bên cạnh đó, các cửa hàng tạp hóa, thực phẩm... vẫn đang chiếm ưu thế số lượng trong mạng lưới phân phối tại Việt Nam . Vì vậy, doanh nghiệp nội địa còn nhiều điều kiện thuận lợi trên "sân nhà".
Mặt khác, một trong những giải pháp phát triển mạng lưới phân phối doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng khai thác là phát triển mô hình thương mại điện tử. Đây là mô hình kinh doanh được nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã áp dụng và thành công, nhưng tại Việt Nam lại chiếm thị phần rất khiêm tốn.

Mô hình thương mại điện tử được đánh giá cao về hiệu quả kinh doanh trong đó các doanh nghiệp không có chung ngành hàng, nhưng liên kết lại trong cùng mạng lưới phân phối để giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh, quảng bá sản phẩm, thương hiệu...
Trước sự cạnh tranh gay gắt giành thị phần bán lẻ trong nước, để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước, nhiều nhà bán lẻ nội địa không ngừng nỗ lực phát triển mạng lưới phân phối hiện đại.

Đơn cử, đại diện Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2020, Satra sẽ xây dựng 11 siêu thị Satramart, 5 trung tâm thương mại Central Mall và 200 cửa hàng tiện lợi Satrafoods.
Tương tự, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết: Song song với việc cải tiến hoạt động các điểm bán hiện hữu, Saigon Co.op sẽ xây dựng thêm các mô hình kinh doanh mới, phù hợp với nhiều phân khúc mới vào năm 2017.

Ngoài ra, trong 2 năm tới, Saigon Co.op sẽ mở thêm 10 siêu thị Co.opmart lớn ở các đô thị và 20 siêu thị vừa và nhỏ. Cụ thể, đến năm 2020, Saigon Co.op sẽ có 130 siêu thị, 8 - 10 đại siêu thị Co.opXtra và 3 - 5 trung tâm thương mại Sense City.
Riêng đối với mạng lưới cửa hàng Co.opFood, dự kiến sẽ phát triển thêm 30 - 50 cửa hàng, thực hiện liên kết và nhượng quyền với các cửa hàng tạp hóa truyền thống với 60 - 80 điểm bán mỗi năm.

Trong giai đoạn 2017 - 2020, Saigon Co.op sẽ phát triển 30 - 50 cửa hàng tiện lợi tập trung tại các khu vực dân cư đông tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục