Thị trường chứng khoán Mỹ trải qua một tuần giao dịch biến động

14:16' - 05/10/2019
BNEWS Tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ trải qua một tuần giao dịch đầy biến động, khi các nhà đầu tư phải tiếp nhận một loạt thống kê bi quan về tình hình kinh tế.

Bất chấp đà phục hồi trong hai phiên cuối tuần, hai chỉ số chủ chốt trên Phố Wall vẫn ghi dấu một tuần đi xuống.

Tính chung cả tuần, chỉ số S&P 500 giảm 0,3%, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,9%, ngược lại chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,5%.

Sau khi đi lên trong phiên đầu tuần (30/9), chứng khoán Phố Wall quay đầu giảm trong phiên ngày 1/10 theo sau số liệu cho thấy lĩnh vực chế tạo của Mỹ rơi xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Báo cáo của Viện Quản lý Nguồn cung cho thấy chỉ số hoạt động chế tạo trong tháng Chín của Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, trong đó nêu rõ xung đột thương mại là nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng này.

Cụ thể, chỉ số hoạt động chế tạo của Mỹ đã giảm xuống 47,8, so với mức 49,1 của tháng trước đó. Chỉ số sản xuất ở dưới ngưỡng 50 là dấu hiệu của sự sụt giảm.

Báo cáo trên được đưa ra giữa bối cảnh Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 1/10 hạ dự báo tăng trưởng thương mại năm 2019 xuống 1,2%, đồng thời cảnh báo con số này còn có thể xuống thấp hơn nữa nếu căng thẳng thương mại leo thang, tăng trưởng kinh tế toàn cầu hạ nhiệt và việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không đạt được thỏa thuận. 

Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm trong phiên giao dịch 2/10, sau khi số liệu về thị trường việc làm Mỹ càng làm gia tăng nỗi lo về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế trước tình trạng xung đột thương mại.

Công ty ADP ước tính khu vực tư nhân của Mỹ đã tạo thêm 135.000 việc làm trong tháng Chín, thấp hơn dự kiến trước đó và đào sâu mối lo ngại sau số liệu mới đây cho thấy hoạt động chế tạo của Mỹ xuống mức thấp nhất trong 10 năm.

Một số yếu tố khác cũng tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán là nguy cơ xảy ra Brexit không thỏa thuận và khả năng Mỹ áp mức thuế đối với châu Âu sau phán quyết mới đây của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

WTO ngày 2/10 đã chấp thuận cho Mỹ đánh thuế đối với lượng hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU) trị giá 7,5 tỷ USD liên quan đến chính sách trợ cấp trái phép mà Brussels dành cho Airbus.

Ngoài ra, các nhà phân tích cũng lưu ý đến sự sụt giảm lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ, thường được coi là một điềm báo về suy thoái kinh tế. Chiến lược gia của Ken Berman, thuộc Gorilla Trades, nhận định sự sụt giảm của thị trường phản ánh nỗi lo gia tăng về nguy cơ suy thoái kinh tế.

Tới phiên giao dịch ngày 3/10, thị trường chứng khoán Mỹ đảo chiều tăng trở lại nhờ các nhà đầu tư kỳ vọng số liệu kinh tế yếu sẽ thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra nhiều biện pháp kích thích tăng trưởng hơn nữa.

Vào đầu phiên, chứng khoán Mỹ sụt giảm sau khi các nhà đầu tư lo ngại về hoạt động mảng dịch vụ trong tháng Chín giảm xuống mức thấp nhất 3 năm qua.

Báo cáo của Viện Quản lý Nguồn cung về số liệu việc làm và dữ liệu sản xuất của Mỹ trong tuần này càng làm gia tăng nỗi lo kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Tuy nhiên, Phố Wall nhanh chóng phục hồi khi các nhà đầu tư trên thị trường “đặt cược” kỳ vọng vào khả năng Fed sẽ có những biện pháp kích thích kinh tế tăng trưởng.

Trong phiên cuối tuần (4/10), chứng khoán Mỹ đi lên sau khi số liệu việc làm khả quan hơn đã giúp giảm bớt những lo ngại về khả năng kinh tế Mỹ đang trên đà suy thoái.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,42% lên 26.573,72 điểm, chỉ số S& P 500 cũng tăng 1,42%, lên 2.952,01 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,4% lên 7.982,47 điểm.

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng Tám giảm còn 3,5% - thấp nhất kể từ tháng 12/1969, sau khi con số này đã “kẹt” ở mức 3,7% trong ba tháng liên tiếp.

Một thước đo tỷ lệ thất nghiệp khác, bao gồm những người đang làm việc bán thời gian vì họ không thể tìm được công việc toàn thời gian, cũng đã giảm từ 7,2% ghi nhận hồi tháng Tám xuống còn 6,9% vào tháng trước, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2000.

Bên cạnh đó, các nhà giao dịch cho biết, đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ, dẫn đầu là Apple Inc, đã giúp nâng đỡ các chỉ số trong phiên cuối tuần này.

Sau khi mất khoảng 3% trong hai phiên từ 1-2/10, chỉ số S&P 500 phiên 4/10 đã ghi nhận mức tăng trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 16/8, một phần nhờ sự tăng vọt vào phiên cuối.

Giá cổ phiếu của Apple Inc phiên này đã tăng 2,8% sau một báo cáo cho biết, công ty này sẽ đẩy mạnh sản xuất các mẫu iPhone 11.

Tuần này, những đồn đoán về khả năng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất ngày càng tăng sau các số liệu bi quan về hoạt động chế tạo và dịch vụ.

Theo các nhà giao dịch, có 77,5% cơ hội Fed sẽ hạ lãi suất tại cuộc họp chính sách vào cuối tháng này, tăng so với tỷ lệ 40% hôm 30/9.

Trong tháng Chín, Fed đã cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong năm nay và cho biết, mức giảm trong tương lai sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế.

Ngoài ra, các chuyên gia phân tích cũng chỉ ra rằng các cuộc đàm phán thương mại sắp tới giữa Mỹ và Trung Quốc là yếu tố quan trọng để đoán định thị trường trong giai đoạn tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục