Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam có xu hướng vận động ổn định

11:38' - 09/08/2021
BNEWS Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trên đà hội nhập toàn cầu, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam đang có xu hướng vận động ổn định, cùng chiều với thị trường phái sinh thế giới.

 

Sau 4 năm hoạt động, thị trường chứng khoán phái sinh đã có sự phát triển nhanh chóng, vượt các kỳ vọng đặt ra. Đồng thời, chứng khoán phái sinh cũng thể hiện rõ vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro, góp phần ổn định dòng vốn đầu tư trên thị trường cơ sở.

HNX cho rằng, sự phát triển thị trường phái sinh được xem là xu thế tất yếu đối với thị trường Việt Nam và là xu thế phát triển chung của thị trường chứng khoán thế giới. Trong số hơn 100 thị trường chứng khoán trên thế giới và trong khu vực, hiện có khoảng 40 thị trường phái sinh được đưa vào vận hành và có tốc độ tăng trưởng ổn định qua nhiều năm.

Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán phái sinh hiện đang cung cấp 2 dòng sản phẩm là: hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu (hợp đồng tương lai VN30) và hợp đồng tương lai trên trái phiếu Chính phủ.

Hiện nay, sản phẩm hợp đồng tương lai VN30 có thanh khoản cao và ổn định nhất trên thị trường chứng khoán phái sinh trong nước, đặc biệt là trước những diễn biến phức tạp của i dịch COVID19. Trong 7 tháng năm 2021, kỷ lục giao dịch mới được xác định với 403.266 hợp đồng vào phiên giao dịch ngày 12/7/2021.

So với hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30, dòng sản phẩm hợp đồng tương lai trên trái phiếu Chính phủ có thanh khoản chưa cao kể từ khi ra đời vào ngày 4/7/2019. Bởi, còn tồn tại một số hạn chế nhất định gây trở ngại cho sự tham gia của ngân hàng thương mại, vốn được xem là đối tượng đầu tư quan trọng nhất mà dòng sản phẩm này hướng tới.

Dù vậy trong dài hạn, hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ vẫn được các chuyên gia kỳ vọng sẽ trở thành công cụ phòng ngừa rủi ro cho ngân hàng thương mại trên thị trường trái phiếu Chính phủ.

Tổng khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm từ ngày 4/7/2019 đến hết ngày 06/8/2021 là 296 hợp đồng, không có hợp đồng mở.

Ngày 28/6/2021, HNX cũng chính thức khai trương sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm, nhằm đáp ứng sát hơn nữa nhu cầu phòng vệ trên thị trường trái phiếu Chính phủ cơ sở.

Khối lượng giao dịch của hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm tính đến hết ngày 6/8/2021 đạt 1.123 hợp đồng và 149 hợp đồng mở. Mức giao dịch này tuy chưa cao nhưng cũng là tín hiệu tích cực cho thị trường sau một thời gian thiếu vắng giao dịch với hợp đồng tương lai trên trái phiếu Chính phủ.

Hợp đồng mở toàn thị trường cũng được duy trì tăng ổn định qua các năm. Thị trường khai trương với 202 hợp đồng mở. Đến ngày 31/12/2020, đạt 40.339 hợp đồng mở. Tính đến cuối phiên giao dịch thứ 1.000 (ngày 6/8/2020), hợp đồng mở toàn thị trường đạt 37.614 hợp đồng, gấp 4,65 lần so với cuối năm 2017.   

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho rằng, sự ra đời của thị trường phái sinh với một hệ thống cơ sở pháp lý được xây dựng chặt chẽ từ Luật Chứng khoán, Nghị định về thị trường chứng khoán phái sinh, thông tư và hệ thống quy chế, quy trình hướng dẫn tại các đơn vị vận hành thị trường là HNX và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã và đang đặt những nền móng quan trọng. Từ đó, tạo đà củng cố và hoàn thiện hơn nữa cơ sở pháp lý cho thị trường về dài hạn.

Hoạt động vận hành hệ thống, công bố thông tin được giám sát hiệu quả và thông suốt. Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của công chúng đầu tư, giới nghiên cứu, cơ quan truyền thông trong nước và thế giới.

Năm 2019-2020, nhiều công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, ngân hàng đến từ Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore, và Đài Loan (Trung Quốc) đã đề xuất các hình thức xúc tiến đầu tư cho sản phẩm hợp đồng tương lai VN30 với HNX.

Hiện HNX đang trình Bộ Tài chính cho phép thực hiện các thủ tục để hợp đồng tương lai VN30 sớm được cơ quan nước sở tại cho phép các công ty môi giới, giới thiệu rộng rãi sản phẩm này tới cộng đồng các nhà đầu tư tại Đài Loan (Trung Quốc).

thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam đang có xu hướng vận động ổn định, cùng chiều với thị trường phái sinh thế giới. . Ảnh minh họa: HNX
Trong năm 2020, khi thị trường phái sinh thế giới tăng trưởng 35% so với 2019, đạt 46 tỷ hợp đồng thì thị trường chứng khoán phái sinh trong nước cũng đạt mức tăng trưởng gần 80%, đạt gần 40 triệu hợp đồng. Trong 7 tháng năm 2021, tăng trưởng của thị trường chứng khoán phái sinh trong nước đạt hơn 16%, trong khi con số này trên thế giới là khoảng 33%.

Kể từ khi phái sinh ra đời, những “cú sốc” trên trên thị trường chứng khoán cơ sở do các thông tin cơ bản không tích cực gây nên đã giảm đáng kể cả về số lượng và mức độ tác động; đồng thời, nhà đầu tư cũng không ồ ạt rút tiền khỏi thị trường chứng khoán như trước đây.

Theo HNX, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thị trường chứng khoán phái sinh vẫn tồn tại một số hạn chế cần được lưu tâm khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể như: cơ cấu sản phẩm trên thị trường chưa thật sự đa dạng để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán phái sinh cũng chưa thực sự đa dạng, chủ yếu nhà đầu tư cá nhân vẫn là đối tượng chiếm đa số.

HNX đang tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới như: hợp đồng tương lai trên chỉ số cố phiếu khác, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu đơn lẻ (SSF), hợp đồng quyền chọn trên chỉ số chứng khoán và hợp đồng quyền chọn trên cổ phiếu đơn lẻ (SSO).

Lộ trình cho mỗi sản phẩm sẽ theo sát chủ trương được Chính phủ phê duyệt, gắn với mức độ ổn định của hạ tầng công nghệ cũng như mức độ sẵn sàng của thị trường.

Về hệ thống công nghệ, hệ thống giao dịch bù trừ thanh toán mới thuộc gói thầu với Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) đang được tích cực thử nghiệm và khi hoàn thiện. Khi hệ thống được đưa vào vận hành, kỳ vọng sẽ cung cấp thêm nhiều chức năng giao dịch ưu việt cho thị trường phái sinh, đảm bảo định hướng phát triển dài hạn của thị trường, HNX thông tin./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục