Thị trường dầu bớt lo ngại về khả năng nguồn cung bị gián đoạn

07:02' - 01/11/2023
BNEWS Giá dầu giới giảm trong phiên 31/10, khi thị trường đã bớt lo ngại về khả năng nguồn cung bị gián đoạn do tình hình xung đột tại Trung Đông và số liệu cho thấy sản lượng từ OPEC và Mỹ gia tăng.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 4 xu Mỹ xuống 87,41 USD/thùng với hợp đồng giao tháng 12/2023, và giảm 1,33 USD, hay 1,4%, xuống 85,02 USD/thùng với hợp đồng giao tháng 1/2024.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 1,29 USD, hay 1,6%, xuống 81,02 USD/thùng với kỳ hạn giao tháng 12/2023, và giảm 1,18 USD xuống 80,50 USD/thùng với kỳ hạn giao tháng Một năm sau.

Phiên này, giá dầu biến động mạnh khi có thời điểm tăng đến 1 USD, nhưng vẫn ở dưới ngưỡng 90 USD/USD.

Theo khảo sát của hãng tin Reuters, sản lượng dầu thô của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tăng 180.000 thùng/ngày trong tháng Mười, chỉ yếu là nhờ sự gia tăng nguồn cung từ Nigeria và Angola.

 
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ cũng ghi nhận mức cao kỷ lục mới theo tháng là 13,05 triệu thùng/ngày trong tháng Tám.

Bên cạnh đó, số liệu yếu hơn dự đoán về hoạt động chế tạo và phi chế tạo tại Trung Quốc đã làm dấy lên những lo ngại về nhu cầu nhiên liệu tại nước tiêu thụ dầu thứ hai thế giới này.

Theo khảo sát của Reuters, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm sẽ kìm giá dầu ở dưới mức 90 USD/thùng trong năm nay và năm sau. Giới đầu tư vẫn đang thận trọng với khả năng sẽ có nhiều nước khác tham gia vào xung đột này.

Lạm phát tháng Mười của Khu vực sử đụng dồng tiền chung euro (Eurozone) đã ở mức thấp nhất trong hai năm, giảm từ 4,3% trong tháng Chín xuống 2,9%, theo ước tính của Eurostat. Điều này đồng nghĩa với việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ không sớm nâng lãi suất.

Còn tại Mỹ, theo công cụ Fedwatch của công ty CME, giới phân tích dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp kết thúc vào ngày 1/11./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục