Thị trường chứng khoán hồi phục: Ẩn số cổ phiếu dẫn sóng

11:34' - 14/04/2020
BNEWS Các nhóm cổ phiếu dẫn sóng thị trường trong thời gian qua liệu có tiếp tục giữ được đà tăng đang là ẩn số khi mà diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp và khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng.
Nhóm cổ phiếu Bluechip và hầu hết các nhóm cổ phiếu chính trên thị trường như ngân hàng, dầu khí là nguyên nhân giúp VN - Index hồi phục từ đầu tháng 4 đến nay. Trước đó, những nhóm cổ phiếu này cũng là nguyên nhân khiến thị trường giảm kỷ lục. Các nhóm cổ phiếu dẫn sóng thị trường trong thời gian qua có còn tiếp tục giữ được đà tăng hay không đang là ẩn số khi mà diễn biến dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp và khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng. Về mặt kỹ thuật, giới chuyên gia cũng còn nhiều lo ngại cho đà hồi phục của thị trường trong thời gian tới khi chỉ số tiến đến vùng kháng cự mạnh.

*Giảm sâu rồi tăng mạnh

Do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, các chỉ số thị trường chứng khoán đã giảm mạnh cùng với đó là việc khối ngoại bán ròng hàng nghìn tỷ đồng. VN - Index kết thúc tháng 3 đạt 662,53 điểm, giảm 31,2% so với sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, VN - Index đã tăng liên tiếp từ đầu tháng 4 đến nay và hiện ở mốc 765,79 điểm, phục hồi hơn 15,58% so với cuối tháng 3.

Trong tháng 3, Việt Nam xếp thứ 6 trong danh sách những thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới khi chỉ số mất gần 25%. Nhiều cổ phiếu ghi nhận chuỗi giảm sâu trong tình trạng trắng bên mua, thị giá giảm tới hơn 40%.

Theo chuyên gia tài chính Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng Phan Dũng Khánh, với việc thị trường giảm sâu rồi hồi phục nhanh, có sự ảnh hưởng đến từ các mã cổ phiếu vốn hóa lớn, các nhóm cổ phiếu chính trên thị trường. Có thể nhận thấy, những mã cổ phiếu giảm sâu nhất lại chính là những mã hồi phục mạnh nhất trong thời gian qua.

Xét đến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có sức ảnh hưởng mạnh trên thị trường là Vingroup. Tính từ đầu năm đến chốt phiên cuối tháng 3, cổ phiếu vốn hóa đứng đầu thị trường là VIC giảm 27,4%, trong khi VHM giảm hơn 35,2%, VRE giảm tới hơn 44,2%.

Tuy nhiên, sau đó cũng chính là nhóm cổ phiếu này có mức hồi phục ấn tượng. Cụ thể, tính từ đầu tháng 4 đến hết phiên giao dịch ngày 13/4, VIC tăng hơn 15,1%, VHM tăng hơn 22,3%, VRE tăng tới 32,8%.

Bên cạnh đó, một số cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành bán lẻ đã có mức giảm mạnh tính từ đầu năm đến cuối tháng 3 và sau đó đã hồi phục từ đầu tháng 4 đến nay. Có thể kể đến như MWG giảm tới hơn 49,6%, sau đó hồi phục được 22,5%. Cổ phiếu PNJ cũng giảm 45,1% và sau đó cũng hồi phục được 18,5%.

Các cổ phiếu ngành thực phẩm - đồ uống như SAB giảm hơn 46% kể từ đầu năm đến cuối tháng 3, nhưng sau đó cổ phiếu này cũng hồi phục được 14,5%, MSN giảm 13,27% sau đó hồi phục được 18,57%.

Cổ phiếu đầu ngành bảo hiểm là BVH giảm hơn 46% sau đó hồi phục được 25%, cổ phiếu đầu ngành hàng không là VJC cũng giảm hơn 32,6% và hồi phục hơn 19% kể từ đầu tháng 4...Đây đều là những cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa đứng đầu ngành thuộc nhóm VN30 nên có ảnh hưởng quyết định rất lớn đến sự tăng giảm của chỉ số VN - Index.

Bên cạnh đó, các nhóm cổ phiếu lớn như dầu khí, chứng khoán, ngân hàng cũng đều có sự hồi phục tích cực từ mức đáy. Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, nhóm cổ phiếu Bluechip (cổ phiếu của công ty có nền tảng bền vững, có sản phẩm, dịch vụ quen thuộc đối với người tiêu dùng) là động lực tăng trưởng của thị trường, nhưng nhìn rộng ra thì hầu hết các nhóm cổ phiếu chính cũng đều tăng trưởng khá đều trong nhịp phục hồi này.

*Nguy cơ điều chỉnh

Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng Phan Dũng Khánh cũng cho hay, đến cuối tháng 3, thị trường giảm sâu, nhiều cổ phiếu giảm xuống mức giá rất rẻ. Khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam có mức định giá thấp nhất trong khu vực khi P/E chỉ khoảng 10 lần.

Tuy nhiên, thời gian này ghi nhận dòng tiền của nhà đầu tư quay lại nhiều với số lượng tài khoản mở mới ở Việt Nam tăng một cách đột biến, nhưng chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.

Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), ngày 31/3 có gần 2,44 triệu tài khoản chứng khoán, tăng 32.140 tài khoản so với cuối tháng 2; trong đó, tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước tăng 31.832 đơn vị, cao nhất từ tháng 3/2018. Tài khoản của nhà đầu tư tổ chức trong nước tăng 117, cao nhất từ thời điểm tháng 3/2017. 

Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài chỉ đăng ký thêm 191 tài khoản. Theo ông Khánh, đây là con số đăng ký tài khoản mở mới thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây của nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Khánh cũng cho biết, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tới 11 tuần liên tiếp và ông dự đoán tuần này nhà đầu tư sẽ tiếp tục bán ròng, nâng số tuần bán ròng liên tiếp lên con số 12. Điều này có thể thấy, dù thị trường đi xuống hay đi lên thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục bán ròng.

Thực tế, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 lan rộng, khối ngoại bán ròng rất mạnh trong tháng 2 với giá trị hơn 3.840 tỷ đồng. Sang tháng 3, mức bán ròng còn tăng mạnh đột biến với hơn 96.471 tỷ đồng. Chỉ tính từ đầu tháng 4 đến nay, khối ngoại bán ròng hơn 5.366 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Vì vậy, có thể thấy thị trường hồi phục là do sự hưng phấn trong bắt đáy của nhà đầu tư trong nước. Ông Khánh lý giải, tâm lý hưng phấn của giới đầu tư trong nước đến từ việc dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu được kiểm soát. Bên cạnh đó, nhà đầu tư tại Việt Nam cũng đã quen với các thông tin từ dịch bệnh COVID-19 nên không còn tâm lý quá sốc.

Theo chuyên gia này, còn một yếu tố chiếm tỷ trọng khá lớn trong việc giúp mong muốn kiếm tiền từ thị trường chứng khoán tăng cao là do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 là yếu tố thúc đẩy kiếm tiền online trên mạng, mà chứng khoán là sản phẩm hợp pháp, dễ thực hiện giao dịch, có khả năng sinh lời cao được giới đầu tư lựa chọn.

Lấy ví dụ về nhu cầu kinh doanh online, chuyên gia này cho biết, ngay cả Công ty cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) cũng chính thức ra mắt sàn thương mại điện tử. Đây là mô hình kinh doanh bất động sản trực tuyến, khách hàng sẽ mua nhà chỉ qua 4 thao tác: đăng ký/đăng nhập - tìm kiếm sản phẩm - lựa chọn sản phẩm phù hợp - tiến hành đặt cọc/đặt mua là hoàn tất giao dịch.

Theo ông Khánh, việc giao dịch căn nhà trị giá nhiều tỷ đồng qua mạng là không hề dễ dàng và có lẽ điều này chỉ mang tính quảng bá nhiều hơn. Qua câu chuyện này cho thấy chứng khoán là một kênh đầu tư hợp lý trong thời điểm này, vị chuyên gia nêu quan điểm.

“Tuy nhiên, việc thị trường chứng khoán tăng có lẽ chỉ mang tính chất ngắn hạn”, ông Khánh nói.

Theo ông Khánh, thị trường chứng khoán vẫn sẽ có mức tăng trưởng tới khoảng 800 điểm. Thực tế, dù đà tăng vẫn còn nhưng rõ ràng tốc độ tăng đã chậm lại. Chuyên gia này khuyến nghị nhà đầu tư có hàng nên giữ chứ không nên mua thêm cổ phiếu và nên canh giá để bán chốt lời, bởi VN - Index đang đi vào vùng kháng cự khá mạnh là 780 - 800 điểm. Hiện nay, VN - Index đã về mức 765,79 điểm (kết thúc phiên giao dịch 13/2) là mức rất sát với kháng cự mạnh đã nói ở trên.

Là người quan sát kỹ diễn biến thị trường qua từng phiên giao dịch, ông Nguyễn Duy Định, chuyên viên chăm sóc khách hàng cao cấp công ty Chứng khoán MB- MBS nhận xét, đợt tăng giá cổ phiếu từ đầu tháng 4 đến nay là do giá cổ phiếu xuống rẻ tới mức “chạm kỳ vọng” của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, dù nhà đầu tư ngoại liên tiếp bán ròng mạnh, nhưng dòng tiền nội, tiền nhàn rỗi của giới đầu tư trong nước khá dồi dào nhảy vào bắt đáy. Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng thấp, nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhỏ vẫn chưa có hoạt động sản xuất kinh doanh nên có nguồn vốn nhàn rỗi và tiền đấy được đẩy vào thị trường. Việc thị trường vừa có giá thấp, lại vừa kéo được nguồn tiền nhàn rỗi vào nên đã tăng trưởng rất tích cực.

Ông Định cho rằng, câu hỏi đặt ra là thị trường tăng có bền vững hay không, quan trọng nhất là phải xem được xu hướng tới đây việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có sớm trở lại hay không. 

Nhìn nhận về diễn biến thị trường trường trong thời gian tới, ông Định nêu quan điểm, thị trường chứng khoán muốn tiếp tục hồi phục sẽ phụ thuộc yếu tố diễn biến dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được tiếp tục và đầu tư nước ngoài sớm trở lại mua ròng. 

Theo nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC, thông tin về kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp và các số liệu vĩ mô sẽ bắt đầu được công bố trong tháng 4. Ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý I và đặc biệt là quý II của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng.

Thực tế, các cổ phiếu vốn hóa lớn đã hồi phục từ đáy với mức tương đối, trong khi nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang bán ròng và chưa có dấu hiệu quay lại mua ròng. Nhóm cổ phiếu này có còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới hay không có lẽ cũng cần chờ những tín hiệu mua ròng trở lại của nhà đầu tư nước ngoài sau thời gian bán ròng mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục