Thị trường dầu, chứng khoán châu Á đi lên trong khi giá vàng giảm trong phiên sáng 15/2

12:56' - 15/02/2021
BNEWS Giá dầu châu Á trong phiên sáng 15/2 tăng lên mức cao nhất trong hơn một năm qua, trước những quan ngại về tình hình căng thẳng gia tăng ở khu vực Trung Đông. 
* Giá dầu châu Á cao nhất trong hơn 1 năm qua do lo ngại căng thẳng ở Trung Đông

Giá dầu châu Á trong phiên sáng 15/2 tăng lên mức cao nhất trong hơn một năm qua, trước những quan ngại về tình hình căng thẳng gia tăng ở khu vực Trung Đông.

Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 66 xu Mỹ (1,1%) lên 63,09 USD/thùng sau khi có lúc tăng lên 63,44 USD/thùng trong cùng phiên, mức cao nhất kể từ ngày 22/1/2020. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tăng 86 xu Mỹ (1,5%) lên 60,33 USD/thùng, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 8/1/2020 là 60,77 USD/thùng trong phiên giao dịch này. 

Trưởng bộ phận chuyên gia Kazuhiko Saito thuộc tổ chức môi giới hàng hóa Fujitomi Co., cho rằng giá dầu tăng cao còn nhờ kỳ vọng rằng các biện pháp kích thích kinh tế của Mỹ và việc nới lỏng các lệnh phong tỏa, sẽ thúc đẩy kinh tế và nhu cầu nhiên liệu. Theo ông, giá dầu WTI có thể bị kéo lùi trở lại khi đạt mức 60 USD/thùng.

Giá dầu tăng trong những tuần gần đây do nguồn cung thắt chặt, phần lớn do việc cắt giảm sản lượng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+.

* Giá vàng châu Á giảm khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao

Giá vàng châu Á phiên 15/2 giảm khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng lên mức cao nhất gần 11 tháng qua trong phiên trước đó, với giá bạch kim tăng lên mức cao nhất trong 6 năm qua.

Trong phiên sáng nay, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.821,84 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm nhẹ xuống 1.822,30 USD/ounce.

Lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020 trong phiên cuối tuần qua, trong bối cảnh lạm phát dự báo sẽ tăng lên mức cao nhất sáu năm qua. Lam phát tăng cao thúc đẩy giá vàng nhưng cũng làm tăng lợi suất trái phiếu, do đó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng miếng.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,4% lên 27,46 USD/ounce, giá palladium tăng 0,1% lên 2.389,67 USD/ounce, còn giá bạch kim giao ngay tăng 1,1% lên 1.265,89 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất 6 năm qua kể từ tháng 1/2015 trong phiên giao dịch là 1.269,30 USD/ounce.

* Thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm

Trong phiên giao dịch 15/2, thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm khi việc triển khai thành công kế hoạch tiêm chủng vaccine ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu làm dấy lên hy vọng phục hồi kinh tế nhanh chóng trong bối cảnh Mỹ đưa ra các biện pháp cứu trợ kinh tế mới trong khi giá dầu tăng cao do căng thẳng ở khu vực Trung Đông.

Phiên này, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) tăng 1,1%, mặc dù số liệu cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai châu Á sau cuộc suy thoái tồi tệ nhất sau chiến tranh đã chậm lại trong quý IV/2020. Trong khi đó chỉ số chuẩn của thị trường Australia tăng 0,9%.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) đóng cửa nghỉ lễ Tết Nguyên đán, còn thị trường Mỹ cũng sẽ đóng cửa nghỉ lễ trong ngày 15/2 (giờ địa phương)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục