Thị trường chứng khoán Mỹ “kiên cường” đối mặt với năm 2022 nhiều biến số

22:18' - 18/01/2022
BNEWS Thị trường chứng khoán Mỹ đã tỏ ra vững vàng hơn dự kiến trước những “cơn gió ngược” trong thời gian gần đây.

Không thể phủ nhận rằng Phố Wall đã có một khởi đầu đầy khó khăn sau năm 2021 đầy hứng khởi.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm khoảng 1% và chỉ số S&P 500 đã giảm 2% trong các phiên giao dịch nhiều biến động. Dù vậy, Dow Jones và S&P vẫn chỉ thấp hơn 3% so với mức cao nhất mọi thời đại của hai chỉ số chủ chốt này.

Nhóm cổ phiếu công nghệ đã có một sự khởi đầu trắc trở hơn một chút. Chỉ số Nasdaq đã giảm 5% tính riêng từ đầu năm 2022 và thấp hơn gần 8% so với mức kỷ lục. Giới quan sát cho rằng chỉ số này đang tiến gần đến mức giảm 10% như một sự điều chỉnh sau giai đoạn tăng khá “nóng” trước đó.

Tuy nhiên, bất cứ khi nào thị trường chứng khoán đang có vẻ sẽ giảm mạnh hơn nữa, các nhà đầu tư lại đổ xô vào để mua các mã cổ phiếu xuống giá.

Những biến số khó đoán định

Cho đến nay, giới giao dịch hầu như đã gạt đi những lo ngại về lạm phát, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẵn sàng tăng lãi suất sớm hơn dự kiến ban đầu, cũng như tác động tiềm tàng từ biến thể Omicron đối với nền kinh tế. Tăng trưởng lợi nhuận của thị trường vẫn mạnh mẽ bất chấp những yếu tố này.

Ông Bill Sterling, chiến lược gia toàn cầu của công ty dịch vụ tài chính GW&K Investment Management, cho biết những kỳ vọng của thị trường đã thay đổi, với chu kỳ tăng lãi suất bắt đầu sớm hơn. Nhà đầu tư tỏ ra đang dần ít chịu tác động từ yếu tố này hơn.

Ông Larry Adam, Giám đốc đầu tư của công ty tài chính Raymond James, tỏ ra không ngạc nhiên về khả năng phục hồi của thị trường, vì các điều kiện cơ bản cho lợi nhuận và nền kinh tế vẫn còn vững chắc. Nhưng dù sao thị trường chứng khoán Mỹ vẫn đối mặt với nhiều rủi ro.

Theo ông Adam, các nhà đầu tư cần để mắt tới Fed. Nếu ngân hàng trung ương này phải tăng lãi suất ngắn hạn nhiều hơn dự kiến vì lạm phát phi mã, thị trường có thể đối mặt với nhiều xáo trộn hơn.

Ngoài ra, triển vọng về việc lãi suất dài hạn cao hơn đáng kể cũng có thể kéo chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế và làm giảm giá cổ phiếu.

Trong khi đó, trưởng chiến lược gia đầu tư của công ty môi giới tài chính BOK Financial, ông Steve Wyett, lưu ý rằng nhà đầu tư cần theo dõi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2022 tại Mỹ.

Nhiều khả năng nhà đầu tư chưa tính đến trường hợp tình trạng bế tắc chính trị tại Washington gia tăng, qua đó làm đình trệ các nỗ lực thông qua gói chi tiêu kích thích nếu đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Hạ viện và Thượng viện – một kịch bản mà một số chuyên gia chính trị đã dự báo.

Nền tảng khá vững chắc

Tuy nhiên, các nhà đầu tư có thể tiếp tục bỏ qua bất kỳ yếu tố bất ổn chính trị, diễn biến dịch COVID-19 và thậm chí cả lạm phát tăng phi mã, miễn là lợi nhuận của các công ty tiếp tục duy trì ở mức ổn định.

Theo dự báo từ công ty nghiên cứu thị trường FactSet Research, các nhà phân tích vẫn đang kỳ vọng thu nhập của các công ty thuộc nhóm chỉ số S&P 500 sẽ tăng gần 10% so với năm ngoái. Mặc dù con số này thấp hơn đáng kể so với ước tính tăng trưởng lợi nhuận của năm 2021 là 45%. Đây cũng không phải mức đáng bị coi thường.

Chuyên gia Sterling của GW&K cho rằng đối với những cổ phiếu có lợi nhuận khiêm tốn hơn sẽ đối mặt nhiều khó khăn hơn. Song triển vọng tăng trưởng lợi nhuận nhìn chung vẫn còn vững chắc.

Giới quan sát lưu ý thị trường chứng khoán Mỹ đã rơi vào trạng thái giá xuống (bear market) trong thời gian ngắn khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lây lan tại nước này.

Các chỉ số chính của Phố Wall đã giảm hơn 20% ngay sau khi đợt bùng phát dịch đầu tiên khiến nền kinh tế Mỹ chững lại.

Nhưng rồi, thị trường đã phục hồi mạnh mẽ nhờ nền kinh tế mở cửa trở lại, các chiến dịch tiêm chủng rộng khắp và lợi nhuận doanh nghiệp tăng mạnh.

Vì vậy, miễn là nền kinh tế và lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng, trong khi vaccine giúp các doanh nghiệp tránh phải đóng cửa một lần nữa, Phố Wall khó có thể trải qua một đợt giảm giá mạnh khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục