Thị trường chứng khoán vẫn chịu áp lực rủi ro

17:10' - 29/10/2022
BNEWS Những biến động vĩ mô liên quan đến lãi suất, tỷ giá, thị trường trái phiếu... dẫn tới việc khó xác định liệu thị trường đã hình thành đáy dài hạn hay chưa?
Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch (từ 24 - 28/10) với nhiều biến động khi VN-Index đã giảm mạnh về 962,45 điểm trước khi phục hồi trở lại ở mức 1.027,36 điểm. Nếu tính từ đỉnh giá cao nhất năm 2022 tương ứng 1.536,24 điểm thì VN-Index đã giảm tới 37,35% tại đáy 962,45 điểm, lớn hơn cả đợt suy giảm mạnh xảy ra do đại dịch COVID-19 hồi đầu năm 2020. Giới phân tích cho rằng, áp lực bán tháo, giải chấp tăng lên trong quá trình thị trường giảm điểm, nhà đầu tư cũng bị tác động tâm lý tiêu cực dưới những động thái về lãi suất, tỷ giá và thị trường trái phiếu.

*Liệu thị trường đã hình thành đáy dài hạn?

Có góc nhìn thận trọng, các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, thị trường đang chịu áp lực bán tương đương thời điểm khủng hoảng do đại dịch COVID-19 tháng 3/2020, cùng với những biến động vĩ mô liên quan đến lãi suất, tỷ giá, thị trường trái phiếu... dẫn tới việc khó xác định liệu thị trường đã hình thành đáy dài hạn hay chưa...

SHS khuyên nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý, chờ thị trường chung ổn định trở lại. Có thể xem xét, lên lại danh mục theo dõi đầu tư. Ưu tiên các mã cơ bản tốt, tỷ trọng tiền mặt cao, trong các nhóm ngành như khu công nghiệp, cảng biển, năng lượng..., các mã ít chịu ảnh hưởng từ diễn biến của tình hình trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.

Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, trong ngắn hạn, tâm lý thị trường trở nên lạc quan do VN-Index vượt qua ngưỡng 1.000 điểm với khối lượng tăng. Điều đó ngụ ý một sự phục hồi trong ngắn hạn. Tuy nhiên, tín hiệu tăng không đủ để xác nhận xu hướng tăng trong trung hạn. Do đó, nhà đầu tư vẫn cần đứng ngoài quan sát và chờ đợi thêm các tín hiệu khác.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, tiếp nối phiên giảm điểm mạnh thứ 6 tuần trước, các chỉ số chứng khoán Việt Nam tiếp tục lùi sâu trong 2 phiên đầu tuần do phản ứng của thị trường trước diễn biến căng thẳng tỷ giá và khả năng Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành; áp lực bán giải chấp tăng mạnh tại nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán, tâm lý hoang mang của nhà đầu tư trước những tin đồn lan truyền trên thị trường.

Chỉ số VN-Index lùi về mức thấp nhất là 962,5 điểm, giảm 5,6% so với cuối tuần trước trong phiên ngày thứ ba và cuối ngày đóng cửa ở mức 981,2 điểm, giảm 3,8% so với cuối tuần trước. Tuy nhiên, cầu bắt đầu gia tăng trong 2 phiên giữa tuần sau khi tâm lý thị trường được gỡ bỏ khi có tin Ngân hàng Nhà nước chính thức nâng lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản, cũng với việc những tin đồn lan truyền trước đó lần lượt được các cơ quan chức năng và doanh nghiệp bác bỏ. Các chỉ số chứng khoán phục hồi ấn tượng trong phiên ngày thứ 5 với chỉ số VN-Index tăng tới 42,1 điểm.

Chốt tuần, chỉ số VN-Index lấy lại mốc tâm lý 1.000 điểm và đóng cửa tại 1027,4 điểm, tăng 0,7% so với cuối tuần trước. Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán trên sàn Hà Nội có diễn biến kém tích cực hơn, với cả 2 chỉ số đều chốt tuần giảm điểm so với tuần trước. Cụ thể, HNX-Index giảm về mức 213,7 điểm, giảm 1,7% so với cuối tuần trước và UPCOM-Index giảm về mức 76,1 điểm, giảm 3,2% so với cuối tuần trước.

Thanh khoản thị trường cải thiện nhẹ, tăng 8,2% so với tuần trước với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt 12.642 tỷ đồng/phiên. Tuần qua, trên sàn HOSE, khối ngoại đã gia tăng giá trị bán ròng lên mức 3.648 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức bán ròng 127 tỷ đồng tuần trước. Bên cạnh đó, khối ngoại cũng giảm giá trị mua ròng trên sàn HNX về mức 89 tỷ đồng, giảm 40,2% so với tuần trước và giảm 37% giá trị mua ròng trên UPCOM về mức 1,6 tỷ đồng.

Diễn biến tích cực của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tuần qua là yếu tố giúp thị trường phục hồi; trong đó,tiêu biểu nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã báo cáo kết quả kinh doanh với lợi nhuận tăng trưởng cao thúc đẩy đà tăng của cổ phiếu, phải kể đến các tên tuổi như như: BID tăng 3,7%, VPB tăng 5,1%, VCB tăng 5,3%, TCB tăng 6,6%, SSB tăng 7,5%, ACB tăng 9,3%, MBB tăng 9,6%, CTG tăng 11,1%.

Dòng tiền cũng hướng tới nhiều cổ phiếu Bluechip (cổ phiếu của công ty có uy tín và tình hình tài chính vững chắc, giá trị vốn hóa thị trường lớn) khác bao gồm MSN tăng 12,2%, FPT tăng 1,5%, VNM tăng 1,3%. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu Bất động sản vẫn diễn biến tiêu cực trước lo ngại về dòng tiền huy động qua kênh trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhiều cổ phiếu bất động sản nhà ở tiếp tục lao dốc, bao gồm NVL giảm 3,3%, DIG giảm 19,3%, DXG giảm 9,4%, NLG giảm 6,5%, VHM giảm 6,4%, KDH giảm 3,6%.

Phân khúc bất động sản khu công nghiệp cũng có diễn biến tương tự, bao gồm KBC giảm 17%, VGC giảm 13,3% và BCM giảm 2%.

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT nhận định, tâm điểm thị trường tuần tới là cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) diễn ra trong 2 ngày 1-2/11. Tuy vậy, kết quả của cuộc họp trên có thể sẽ không gây ra bất ngờ và xáo trộn lớn trên thị trường khi xác suất rất cao Fed sẽ tiếp tục tăng 75 điểm cơ bản lãi suất điều hành trong cuộc họp này. Thay vào đó, thị trường quan tâm nhiều hơn tới bài phát biểu của chủ tịch Fed về định hướng chính sách trong giai đoạn tới. Với việc đã có thêm những bằng chứng cho thấy lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt, thị trường kỳ vọng Fed không đưa ra quan điểm diều hâu hơn về thắt chặt chính sách trong cuộc họp này.

Trong nước, tâm lý thị trường có thể dần bình ổn trở lại khi các tin xấu lần lượt đã ra và giai đoạn căng thẳng nhất về thanh khoản hệ thống đã qua. Do đó, Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể tích lũy trên ngưỡng 1.000 điểm trước khi có một nhịp phục hồi về vùng 1.050-1.070 điểm.

Theo VNDIRECT, mặc dù đã có một tuần giao dịch dễ thở hơn khi chỉ số VN-Index quay đầu tăng điểm nhẹ, công ty chứng khoán này đánh giá rủi ro thị trường vẫn đang ở mức cao trước những biến động về tỷ giá, lãi suất, chính sách tiền tệ trong và ngoài nước.

Do đó, nhà đầu tư nên duy trì tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt vừa phải ở mức 70/30 và hạn chế tối đa sử dụng margin (vay giao dịch ký quỹ) để có thể chủ động trước mọi tình huống khó lường và giảm thiểu rủi ro.

Đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao cũng chưa nên giải ngân vội vã mà nên chờ đợi những tín hiệu thị trường tích cực hơn, bao gồm điểm số, thanh khoản, dòng tiền…trước khi gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

*Chứng khoán Mỹ và châu Á trái chiều

Chứng khoán Việt Nam có những phiên tăng giảm khá tương đồng với thị trường thế giới. Phiên tăng điểm vào cuối tuần đã giúp thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục đón nhận tuần đi lên, sau khi dữ liệu mới cho thấy lạm phát của Mỹ đã tăng trưởng chậm lại và tâm lý người tiêu dùng ổn định.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 27/10, sắc xanh lại trở lại trên Phố Wall, bất chấp đà sụt giảm của cổ phiếu Amazon. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2,6% lên 32.861,80 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến gần 2,5% lên 3.901,06 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cộng 2,9% lên 11.102,45 điểm.

Tính chung cả tuần qua, các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đều đạt mức tăng đáng kể, đánh dấu tuần đi lên thứ tư liên tiếp đầu tiên của Dow Jones kể từ chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp hồi tháng 11/2021.

Dow Jones đã tiến 5,7% trong tuần qua, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2022, đồng thời ghi nhận tháng tốt nhất kể từ tháng 1/1976. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 3,9% và 2,2% trong tuần qua.

Megan Horneman, Giám đốc đầu tư tại Verdence, nhận định: “Dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tháng Chín thực sự không tệ. Báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp không tốt, nhưng cũng không xấu. Điều đó sẽ giúp ích cho thị trường chứng khoán”.

Tại châu Á, phần lớn thị trường chứng khoán giảm điểm trong phiên cuối tuần ngày 28/10, trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu và các “gã khổng lồ” công nghệ công bố báo cáo lợi nhuận đáng thất vọng đã làm “lấn át” dấu hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương có thể bắt đầu làm chậm tốc độ tăng lãi suất.

Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 0,9% xuống 27.105,20 điểm, trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi một gói kích thích mới, mà theo truyền thông địa phương đưa tin gói kích thích này có thể trị giá tới 200 tỷ USD, khi chính phủ cố gắng khởi động nền kinh tế và đưa đất nước thoát khỏi lạm phát và đồng yen yếu hơn.

Đồng yen đã giảm nhẹ so với đồng USD trong phiên ngày 28/10, mặc dù đồng tiền này đã tăng trở lại kể từ khi chạm mức thấp nhất trong 32 năm vào tuần trước sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng nhằm thúc đẩy nền kinh tế.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 2,3% xuống 2.915,93 điểm, còn chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 3,9% xuống 14.829,07 điểm do những quan ngại Trung Quốc sẽ tiếp tục mạnh tay chấn chỉnh lĩnh vực công nghệ.

Chứng khoán Sydney, Seoul, Đài Bắc, Manila và Jakarta cũng giảm. Ngược lại, chứng khoán Singapore, Wellington, Mumbai và Bangkok tăng điểm.

Sau khi bị chi phối bởi lo ngại rằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng để chống lại lạm phát trong hầu hết năm, tuần trước các nhà giao dịch đã đón nhận tín hiệu vui với báo cáo cho thấy Fed có thể sớm giảm tiến độ tăng lãi suất.

Trong khi đó, một loạt dữ liệu cho thấy nền kinh tế đầu tàu thế giới đang dần cảm nhận thấy tác động của lãi suất cao hơn, qua đó cho phép Fed có cơ hội để thay đổi kế hoạch khi cần thiết.  Hiện mọi sự chú ý đang hướng đến quyết định chính sách tiếp theo của Fed, dự kiến công bố ngày 2/11.

Mặc dù có nhiều đồn đoán về việc Fed sẽ công bố một đợt tăng lãi suất lớn khác, song các nhà giao dịch sẽ xem xét tuyên bố sau cuộc họp để tìm kiếm manh mối về kế hoạch cho tháng 12 và năm 2023, với hy vọng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục