Thị trường bán lẻ Việt Nam chuyển hướng đầu tư mới

10:51' - 17/11/2018
BNEWS Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) dự báo, thị trường bán lẻ đang chuyển dần sang xu hướng đầu tư chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini.
Thị trường bán lẻ đang chuyển dần sang xu hướng đầu tư chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini. Ảnh minh họa: Phạm Kiên - TTXVN

Sau hơn 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thị trường bán lẻ Việt Nam đã có những bước tiến vững chắc và gặt hái được nhiều thành quả tích cực.

Là quốc gia năng động trong khu vực châu Á và trên thế giới, Việt Nam luôn chứng minh sự hấp dẫn qua việc chào đón các doanh nghiệp đầu tư vào mảnh đất tiềm năng này.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội vẫn là những thách thức nhất là đang phải trải qua thời kỳ đổi vai giữa các doanh nghiệp trưởng thành và doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ.

Dù vậy, giới phân tích lại cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy thị trường bán lẻ dần tiến sang một giai đoạn trẻ hóa nhưng tràn đầy năng lượng.
Điểm đến hấp dẫn
Sự tăng trưởng nhanh của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam trong những năm qua cho thấy tiêu dùng trong nước luôn là động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia. Cùng với đó, tốc độ tăng tiêu dùng cao chính là yếu tố quan trọng đánh giá thị trường bán lẻ đầy tiềm năng.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 đạt 378,626 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng 9 và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng của năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 3.612,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,31% (cùng kỳ năm 2017 tăng 8,79%).
Ông Hoàng Anh Tuấn-Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Cả nước hiện có 800 siêu thị, 150 trung tâm mua sắm, 9.000 chợ truyền thống và khoảng 2,2 triệu nhà bán lẻ đang hoạt động trên thị trường Việt. Đây là 1 trong 6 ngành nghề thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất, tỷ lệ bán buôn và bán lẻ của Việt Nam chiếm tới 14% GDP cả nước.
Đánh giá của Hãng tư vấn A.T. Kearney cho thấy, Việt Nam nằm trong số các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á và là “miếng mồi” béo bở đối với các nhà đầu tư. Đặc biệt, năm 2018 và những năm tiếp theo Việt Nam vẫn sẽ là thị trường hấp dẫn với các doanh nghiệp ngoại.
Hãng tư vấn này cũng đưa ra con số khảo sát cụ thể từ chuỗi Family Mart của Nhật Bản cho thấy hiện chuỗi siêu thị này đã có tới 130 cửa hàng tại Việt Nam và dự định mở thêm 700 cửa hàng vào năm 2020.
Ngoài ra, một hãng bán lẻ đình đám khác từ Nhật Bản là 7-Eleven cũng đã “đổ bộ” vào Việt Nam tháng 6/2017 với kế hoạch phát triển 100 cửa hàng trong vòng 3 năm và 1.000 cửa hàng trong 1 thập kỷ tới.
Không những thế, Lotte Mart (Hàn Quốc) cũng lên kế hoạch mở 60 cửa hàng tại Việt Nam đến năm 2020. Thêm vào đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Hàn Quốc cũng đã bắt đầu “tấn công” thị trường Việt với tham vọng mở 2.500 cửa hàng trên toàn quốc trong 10 năm tiếp theo.
Đặc biệt, nhà bán lẻ Takashimaya (có lịch sử 180 năm tại Nhật Bản) cũng mở một cửa hàng 15.000 m2 tại Saigon Center ở Tp. Hồ Chí Minh- cửa hàng đầu tiên của thương hiệu này khi tiếp cận thị trường Việt Nam.
Đại diện Takashimaya cho biết, dân số trẻ và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao là yếu tố khiến Takashimaya quyết định đầu tư 6 tỷ yên Nhật (tương đương 57,6 triệu USD) vào thị trường Việt Nam.
Nhận định từ giới phân tích cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam đang bước vào giai đoạn cạnh tranh mạnh mẽ, ở đó sức mạnh thuộc về doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt, nắm bắt nhanh thị trường và làm chủ công nghệ.
Điều này thể hiện qua việc cuối tháng 9 vừa qua, đại gia bán lẻ Aeon vừa chính thức chia tay Fivimart sau 4 năm gắn bó vì phương hướng, tư tưởng, tầm nhìn chiến lược của hai bên có sự khác biệt.
Ngay sau đó, Vingroup xác nhận việc mua lại 100% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart để hoàn thành kế hoạch mở rộng thị trường nhằm hiện thực hóa mục tiêu 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+ vào năm 2020.
Ông lớn này đã lần lượt thâu tóm các siêu thị như Ocean Mart (năm 2014), Maximart (năm 2015) và mới đây là Fivimart (2018); đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng tiện ích VinMart +. Với chiến lược rõ ràng và đầu tư bài bản, Vingroup khẳng định sẽ “chơi lớn” trên thị trường bán lẻ và đủ tiềm lực để chiếm thị phần.
Bà Đỗ Thu Hằng, Phó Giám đốc kiêm Trưởng bộ phận nghiên cứu của Savills Hà Nội nhấn mạnh: Thị trường bán lẻ Việt Nam đang có tốc độ phát triển mạnh mẽ với sự xuất hiện của nhiều tên tuổi lớn, nhất là các tập đoàn nước ngoài vốn trước đây chưa quan tâm nhiều tới Việt Nam.
Trước bối cảnh đó, các doanh nghiệp sẽ tăng tốc độ đầu tư, mở rộng sự hiện diện tại thị trường bán lẻ được dự báo có quy mô lên tới 180 tỷ USD vào năm 2020 tại Việt Nam. Do vậy, không ít doanh nghiệp lớn cả trong nước và nước ngoài đã lên kế hoạch đầu tư mạnh tay nhằm mở rộng thị phần.
Xu hướng chuyển dịch
Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) dự báo, thị trường bán lẻ đang chuyển dần sang xu hướng đầu tư chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini. Bởi, khu vực này tiềm năng phát triển cao cộng thêm thủ tục đăng ký kinh doanh đơn giản, vốn đầu tư ít và khả năng thu hồi vốn nhanh.
Theo đó, các chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam sẽ tăng trưởng 2 con số trong 3 năm tới và đạt mức 37,4% vào năm 2021 – cao nhất trong số các quốc gia được khảo sát.

 Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Vinmart Royal City. Ảnh: Phương Anh-TTXVN

VinMart+ là mô hình chứng tỏ sự thành công của doanh nghiệp Việt Nam trên sân nhà. Với 1.000 cửa hàng tiện lợi được bố trí linh hoạt nằm xen kẽ, rải rác ở khắp các hẻm nhỏ trong các khu dân cư, theo sát tiêu chí “tiện lợi” giúp cho việc mua sắm của khách hàng trở nên dễ dàng và thuận tiện. Hơn nữa, VinMart+ còn đánh vào tâm lý ưu tiên “sức khỏe” của khách hàng Việt khi phục vụ mặt hàng tươi sống, rau củ quả Đà Lạt.
Ngoài ra, những chuỗi cửa hàng bán lẻ của người Việt liên tục tăng trưởng và thêm thành viên mới như Bách Hóa Xanh, Vuivui.com, Satrafood, Co.op Food là dấu hiệu đáng mừng cho hàng hóa Việt Nam.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, xu hướng mua hàng thay đổi không chỉ là khó khăn với doanh nghiệp Việt mà còn là khó khăn chung của cả ngành bán lẻ. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng những lợi thế ngay trên sân nhà thì những doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có cơ hội phát triển. Vì vậy, doanh nghiệp nên lấy đó làm động lực để phát triển thay vì chỉ nghĩ đến sự u ám của cả ngành hàng tiêu dùng nhanh thời gian qua.
Ở góc độ nhà bán lẻ, ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op chia sẻ: "Xét về siêu thị mini thì Saigon Co.op đang chiếm thị phần gần như tuyệt đối với 98%. Với cửa hàng tiện lợi, Saigon Co.op đang từng bước hiện diện bằng các thương hiệu như Co.op Smile, Cheer bởi mô hình đại siêu thị đang là sân chơi của các Tập đoàn nước ngoài".
Ông Diệp Dũng cũng thẳng thắn thừa nhận hiện tại các doanh nghiệp trong nước và ngay cả Saigon Co.op cũng chưa định hình nên phát triển ra sao trong phân khúc đại siêu thị bởi rào cản lớn nhất là tiềm lực tài chính hạn chế.
Hơn nữa, dù được đánh giá là thị trường cạnh tranh nhất thế giới bởi sự góp mặt của hầu hết các thương hiệu lớn, nhưng ngành bán lẻ Việt Nam đang thiếu tính gắn kết nên các doanh nghiệp Việt chủ yếu hoạt động đơn độc trên thương trường.
Khác hẳn với các Tập đoàn bán lẻ lớn đến từ nước ngoài, khi chuẩn bị đầu tư vào một thị trường nào đó, bao giờ họ cũng có sự hậu thuẫn vững chắc từ tuyến sau. Đó không ai khác là những doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ ngân hàng, tài chính, thậm chí tư vấn luật để không gặp phải những điều đáng tiếc.
Theo tư vấn của Giám đốc bộ phận đối tác bán lẻ Nelsen Việt Nam, các nhà bán lẻ cần đẩy mạnh về mặt thương hiệu. Bên cạnh đó, yếu tố cá nhân hoá cũng là điều mà các nhà bán lẻ Việt Nam chú ý; trong đó, Big data – dữ liệu lớn đang là xu hướng nên việc khai thác dữ liệu khách hàng thành viên cũng là kênh khai thác khách hàng mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần thiết kế những chương trình bán hàng mới lạ, thu hút và phát triển ở nhiều kênh để tăng sức cạnh tranh.
Dù có nhiều lợi thế, song doanh nghiệp bán lẻ ngoại không phải là không gặp khó khăn khi vào thị trường Việt Nam. Vì vậy, bà Trịnh Lan Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc (CEO) Bibo Mart cho rằng, các doanh nghiệp nội cần sẵn sàng cho sự chuyển dịch hành vi mua sắm của khách hàng.
Bà Trịnh Lan Phương cũng nêu rõ, dù thị trường rất tiềm năng, nhưng các doanh nghiệp bán lẻ Việt lại thiếu nhiều điều kiện, đó là nguồn nhân lực chất lượng, nền tảng công nghệ hiện đại và hệ thống quản trị chuyên nghiệp.
Đơn cử như hệ thống ERP (hoạch định nguồn lực doanh nghiệp), một mô hình quản lý toàn diện doanh nghiệp hiện nay, nhưng Việt Nam vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp triển khai thành công. Bản thân Bibo Mart cũng vất vả trong việc tuyển dụng nhân sự có chất lượng, trong khi Việt Nam lại chưa có trường đào tạo về nghề bán lẻ.
Theo Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn đến năm 2020 ước khoảng 13%/năm, giai đoạn 2021-2025 đạt 14%/năm.
Xác định thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều tiềm năng, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước phát triển.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Bộ sẽ tiếp tục triển khai 3 nhóm chương trình hành động đã đề ra tại Quyết định số 634 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển thị trường trong nước, gắn với thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Cùng đó, rà soát các cam kết quốc tế và pháp luật trong nước, sớm ban hành các quy định liên quan đến hoạt động phân phối nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của doanh nghiệp trong nước.
Mặt khác, hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ trong nước xúc tiến thương mại và ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp bán lẻ với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Việt Nam cũng như giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu./.

>>> Nhượng quyền thương mại tạo sức hút cho thị trường bán lẻ Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục