Khi những "cơn gió ngược" thổi về Trung Quốc

12:43' - 18/01/2022
BNEWS Bước sang năm 2022 kinh tế Trung Quốc lại đứng trước nhiều thách thức khi Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP nước này chỉ tăng 5,1%, tốc độ tăng trưởng chậm thứ hai kể từ năm 1990.

Không những thế, làn sóng COVID-19 mới bất ngờ bùng phát ở Thiên Tân, cửa ngõ chính vào thủ đô Bắc Kinh. Liệu Trung Quốc có vượt qua được sóng gió và giữ được đà tăng trưởng trong năm nay hay không?

Ổn định là ưu tiên hàng đầu

Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương diễn ra vào đầu tháng 12/2021, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng các chính sách kinh tế năm 2022 nên ưu tiên sự ổn định song song với theo đuổi tăng trưởng.

Trung Quốc sẽ tập trung vào sự ổn định và tăng cường tính linh hoạt, khả năng chống chịu của nền kinh tế để đương đầu với những cú sốc có thể xảy ra.

So với năm 2021 chính sách kinh tế vĩ mô trong năm 2022 của Trung Quốc sẽ theo hướng nới lỏng hơn để đảm bảo đạt được sự ổn định tổng thể bền vững trong những điều kiện không chắc chắn.

Sau một thời gian theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiểm soát hoạt động cho vay, Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng cả chính sách tiền tệ và tài khoá để tăng cường thanh khoản trong nền kinh tế.

Hồi tháng 12/2021 Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, tức ngân hàng trung ương) đã cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn kỳ hạn một năm từ 3,85% xuống 3,8%, lần giảm đầu tiên trong 20 tháng nhằm giảm chi phí đi vay cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích chi tiêu và đầu tư tiêu dùng. Bên cạnh đó PBoC còn giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng 0,5 điểm phần trăm xuống 8,4% trong cùng tháng. Đây là lần thứ hai PBoC hạ tỷ lệ RRR.

Nguồn vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là một trọng tâm chính. Với định hướng chung là giữ ổn định, một biện pháp quan trọng để ổn định việc làm là hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn là trọng tâm chính sách kinh tế của Trung Quốc.

Ngày càng có nhiều nhà kinh tế dự đoán PBoC sẽ tiếp tục cắt giảm tỷ lệ RRR cũng như lãi suất chính sách trong quý I/2022, khi đại dịch vẫn diễn biến phức tạp và các đợt phong tỏa gây thêm khó khăn cho một nền kinh tế vốn đã bị "kìm hãm" bởi tiêu dùng tư nhân yếu và khủng hoảng thị trường bất động sản.

Quý I/2022 có thể là "thời điểm quan trọng" để Trung Quốc nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ trước khi Mỹ tăng lãi suất, theo thông tin đăng tải trên Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc.

Các nhà kinh tế của BNP Paribas dự báo PBoC sẽ cắt giảm 0,1 điểm phần trăm đối với lãi suất cho vay trung hạn vào tháng Một hoặc tháng Hai và giảm 0,5 điểm phần trăm đối với tỷ lệ RRR trong quý đầu tiên của năm 2022.

Trong nửa cuối năm ngoái, "cú sốc" niềm tin đối với nhà đầu tư đã "chặn" dòng tiền của các công ty bất động sản Trung Quốc và đẩy lĩnh vực bất động sản rơi vào khủng hoảng nợ sau nhiều năm tăng trưởng "nóng".

Theo ngân hàng Morgan Stanley, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo các công ty phát triển nhà được đáp ứng đủ nhu cầu vốn.

Các ngân hàng thương mại được yêu cầu tăng cường cho vay đối với ngành bất động sản và nới lỏng các hạn chế về phát hành trái phiếu trong nước; tăng cường cho vay đối với người mua nhà và giảm lãi suất các khoản vay. Một số địa phương cũng bắt đầu nới lỏng các hạn chế đối với người mua nhà.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng của Trung Quốc cũng có kế hoạch đưa ra một quy trình tái cơ cấu nợ có kiểm soát để hạn chế bớt các rủi ro liên quan đến việc vỡ nợ của doanh nghiệp bất động sản.

Ngoài biện pháp kích thích tiền tệ, Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách tăng chi tiêu tài khóa vào đầu năm, khi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia yêu cầu các chính quyền địa phương chi tiêu nhiều hơn trong quý I/2022.

Theo WB, để đạt tăng trưởng có chất lượng trong trung hạn Trung Quốc sẽ cần phải tái cân bằng nền kinh tế trên nhiều khía cạnh. Cụ thể là đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế dựa vào tiêu dùng và dịch vụ, để thị trường và khu vực tư nhân đóng một vai trò lớn hơn, chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải carbon.

Để hỗ trợ tái cân bằng, Trung Quốc cần cải cách tài khóa để tạo ra một hệ thống thuế tiến bộ hơn và tăng cường mạng lưới an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các công cụ tài chính xanh.

Trong khi giữ ổn định, Trung Quốc cũng phải tiến hành các cải cách mang tính chiến lược và triển khai đầy đủ các chiến lược khác nhau đề ra trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 14.

Trung Quốc sẽ tập trung vào thúc đẩy các ngành công nghiệp cao cấp, tăng cường xây dựng các công nghệ cốt lõi và mạng lưới sản xuất các bộ phận, thiết bị chủ chốt, củng cố các ngành công nghiệp mới nổi, cải tiến các ngành công nghiệp truyền thống. Vì vậy, chuyển đổi cơ cấu có thể sẽ là một chủ đề chính khác.

Cần chú ý đến sự cân bằng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu liên tục, nếu không việc chuyển đổi có thể mang lại những hiệu ứng chồng chéo không lường trước, làm ảnh hưởng đến trọng tâm chính là sự ổn định.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc trích dẫn thông tin từ cuộc họp nội các do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì mới đây, trong đó cho hay nước này sẽ mở rộng một số chính sách ưu đãi thuế thu nhập để giảm bớt gánh nặng cho các nhóm đối tượng thu nhập trung bình và thấp.

Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc, ông Ren Hongbin, cho rằng tăng trưởng xuất khẩu sẽ có thể chững lại khi mà các nước cùng cạnh tranh nhau về năng lực sản xuất và lạm phát đẩy giá trị xuất khẩu giảm dần. Tăng trưởng xuất khẩu nhanh trong năm 2021 cũng đặt ra áp lực để đạt được thành tích cao hơn vào năm 2022.

Trước tình hình này Trung Quốc sẽ giúp tăng cường năng lực xuất khẩu và khả năng quản lý các rủi ro ngoại hối cho doanh nghiệp. Chính phủ cũng sẽ tăng cường các nỗ lực nhằm giảm áp lực do khó khăn của chuỗi cung ứng và hoạt động vận tải quốc tế, đồng thời cam kết đảm bảo nguồn cung hàng hóa.

Ông Ren nhấn mạnh Trung Quốc sẽ cố gắng bằng mọi cách để giúp cho hoạt động ngoại thương điều chỉnh trong biên độ phù hợp. Các biện pháp này nhắm đến việc bình ổn thương mại vào đầu năm 2022. Ông cho rằng năm 2021 xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng hơn 20% lên mức ước tính khoảng 6.000 tỷ USD.

2021 được coi là "Năm đầu tiên" để Trung Quốc tiến tới trung hòa carbon. Trong năm nay, Chính phủ nước này đã phát hành tài liệu về chính sách hướng tới tương lai trung hòa carbon, cùng một kế hoạch hành động để đưa mức phát thải khí carbon đạt đỉnh trước năm 2030.

Theo hướng dẫn này, Trung Quốc đã đưa ra các đổi mới thể chế và công cụ chính sách mới để hỗ trợ thúc đẩy quá trình khử carbon, bao gồm thiết lập thị trường carbon quốc gia vào tháng 7/2021. Dự kiến, những biện pháp này sẽ đóng một vai trò nổi bật hơn vào năm 2022.

Một báo cáo nghiên cứu của ngân hàng Morgan Stanley năm ngoái dự báo Chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ chính sách mạnh mẽ hơn cho các khoản đầu tư xanh từ năm 2022  như năng lượng tái tạo, mạng lưới điện thông minh, thiết bị lưu trữ điện và nâng cấp thiết bị sản xuất. Sự thúc đẩy theo hướng "xanh hóa" này được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho nền kinh tế Trung Quốc.

Mở cửa hơn nữa nền kinh tế

Ngày 1/1/2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà Trung Quốc là một thành viên đã chính thức có hiệu lực. Trung Quốc nhấn mạnh sự kiện mang tính bước ngoặt này phát đi tín hiệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ủng hộ tự do thương mại và duy trì hệ thống thương mại đa phương. Không dừng tại đó, sự kiện trên còn đánh dấu bước khởi đầu mạnh mẽ của Trung Quốc trong năm 2022 đối với việc mở cửa nền kinh tế hơn.

Trung Quốc cũng đã cam kết mở rộng nền kinh tế ở mức độ cao và mở cửa thể chế, đối xử công bằng đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu hút thêm các công ty đa quốc gia và tạo điều kiện sớm triển khai các dự án lớn có vốn đầu tư nước ngoài vào năm 2022.

Trong bối cảnh đầu tư xuyên biên giới trên toàn cầu giảm mạnh, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc lục địa trong 11 tháng của năm 2021 trên thực tế đã tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2020 lên 157,2 tỷ USD, vượt nguồn vốn FDI của cả năm 2020. Chính phủ Trung Quốc hy vọng xu hướng này tiếp tục trong năm 2022 nhờ những hỗ trợ, ưu đãi về chính sách cho nhà đầu tư nước ngoài.

Là nước chủ nhà Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh diễn ra đầu tháng Hai Trung Quốc cũng đang kỳ vọng vào một Thế vận hội "xanh, chia sẻ, cởi mở và sạch", coi đó là cơ hội quan trọng để thúc đẩy hợp tác công nghệ xanh quốc tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục