Thị trường chứng khoán Việt Nam: 1.171 điểm là mốc tâm lý hay mức cản của thị trường?

20:16' - 23/03/2018
BNEWS Chỉ số VN-Index được dự báo sẽ tăng cao hơn mức “ đỉnh” đã đạt được. Tuy nhiên, rủi ro và cơ hội ở bất kỳ giai đoạn nào của thị trường đều tồn tại song hành.
Thị trường chứng khoán Việt Nam: 1.171 điểm là mốc tâm lý hay mức cản của thị trường?. Ảnh minh họa: TTXVN

Mặc dù, phiên giao dịch ngày 23/3, thị trường chứng khoán điều chỉnh giảm sau khi vượt “đỉnh” lịch sử 1.171 điểm nhưng giới đầu tư và các chuyên gia cho rằng, việc giảm điểm của các chỉ số chỉ là tạm thời và chỉ số VN-Index được dự báo sẽ tăng cao hơn mức “ đỉnh” đã đạt được. Tuy nhiên, rủi ro và cơ hội ở bất kỳ giai đoạn nào của thị trường đều tồn tại song hành.

* Thị trường giảm mạnh sau vượt đỉnh lịch sử

Sự đi xuống của thị trường tài chính thế giới đã tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư. Theo đó, VN-Index điều chỉnh mạnh đầu phiên giao dịch ngày 23/3 với hàng loạt các cổ phiếu trụ cột suy yếu. Có thời điểm VN-Index giảm hơn 28 điểm.

Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy gia tăng giúp VN-Index thu hẹp đà giảm. Thanh khoản 2 sàn ở mức cao, với tổng khối lượng giao dịch đạt 351 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 9.300 tỷ đồng; trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm khoảng 1.000 tỷ đồng.

Khối ngoại cũng tích cực mua ròng trên cả hai sàn. Cụ thể, khối ngoại mua vào 23,3 triệu cổ phiếu, trị giá 1.122,3 tỷ đồng, và bán ra 19,3 triệu cổ phiếu, trị giá trên 853,3 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 4 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 269 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch chiều 23/3, VN-Index giảm hơn 18,77 điểm xuống 1.153,59 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 262 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị hơn 7.757,1 tỷ đồng. Toàn sàn có 75 mã tăng giá, 33 mã đứng giá và 230 mã giảm giá.

HNX-Index giảm 2,17 điểm xuống 131,88 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 89 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị trên 1.536,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 54 mã tăng giá, 70 mã đứng giá và 117 mã giảm giá.

Nhóm cổ phiếu VN30 (30 mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường) chỉ còn có 3 mã tăng giá là SAB, VIC, DHG; trong đó SAB tăng tới 4.400 đồng/cổ phiếu, VIC tăng 1.500 đồng/cổ phiếu và DHG tăng tới 6.000 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là những mã cổ phiếu có mức tăng mạnh nhất thị trường, dẫn dắt thị trường chung, giúp VN- Index không giảm quá sâu.

Trong nhóm cổ phiếu VN30 có những mã giảm giá rất mạnh như ROS giảm tới 10.100 đồng xuống mức giá sàn 135.100 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VNM cũng giảm tới 2.000 đồng/cổ phiếu, GAS giảm 2.900 đồng/cổ phiếu, BVH giảm 4.300 đồng/cổ phiếu, FPT giảm 1.500 đồng/cổ phiếu, MSN giảm 1.600 đồng/cổ phiếu.

Hai mã cổ phiếu ngành thép thuộc nhóm VN30 cũng kết phiên trong sắc đỏ. Cụ thể HPG giảm tới 1.400 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh trên 5,4 triệu đơn vị, trong khi HSG giảm nhẹ 100 đồng/cổ phiếu. Mặc dù giảm giá, nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn tích cực mua ròng 2 cổ phiếu này.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm rất sâu. Duy nhất chỉ còn có KLB giữ được sắc xanh và có mức thanh khoản rất hạn chế, đạt 500 cổ phiếu.

Trong nhóm ngân hàng có nhiều mã giảm sâu như VCB giảm tới 2.100 đồng/cổ phiếu, BID giảm 1.950 đồng/cổ phiếu, VPB giảm 1.500 đồng/cổ phiếu, CTG giảm 850 đồng/cổ phiếu, ACB giảm 1.000 đồng/cổ phiếu. Các mã cổ phiếu ACB, EIB, HDB, LPB, MBB, NVB, SHB, STB, VIB có mức giảm từ 250- 600 đồng/cổ phiếu.

Mặc dù nhóm ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm giá, nhưng điều tích cực là dòng tiền vẫn chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu này với thanh khoản tăng cao.

Cụ thể, CTG mặc dù kết phiên giá đỏ nhưng khớp lệnh tới trên 13,2 triệu đơn vị, SHB cũng khớp lệnh gần 25 triệu cổ phiếu, STB khớp lệnh trên 17,4 triệu đơn vị, trong khi MBB khớp lệnh trên 9,9 triệu cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng chìm trong “biển lửa” với PLX giảm 1.800 đồng/cổ phiếu. BSR, OIL, POW, PVD, PVO đều giảm giá khá mạnh. PVS và PVI là 2 mã cổ phiếu giữ được sắc xanh, tuy nhiên mức tăng lại rất khiêm tốn chỉ 100 đồng/cổ phiếu.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HNG tăng 110 đồng lên 9.150 đồng/cổ phiếu, trong khi HAG giảm mạnh 190 đồng xuống 7.000 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh 6 triệu đơn vị.

*Mốc tâm lý hay mức cản của thị trường?

Ông Ngô Thế Hiển, Phó Trưởng phòng phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) VN-Index cho rằng, không thể so sánh mức đỉnh của thị trường hiện nay với thời điểm thị trường đạt đỉnh vào năm 2007, vì nền tảng thị trường không tương đồng cho việc so sánh.

Năm 2007, quy mô thị trường khác xa so với bây giờ, số lượng các mã lên sàn năm 2007 còn ít, phản ứng của nhà đầu tư đối với những biến động của thị trường cũng rất khác nhau, bối cảnh trong nước và quốc tế đều khác nhau nhiều. Đặc biệt là nền kinh tế Việt Nam bây giờ rõ ràng là khác rất nhiều so với thời điểm năm 2007, tức là ở 2 thời điểm đấy mọi thứ hoàn toàn khác nhau. Sự giống nhau chỉ ở con số thể hiện của chỉ số VN-Index.

“Nhiều người vẫn cho rằng mức điểm 1.171 điểm là đỉnh, nhưng tôi cho rằng cái đỉnh đấy chỉ là một ngưỡng cản về mặt tâm lý, chỉ là một con số hiện trên bảng điện tử trong quá khứ mà thôi”, ông Hiển nói.

Thực tế, thị trường chứng khoán hiện nay đang ở đỉnh cao trong lịch sử xét về quy mô, số lượng doanh nghiệp niêm yết và tính thanh khoản. So với giai đoạn năm 2007, mức vốn hóa thị trường đã thay đổi từ 423.000 tỷ đồng lên 3.360.000 tỷ đồng (chiếm 70% GDP), tức tăng 8 lần.

Số lượng doanh nghiệp niêm yết trên thị trường ghi nhận con số tăng mạnh mẽ, từ 85 mã chứng khoán niêm yết tăng lên 739 mã, bên cạnh đó là hơn 700 mã đăng ký giao dịch trên UPCoM. Thanh khoản thị trường với những phiên giá trị trên 10.000 tỷ đồng không còn là bất ngờ với nhà đầu tư.

Ông Hiển cũng cho rằng, hiện nay nhà đầu tư phản ứng trước việc vượt đỉnh của thị trường chứng khoán đã khác xưa rất nhiều. Nhà đầu tư cũng không quá thận trọng, hoặc hưng phấn về việc thị trường vượt đỉnh, mà đón nhận chuyện ấy một cách rất bình tĩnh. Có lẽ nhà đầu tư quan tâm hơn vào xu hướng của nền kinh tế và của thị trường chứng khoán trong giai đoạn tới.

“Về xu hướng trung và dài hạn, vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường đi lên, tuy nhiên thị trường đi lên đến mức nào thì cũng khó đoán”, ông Hiển nhận định.

Rõ ràng là thị trường hôm nay mặc dù điều chỉnh trên diện rộng, nhưng thanh khoản lại tăng cao hơn trong phiên giao dịch hôm qua, cho thấy giới đầu tư vẫn "nhảy" vào mua bắt đáy cổ phiếu ở vùng giá thấp. Tiền vẫn tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán.

Anh Lê Trung Thành, nhà đầu tư chứng khoán có nhiều kinh nghiệm “chinh chiến” cho rằng, thị trường hiện nay có rất nhiều cổ phiếu mới niêm yết, lượng giao dịch tăng lên rất nhiều, vì vậy điểm số của thị trường hiện nay cũng không phản ánh được hết bản chất thật sự của thị trường. Khi mà mức hàng hóa trên sàn nhiều như vậy thì đây thực sự đã là “đỉnh” chưa, anh Thành đặt câu hỏi.

Anh Thành cho rằng, so sánh mức đỉnh của thị trường bây giờ với mức đỉnh của thị trường trong quá khứ rõ ràng là khập khiễng. Vì vậy, nếu so sánh điểm số VN-Index bây giờ với năm 2007 mà cho rằng thị trường có thể rủi ro là không hợp lý.

“Tôi có được biết một số thông tin cho rằng, chứng khoán Âu-Mỹ lao dốc vì lo ngại về cuộc chiến thương mại nổi lên sau thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Thông tin này lại rất trùng hợp với việc thị trường chứng khoán Việt Nam phiên hôm nay có phiên giảm mạnh.

Bản chất của việc giảm điểm này có lẽ không phải như vậy, có thể thấy chỉ số VN-Index tăng tới 9 phiên liên tiếp để vượt lên mức đỉnh lịch sử của thị trường chứng khoán. nên cần phải điều chỉnh và phiên hôm nay theo tôi là một phiên điều chỉnh hợp lý”, anh Thành nói.

Phiên hôm nay, anh Lê Trung Thành đã giải ngân mức tối đa mua vào cổ phiếu khi giá cổ phiếu “rơi” vào vùng điểm mua mà anh dự tính.

Anh Nguyễn Đình Ngọc, một nhà đầu tư chứng khoán theo xu hướng dài hạn lại tỏ ra khá thờ ơ với sự kiện thị trường chứng khoán Việt Nam vượt đỉnh lịch sử. “Việc chỉ số VN-Index vượt mốc đỉnh lịch sử không có ý nghĩa nhiều, bởi vì cổ phiếu niêm yết trên sàn đã tăng lên rất nhiều, vì vậy mức 1.171 điểm cũng chỉ là một con số mà thôi”, anh Ngọc nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục