Thị trường chứng khoán châu Á chứng kiến mức giảm mạnh

17:56' - 21/04/2021
BNEWS Thị trường chứng khoán châu Á chứng kiến mức giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 21/4, do số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng đã gây sức ép lên tâm lý của nhà đầu tư trên toàn cầu.

Các nước trên thế giới đang khẩn trương làm việc để đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và khôi phục nền kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch, trong bối cảnh các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 khiến số ca mắc mới tăng chưa từng có ở một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Hoạt động bán tháo diễn ra ồ ạt trên thị trường Tokyo (Nhật Bản), với chỉ số Nikkei 225 giảm 2% vào cuối phiên xuống 28.508,55 điểm, sau khi thành phố cảng Osaka yêu cầu chính quyền trung ương ban bố tình trạng khẩn cấp. Sau Osaka, thủ đô Tokyo và một số khu vực lân cận khác dự kiến cũng sẽ đưa ra các biện pháp tương tự.

Số ca mắc COVID-19 gia tăng chỉ ba tháng trước khi Nhật Bản tổ chức Thế vận hội Olympics, vốn từng bị trì hoãn do đại dịch.

Chứng khoán Mumbai giảm 0,5% trong bối cảnh Ấn Độ cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng đáng lo ngại của dịch bệnh. Ngày 19/4, thủ đô New Delhi bị áp lệnh phong tỏa trong một tuần và Chính phủ Ấn Độ thông báo toàn bộ người trưởng thành sẽ đủ điều kiện để tiêm vaccine từ tháng 5/2021, trong bối cảnh chính phủ đang cố gắng kiểm soát cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng này.

Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,8% xuống 28.621,92 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải đi ngang ở mức 3.472,93 điểm. Chứng khoán Sydney giảm 0,3% bất chấp số liệu về doanh số bán lẻ tốt hơn dự kiến, còn chứng khoán Seoul, Wellington và Singapore đều giảm hơn 1%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 21/4 đóng cửa nghỉ lễ.

Trong khi đó, thị trường dầu châu Á cũng giảm phiên thứ hai liên tiếp do giới giao dịch cho rằng nỗi lo về số ca mắc COVID-19 gia tăng tại Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, sẽ tác động bất lợi đến nhu cầu năng lượng.

Chiều 21/4, giá dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng 6/2021 giảm 29 xu Mỹ (0,4%) xuống 66,28 USD/thùng, sau khi giảm 48 xu Mỹ trong phiên 20/4. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao cùng kỳ hạn giảm 34 xu Mỹ (0,5%) xuống 62,33 USD/thùng.

Ravindra Rao, Phó Chủ tịch phụ trách mảng hàng hóa của Kotak Securities, cho biết Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu thô lớn, do đó tình trạng số ca mắc COVID-19 gia tăng và các biện pháp hạn chế được triển khai để ngăn chặn sự lây lan sẽ làm giảm triển vọng nhu cầu.

Theo ông Ravindra Rao, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+ dự kiến sẽ tăng sản lượng trong vài tháng tới,vì thế nếu triển vọng nhu cầu không cải thiện, giá “vàng đen” có thể bị điều chỉnh đáng kể.

Một thông tin khác tác động đến giá dầu là số liệu của Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho thấy lượng dầu tại các kho dự trữ của nước này đã tăng 436.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 16/4, trái ngược với dự báo giảm 3 triệu thùng của các nhà phân tích./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục