Thị trường chứng khoán tuần tới: Có thể giằng co và rung lắc trong biên độ hẹp

09:12' - 21/10/2018
BNEWS Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua (từ 15 – 19/10) tiếp tục xu hướng giằng co với các phiên tăng giảm đan xen.

Tính chung cả tuần, VN - Index có 3 phiên giảm điểm và 2 phiên tăng điểm.

Thị trường chứng khoán tuần qua: Có thể giằng co và rung lắc trong biên độ hẹp. Ảnh minh họa: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

VN - Index kết thúc tuần giảm 1,21% xuống 958,36 điểm, trong khi HNX - Index cũng giảm 1,51% xuống 108,1 điểm.

Tuần qua, thị trường chứng khoán thế giới diễn biến tiêu cực cũng như chưa có thêm thông tin mới hỗ trợ khiến nhà đầu tư trong nước thận trọng giải ngân và thanh khoản trên cả hai sàn đồng loạt giảm.

Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 127,41 triệu đơn vị/phiên, giảm tới 41.25% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 35,5 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 38,76%.

Trong khi nhà đầu tư nội thận trọng trong giải ngân thì nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng trên 2 sàn niêm yết.

Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 201 tỷ đồng trên cả hai sàn; trong đó, khối ngoại bán ròng trên HOSE với hơn 131,8 tỷ đồng và bán ròng trên HNX hơn 70 tỷ đồng.

Quan sát diễn biến các phiên giao dịch, đặc biệt là phiên cuối tuần có thể thấy thanh khoản yếu là do nhà đầu tư hạn chế cung cổ phiếu nên áp lực bán của thị trường không cao. Bên cạnh đó, lực cầu thị trường cũng rất yếu khiến giao dịch trong những phiên cuối tuần rất ảm đạm.

Việc nhà đầu tư đang thận trọng trong giao dịch có lẽ sẽ giúp thị trường khó giảm sâu, nhưng cũng khiến thị trường khó bứt phá đi lên trong tuần tới.

Với việc thị trường đi xuống thì hầu hết các mã cổ phiếu chính đều ở chiểu giảm giá. Cụ thể, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng giảm mạnh với: VCB giảm 3,7%, CTG giảm 2,8%, VPB giảm 1,4%, MBB giảm 3,7%, ACB giảm 3,1%, SHB giảm 2,4%...

Mặc dù kết quả kinh doanh quý 3 của ngành ngân hàng được dự báo khả quan, nhưng việc thanh khoản yếu cùng diễn biến “lình xình” của thị trường chung đang là những khó khăn gây cản trở sự tăng trưởng của nhóm cổ phiếu này trong tuần giao dịch tới.

Theo nhóm phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sacombank: “Mùa báo cáo tài chính quý 3 từng được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng là động lực tích cực hỗ trợ thị trường, nhưng theo thống kê đã công bố của những doanh nghiệp, chúng tôi đánh giá kết quả kinh doanh quý 3 không có sự đột biến trên nền tảng chung và chưa thể là động lực như kỳ vọng.”

Thực tế, giá cổ phiếu thường tăng trước khi công ty đua ra báo cáo kết quả kinh doanh, nếu doanh nghiệp làm ăn có lãi.

Tuần qua, nhiều công ty chứng khoán cũng đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 với sự khả quan. Tuy vậy, hầu hết các mã cổ phiếu ngành chứng khoán đều giảm giá, dù trong số này có cả cổ phiếu của những công ty báo lãi lớn trong quý 3.

Cụ thể, SSI giảm 2,6%, HCM giảm 4,5%, VCI giảm 1,1%, VND giảm 4,8%, SHS giảm 0,7%, MBS giảm 0,6%... Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng giảm rất sâu với GAS giảm 6,6%, PLX giảm 3,4%, PVS giảm 0,2%,...

Cổ phiếu dầu khí thường cùng chiều xu hướng với giá dầu thế giới. Tuần qua, căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Saudi Arabia liên quan đến vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích đã khiến giá dầu thế giới ghi nhận các phiên tăng giá. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu Brent vẫn mất tới 0,8%. Nguyên nhân là do liên tiếp xuất hiện những thông tin cho thấy sản lượng dầu của Mỹ không ngừng gia tăng và diễn biến ảm đạm của thị trường chứng khoán toàn cầu.

Như vậy, diễn biến nội tại của nhóm cổ phiếu dầu khí và yếu tố giá dầu đang ảnh hưởng tiêu cực lên nhóm cổ phiếu này trong tuần giao dịch tới.

Thị trường không giảm quá mạnh là do những mã cổ phiếu vốn hóa rất lớn diễn biến tích cực. Cụ thể trong tuần qua, cổ phiếu VIC đã tăng tới 3,2%, đây là cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường nên có tác động tích cực đến chỉ số. Ngoài ra, cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc ngành bất động sản là NVL cũng tăng 3%.

Ở chiều ngược lại, một số mã vốn hóa lớn quan trọng giảm giá như: VHM giảm 2,7%, VJC giảm 6,5%, VNM giảm 1,4%.

Theo giới phân tích, thông tin về kết quả kinh doanh quý 3 và dự báo khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp có thể khiến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục diễn biến phân hóa.

Nhóm phân phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Hà Nội cho rằng, yếu tố tích cực hiện tại có lẽ chỉ còn là công bố kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp trên sàn, nhưng theo quan sát thì việc này thường dẫn đến sự phân hóa trên thị trường và đà tăng không thực sự vững chắc.

SHS cũng chỉ ra các yếu tố tiêu cực hiện tại có thể tác động tới thị trường như: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay; nền kinh tế Trung Quốc trong quý 3 tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009 đến nay; cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

“Ở góc độ kỹ thuật, thị trường vẫn đang được giao dịch trong một vùng giá trung tính nên khả năng giảm mạnh cũng như tăng mạnh trong tuần tới không được đánh giá cao. Dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (22 - 26/10), VN-Index có thể sẽ giằng co và rung lắc với kháng cự tại 970 - 990 điểm và hỗ trợ tại 930 -940 điểm”, SHS nhận định.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, thị trường tiếp tục giảm điểm, nhưng đã xuất hiện lực cầu bắt đáy khá mạnh. Dòng tiền tiếp tục tập trung vào các cổ phiếu vừa và nhỏ. Đây là thời điểm công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 nên sự phân hóa trong thời gian tới sẽ diễn ra mạnh mẽ dựa trên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Dưới góc nhìn của Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam thì rủi ro điều chỉnh hiện gia tăng khi các chỉ số đang dao động mạnh. Tâm lý thị trường cũng trở nên tiêu cực và nhà đầu tư cần thận trọng, chờ đợi sự củng cố của thị trường.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục